Liệu nước Mỹ đang muốn tuyên chiến với toàn thế giới?

05:30' - 15/08/2017
BNEWS Mối quan hệ giữa Mỹ với Trung Quốc và Nga hiện đang ở trong giai đoạn xấu nhất trong nhiều thập kỷ qua, và giới chức Mỹ cũng đề cập một cách thoải mái hơn về cuộc chiến tranh với Iran và Triều Tiên.
Triều Tiên có thể đang chuẩn bị thử tên lửa phóng từ tàu ngầm. Ảnh: EPA/TTXVN

Theo nhận định của mạng tin buchanan.org, việc chính quyền Kim Jong-un thử nghiệm thêm một tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) có tầm xa đủ để tấn công đến lãnh thổ Mỹ vào ngày 28/7 đã thể hiện rõ mục đích của nhà lãnh đạo Triều Tiên.

Đó là mong muốn sở hữu sức mạnh của vũ khí hạt nhân có khả năng tấn công vào lãnh thổ của kẻ thù và đủ mạnh mẽ để ngăn chặn kẻ thù tấn công. Ông Kim muốn chế độ cầm quyền ở Triều Tiên được "thừa nhận và tôn trọng" và Mỹ phải rời khỏi Hàn Quốc.

Theo Cliff Kupchan từ tập đoàn Eurasia, Mỹ đã lựa chọn giữa hai khả năng: hoặc là chấp nhận Triều Tiên tham gia câu lạc bộ hạt nhân, hoặc tiến hành một cuộc tấn công quân sự mà có thể gây ra những thương vong to lớn đối với người dân.

Cần phải thấy được những gì mà Mỹ đang phải đối mặt. Những biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Triều Tiên, sau khi được Quốc hội thông qua, đã không ngăn được chính quyền Kim Jong-un tiến hành thử ICBM.

Bất kỳ một sự tấn công phủ đầu nào nhằm vào Triều Tiên đều có thể kích hoạt một cuộc phản công hướng đến Seoul và theo đó, khu vực phi quân sự ở biên giới liên Triều (DMZ) có thể phải hứng chịu những loạt đạn pháo khủng khiếp của Bình Nhưỡng còn nạn nhân sẽ là hàng chục nghìn người Hàn Quốc cũng nhưng những binh lính Mỹ và gia đình họ.

Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: AFP

Mỹ sẽ chẳng được lợi gì trong một cuộc chiến tranh tổng lực với Triều tiên - một cuộc chiến không có hồi kết. Theo Thủ tướng Nhật Bản Shizo Abe, ngày 31/7 ông Donald Trump đã khẳng định sẽ "sử dụng tất cả các biện pháp cần thiết" để bảo vệ các đồng minh của Mỹ. Liệu Mỹ có rơi vào một cuộc đối đầu quân sự và một cuộc chiến tranh với Triều Tiên?

Thực tế cho thấy Triều Tiên không phải là "kẻ thù tiềm tàng" duy nhất của Mỹ. Sau khi Quốc hội Mỹ bỏ phiếu với đa số tán thành các biện pháp trừng phạt đối với Nga, ông Trump chấp thuận ký ban hành một dự luật nghiêm cấm việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt nếu không có sự đồng ý của Quốc hội, Nga đã từ bỏ hy vọng về một sự kết nối đối với nước Mỹ dưới thời Donald Trump.

Thứ trưởng Ngoại giao Iran là ông Abbas Araqchi tuyên bố Iran sẽ đáp trả "thích đáng" các lệnh trừng phạt của Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Dự luật mới được thông qua về các biện pháp trừng phạt cũng nhắm đến Iran sau khi nước này tiến hành thử một tên lửa đẩy để đưa vệ tinh vào quỹ đạo, trong khi thoả thuận hạt nhân chỉ nghiêm cấm thử các tên tửa đạo đạo có thể mang đầu đạn hạt nhân. Trong một hành động thách thức Mỹ, Iran đã khẳng định rằng các hoạt động thử tên lửa của nước này vẫn sẽ được tiếp tục.

Những ngày gần đây cũng chứng kiến những tàu chiến của Mỹ và tàu tuần tra của Iran tiến sát nhau một cách đầy nguy hiểm. Máy bay và tàu chiến của Mỹ cũng đã ngày càng tiến gần hơn với máy bay và tàu chiến của Nga và Trung Quốc trên biển Baltic và Biển Đông.

Trong những nỗ lực để tránh một cuộc chiến tranh với Triều Tiên, Washington dường như đang làm điều ngược lại đối với Iran. Trên thực tế, mối đe doạ từ việc chính quyền Trump cáo buộc Iran vi phạm thoả thuận về vũ khí hạt nhân cho thấy một cuộc đối đầu có thể sẽ xảy ra trong tương lai gần.

Câu hỏi đặt ra là khi Quốc hội Mỹ đã xác định đối đầu với Iran thì tại sao lại không huỷ bỏ việc bán cho Iran 140 máy bay mà nước này đã đặt hàng với hãng Boeing? Tại sao Mỹ lại bán máy bay chở khách cho quốc gia bị cáo buộc là "nước tài trợ khủng bố lớn nhất trên thế giới"?

Bản thân giới chức Mỹ đang mâu thuẫn, giữa một bên là mong muốn "răn đe" Iran và một bên là những lợi ích kinh tế. Dù bất cứ lý do gì, Mỹ cũng không muốn khoản tiền khổng lồ đến từ đơn hàng kể trên rơi vào tay Airbus.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục