Liên kết xây dựng hệ thống và Trung tâm Logistics tại vùng kinh tế trọng điểm miền Trung

17:25' - 09/11/2016
BNEWS Dịch vụ logistics được xem như là một ngành đặc biệt quan trọng, có nhiệm vụ khai thác các lợi thế của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.
Hội thảo “Liên kết xây dựng hệ thống và Trung tâm Logistics tại vùng kinh tế trọng điểm miền Trung”. Ảnh: Văn Sơn-TTXVN

"Liên kết xây dựng hệ thống và Trung tâm Logistics tại vùng kinh tế trọng điểm miền Trung" là nội dung chính tại Hội thảo do Hội đồng vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, UBND thành phố Đà Nẵng và Nhóm Tư vấn hợp tác Phát triển vùng duyên hải miền Trung phối hợp tổ chức tại thành phố Đà Nẵng, ngày 9/11.

Hội thảo nhằm mục đích phân tích, đánh giá tiềm năng, cơ hội và thách thức trong việc phát triển hệ thống và trung tâm logistics tại vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Đồng thời đề xuất các giải pháp, các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển hệ thống và trung tâm logistics trong thời gian tới.

Theo báo cáo của UBND thành phố Đà Nẵng, vùng kinh tế trọng điểm miền Trung có 5 đơn vị hành chính gồm Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định với nhiều điều kiện để phát triển kinh tế - xã hội nói chung, phát triển nhanh và bền vững lĩnh vực logistics nói riêng...

Quy hoạch phát triển hệ thống Trung tâm logistics trên địa bàn cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã xác định vùng miền Trung - Tây Nguyên hình thành và phát triển 6 Trung tâm Logistics hạng I, hạng II và 1 Trung tâm Logistics chuyên dụng hàng không tại địa bàn các vùng, tiểu vùng và hành lang kinh tế...

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đình Thiên, Viện Trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, Thành viên Nhóm Tư vấn hợp tác phát triển vùng duyên hải miền Trung cho biết, vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đã xác định những định hướng phát triển cụ thể như: tập trung nguồn lực phát triển các ngành công nghiệp cơ khí, đóng mới và sửa chữa tàu thuyền, ngành điện tử và công nghệ thông tin; đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến; ngành dệt may, da giày...

Đồng thời, chú trọng tới dịch vụ tài chính, dịch vụ ngân hàng ở các khu kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu, cảng biển, dịch vụ logistics phục vụ hoạt động cảng biển, sân bay, khai thác biển và các thành phố trong vùng.

Trong đó, dịch vụ logistics được xem như là một ngành đặc biệt quan trọng, có nhiệm vụ khai thác các lợi thế của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung (lợi thế về hạ tầng giao thông, hạ tầng cảng biển) để phát triển và đóng góp cho sự tăng trưởng kinh tế...

Để đạt được các mục tiêu trên, ông Thiên cho rằng, không nên xác định vai trò của ngành logistics như một ngành dịch vụ đơn thuần, với chức năng đóng góp cho tăng trưởng kinh tế của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung tương đương như những ngành dịch vụ hay công nghiệp chế biến, chế tạo khác.

Điểm nhấn đặc biệt ở đây chính là vai trò của hệ thống logistics trong một nền kinh tế có tiềm năng tăng trưởng cao đang bước vào giai đoạn hội nhập quốc tế sâu rộng trong bối cảnh thế giới toàn cầu hóa.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Minh Ngọc, Quyền Viện trưởng, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, phát triển hệ thống các Trung tâm logistics là yêu cầu cấp thiết trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

Để đạt được mục đích này, cần đồng bộ hóa thiết kế và các quy hoạch liên quan cũng như đồng bộ hóa vận hành hệ thống các trung tâm logistics, lộ trình đầu tư và huy động các nguồn lực phát triển các trung tâm logistics trong vùng này.

Đồng thời xây dựng chính sách khuyến khích thu hút khu vực tư nhân và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài vào các trung tâm logistics; thành lập khu thương mại tự do bên trong hoặc bên cạnh một số trung tâm logistisc lớn trong vùng.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục