Lo ngại về sự sụp đổ của TTCK Trung Quốc

18:39' - 14/08/2015
BNEWS Trong chưa đầy một tháng, chỉ số chứng khoán Thượng Hải đã sụt giảm 30%, với khoảng 3.200 tỷ USD bị “bốc hơi”, khi giới đầu tư ồ ạt bán tháo cổ phiếu.

Trong chưa đầy một tháng (từ giữa tháng Sáu đến ngày 8/7), chỉ số chứng khoán Thượng Hải đã sụt giảm 30%, với khoảng 3.200 tỷ USD bị “bốc hơi”, khi giới đầu tư ồ ạt bán tháo cổ phiếu và mối lo về sự sụp đổ của thị trường chứng khoán (TTCK) Trung Quốc đang hiện hữu.

Với lo ngại này, Chính phủ Trung Quốc gần đây đã có những biện pháp can thiệp và điều này đặt ra câu hỏi liệu đó có phải là bước lùi trong nỗ lực cải cách và đi ngược lại cam kết cho phép thị trường đóng vai trò lớn hơn trong nền kinh tế hay không.

Vì sao TTCK Trung Quốc “rơi tự do”?

Chỉ số CSI300 của Trung Quốc (chỉ số chứng khoán tính theo giá trị vốn hóa của 300 cổ phiếu loại A -blue chip– giao dịch tại hai sàn Thượng Hải và Thâm Quyến) đã giảm tới 1/3 kể từ tháng Sáu vừa qua, mức giảm sâu nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Các biện pháp hỗ trợ của Chính phủ Trung Quốc đã không ngăn được đà “rơi tự do” của TTCK Thượng Hải, khi sàn giao dịch này giảm gần 6% trong phiên 8/7. Và ít nhất 1.249 công ty, chiếm 43% tổng số công ty niêm yết, đã ngừng giao dịch trên các TTCK Trung Quốc.

Bank of America Merrill Lynch (BofA-ML) khuyến cáo tình trạng “rơi tự do” trên các TTCK Trung Quốc có thể là dấu hiệu về một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng hơn cả cuộc khủng hoảng tại Hy Lạp trong tương lai. Phân tích của BofA-ML cho rằng tốc độ tăng trưởng kinh tế tại Trung Quốc chậm hơn, doanh thu của các công ty thấp hơn và nguy cơ về cuộc khủng hoảng tài chính sẽ lớn hơn.

Theo phân tích của tờ “The Economic Times” của Ấn Độ, có năm nguyên nhân khiến TTCK Trung Quốc bị sức ép mạnh trong ngày 8/7. Thứ nhất là khuyến cáo nói trên của BofA-ML. Thứ hai là đòi hỏi về tỷ suất lợi nhuận cao hơn trên thị trường. Thứ ba là sự hoang mang của giới đầu tư. Thứ tư là sự sụt giảm của thị trường hàng hóa (giá đồng, than, dầu khí, quặng sắt đang xuống dốc), trong khi TTCK và thị trường hàng hóa phụ thuộc lẫn nhau, thị trường này yếu sẽ tác động xấu đến thị trường kia. Và thứ năm là mối lo ngại về tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc.

Các tỷ phú Trung Quốc “méo mặt”

Các tỷ phú Trung Quốc đang chứng kiến tài sản của mình “bốc hơi” khi giá cổ phiếu hạng A của nước này sụt giảm đã lan sang các cổ phiếu của Trung Quốc Đại lục niêm yết trên TTCK của Đặc khu hành chính Hong Kong và Mỹ.

Hồi tháng Sáu, TTCK Trung Quốc đã chứng khiến mức sụt giảm theo tháng tồi tệ nhất trong hai năm qua, khiến giá trị tài sản ròng của những người giàu nhất Trung Quốc và Hong Kong bỗng chốc bị mất hơn 34 tỷ USD.

Một nhà đầu tư theo dõi các chỉ số chứng khoán tại một sàn giao dịch ở tỉnh Hải Nam

Richard Liu Qiangdong, nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của “gã khổng lồ” thương mại điện tử JD.com, đã chứng kiến tài sản ròng sụt giảm 344 triệu USD, sau khi cổ phiếu của công ty giảm tới 4%. Khối tài sản của bà Zhou Qunfei, Chủ tịch của Lens Technology Co và là người phụ nữ giàu nhất Trung Quốc, giảm 4,8 tỷ USD trong tháng Sáu, khi cổ phiếu công ty niêm yết ở Thâm Quyến giảm 36%.

Theo Bloomberg Billionaires Index, hai tỷ phú hàng đầu Trung Quốc là Wang Jianlin, Chủ tịch của Wanda Group và Jack Ma Yun, nhà sáng lập kiêm Chủ tịch điều hành của Alibaba Group Holdings, đã mất lần lượt 661 triệu USD và 123 triệu USD hôm 7/7.

Động thái can thiệp có đi ngược cam kết cải cách?

Trong lúc nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang trong giai đoạn giảm tốc khi chuyển sang một mô hình tăng trưởng bền vững hơn dựa nhiều vào chi tiêu tiêu dùng, giới lãnh đạo Trung Quốc hy vọng các thị trường hoạt động hiệu quả hơn sẽ cho phép các doanh nghiệp có thể tiếp cận vốn và giảm bớt nhu cầu vay vốn từ ngân hàng. Tuy nhiên, làn sóng thanh khoản từ các biện pháp kích thích của chính phủ kết hợp với khối tiền vay mượn đã tạo ra bong bóng trên TTCK và bong bóng này đang xẹp đi nhanh chóng.

Chính phủ Trung Quốc đã phải có những biện pháp can thiệp để chặn đứng đà sụt giảm của TTCK. Ngày 8/7, Chính phủ nước này thông báo sẽ cho phép các công ty bảo hiểm tăng đầu tư vào cổ phiếu và khởi động chương trình mua cổ phiếu của các công ty nhỏ. Trước đó, các biện khác đã được đưa ra là dừng các đợt IPO, một hoạt động huy động vốn làm tăng thêm biến động cho thị trường và Ngân hàng trung ương cam kết về thanh khoản cho giao dịch ký quỹ vốn được cho là đã đưa đến việc TTCK Thượng Hải tăng đến hơn 150% trong 12 tháng, tính đến khi đạt đỉnh vào tháng Sáu vừa qua.

Nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc Đại lục của ANZ Banking Group, Li-Gang Liu, cho rằng trong dài hạn, Trung Quốc sẽ phải nâng cao chất lượng của các công ty đã niêm yết và tăng số nhà đầu tư thuộc các tổ chức trong một thị trường mà các nhà đầu tư lẻ đang chiếm ưu thế với các giao dịch đầu cơ. Ngoài ra, TTCK Trung Quốc cũng cần mở rộng cửa cho bên ngoài, cho phép các công ty nước ngoài được niêm yết./. 

Lê Minh

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục