Liệu Triều Tiên có từ bỏ hạt nhân - “thanh bảo kiếm” của chế độ nhà họ Kim

05:30' - 22/05/2018
BNEWS Viện nghiên cứu Chính sách đối ngoại (FPRI) của Mỹ mới đây đăng bài phân tích của chuyên gia Marvin Ott đề cập đến vấn đề hạt nhân của Triều Tiên.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: EPA/TTXVN 

Trong vài tuần gần đây, những sự kiện liên quan Triều Tiên đã thực sự ấn tượng. Điều gì tạo nên sự thay đổi này? Câu trả lời nằm ở ý định thực sự của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, người thừa kế của chế độ gia đình trị, vốn đang tìm kiếm một điều quan trọng hơn tất thảy: đó là sự tồn vong của chế độ với quyền lực tập trung trong tay Kim Jong-un. 

Để thực hiện điều này, gia đình nhà họ Kim đã áp đặt những biện pháp khắc nghiệt nhất: tạo ra một hệ thống sùng bái cá nhân các nhà lãnh đạo; cách ly đất nước khỏi tất cả những ảnh hưởng từ bên ngoài; chuyển những nguồn lực ưu tiên về kinh tế cho quân đội, cảnh sát và giới quan chức; hy sinh những lợi ích của người dân khiến hàng triệu người khổ sở; và duy trì hệ thống nhà tù từ thời Liên Xô. Cuối cùng, chế độ đó đã cống hiến tất cả các nỗ lực cho việc phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo nhằm de dọa Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ.

Truyền thông Triều Tiên tràn ngập những hình ảnh thù địch của thế giới, dẫn đầu bởi Mỹ, với mục tiêu phá hủy nước này. Chiến lược đó đã dẫn đến việc Triều Tiên là nước duy nhất trong thế kỷ 21 tiến hành thử vũ khí hạt nhân, mặc cho những chỉ trích quốc tế rộng khắp và những lệnh trừng phạt về kinh tế của Liên hợp quốc.

Trong khi đó, Trung Quốc dường như vẫn hỗ trợ cho Bình Nhưỡng những nguồn lực thiết yếu về năng lượng và tài chính. Điều này dẫn đến một nhận định phổ biến ở Washington là ông Kim Jong-un sẽ không bao giờ từ bỏ khả năng hạt nhân, tên lửa đã tiêu tốn rất nhiều công sức của Triều Tiên và năng lực đó được xem như là “thanh bảo kiếm” đảm bảo an ninh và sự tồn vong của chế độ nhà họ Kim. Nếu quan điểm cố hữu này là đúng thì cuộc gặp thượng đỉnh Donald Trump-Kim Jong-un sắp tới (nếu diễn ra) cũng chỉ mang tính hình thức.

Tuy nhiên, một số nhà phân tích lại nhấn mạnh rằng Triều Tiên đang đưa ra một số tuyên bố chính thức hoặc bán chính thức trái ngược với lập trường của họ trước đây (không bao giờ từ bỏ các khả năng mới về hạt nhân), thay vào đó họ diễn tả chương trình phát triển hạt nhân, tên lửa chỉ là "vấn đề mặc cả" để có được nhiều lợi ích về kinh tế.

Từ năm 2003, chính quyền họ Kim đã công khai khẳng định mục tiêu xây dựng tương lai thịnh vượng cho đất nước Triều Tiên nghèo đói. Trong các dịp thảo luận với giới học giả Mỹ, các chuyên gia Triều Tiên bảo vệ chính sách ưu tiên xây dựng quân đội của Bình Nhưỡng, coi đó là một vấn đề nằm trong chương trình thương lượng. Đến nay, ông Kim Jong-un tuyên bố các mục tiêu của chương trình hạt nhân đã “hoàn thành” và ông đang chuẩn bị bước vào giai đoạn đàm phán. 

Các nhà phân tích Triều Tiên còn đưa ra những những nghi ngờ đối với Trung Quốc với những bài học lịch sử sâu sắc. Không tin cậy Trung Quốc là điều nằm trong “DNA của mỗi người Triều Tiên”, ở cả miền Bắc và miền Nam. Các quan chức Triều Tiên đã trao đổi với những người đồng cấp Hàn Quốc về sự phẫn nộ của họ đối với tình trạng phụ thuộc về chiến lược và kinh tế vào Trung Quốc cũng như là nỗi niềm muốn làm giảm hoặc rũ bỏ ảnh hưởng đó.

Theo tư duy logic, điều đó dẫn tới một chiến lược hòa hợp giữa hai miền Triều Tiên và mối quan hệ hòa dịu với Mỹ. Đó cũng là cách để mang lại cho Triều Tiên những lợi ích kinh tế từ các nhà đầu tư nước ngoài, bao gồm viện trợ của Ngân hàng Thế giới (WB) và chuyển giao công nghệ từ Hàn Quốc và phương Tây.

Bình Nhưỡng đang khao khát thực tế rằng Hàn Quốc có quan hệ thương mại nhưng không phụ thuộc vào Trung Quốc. Do đó, mặc dù hàng thập kỷ qua với yêu cầu quân đội Mỹ rời khỏi Hàn Quốc nhưng Bình Nhưỡng vẫn sẽ muốn quân đội Mỹ ở lại trên bán đảo Triều Tiên nếu như hiệp ước hòa bình (thay thế cho Thỏa thuận đình chiến) được ký kết.

Nếu những điều phân tích ở trên là đúng thì có thể dẫn tới hai kết cục ngay lập tức. Một là ông Kim Jong-un tự tin vào khả năng của mình trong kiểm soát những thay đổi sâu sắc mang tính hệ thống ở Triều Tiên. Hai là chúng ta đang ở thời điểm chuyển đổi về địa chính trị quan trọng nhất trên bán đảo Triều Tiên và cả khu vực Đông Á./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục