London bước vào tiến trình đàm phán rời EU

06:25' - 02/04/2017
BNEWS Thủ tướng Vương quốc Anh Theresa May nói rằng, hiện là lúc để nước Anh cùng đoàn kết và đảm bảo London sẽ đạt được một thỏa thuận rời Liên minh châu Âu tốt nhất có thể.
London bước vào tiến trình đàm phán rời EU. Ảnh minh họa: TTXVN

Thủ tướng Vương quốc Anh Theresa May ngày 29/3 đã chính thức kích hoạt Điều khoản 50 của Hiệp ước Lisbon, khởi động tiến trình đàm phán rời Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit, dự kiến kéo dài hai năm.

Thủ tướng Anh cũng nói rằng hiện là lúc để nước Anh cùng đoàn kết và đảm bảo London sẽ đạt được một thỏa thuận rời Liên minh châu Âu tốt nhất có thể.

Trong cùng ngày, đại diện thường trực Chính phủ nước Anh tại EU, ngài Tim Barrow đã chuyển thư của Thủ tướng May đến Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk thông báo ý định rời khỏi EU của nước Anh, và được chấp thuận.

Trong vòng 48 giờ kể từ khi nhận được thông báo của Vương quốc Anh, ông Tusk sẽ chuyển tới 27 nước thành viên còn lại trong EU dự thảo định hướng đàm phán. Các đại sứ của 27 nước sẽ nhóm họp tại Brussels sau đó để thảo luận về bản dự thảo mà ông Tusk đưa ra.

Tuy nhiên, cuộc đàm phán chính thức đầu tiên giữa nước Anh và EU sẽ chỉ diễn ra sau khi 27 nước thành viên EU thống nhất được với nhau về thứ tự ưu tiên các vấn đề đàm phán, các nguyên tắc và nội dung đàm phán. Các nhà ngoại giao tại EU cho rằng phải tới cuối tháng Năm hoặc đầu tháng Sáu thì cuộc đàm phán chính thức đầu tiên mới có thể bắt đầu.

Có thể nói giai đoạn vài tháng đầu tiên trong tiến trình hai năm là vô cùng quan trọng đối với cả hai bên vì đó là thời gian để hai bên xác lập được những nguyên tắc căn bản cho tiến trình đàm phán.

Phía EU đưa ra điều kiện Vương quốc Anh phải đồng ý "các nguyên tắc rút khỏi EU một cách trình tự" trước khi nói đến đàm phán thương mại. Cụ thể là nước Anh cần phải đồng ý về nghĩa vụ đóng góp tài chính của mình cũng như làm rõ quyền của 4 triệu dân nhập cư gồm công dân EU tại "xứ ưở sương mù" và công dân Anh tại EU.

Trong khi đó, phía Anh muốn tiến hành song song cả thủ tục cho Brexit lẫn bàn về quan hệ đối tác mới trong tương lai, trong đó hiệp định tự do thương mại "tham vọng và can đảm" của bà May là mục tiêu chủ chốt.

Đối với nước Anh, kết quả đàm phán sẽ định hình tương lai của nền kinh tế lớn thứ năm thế giới có quy mô 2.600 tỷ USD và xác định việc liệu London có giữ được vị thế là một trong hai trung tâm tài chính lớn nhất thế giới hay không.

Bà May cam kết tìm kiếm sự tiếp cận lớn nhất có thể các thị trường châu Âu nhưng cho biết nước Anh đặt mục tiêu ký các thỏa thuận thương mại tự do riêng với các nước ngoài châu Âu và áp đặt hạn chế đối với người nhập cư từ châu Âu. Bà thừa nhận rằng những biện pháp như vậy sẽ buộc Anh phải rút khỏi thị trường chung châu Âu với 500 triệu người, được tạo lập trên các nguyên tắc về sự di chuyển tự do của hàng hóa, dịch vụ, vốn và con người.

Các ưu tiên của bà May cũng bao gồm việc đảm bảo thương mại với EU sẽ diễn ra thuận lợi, trong khi chấm dứt tư cách thành viên đầy đủ của nước Anh trong Liên minh hải quan.

Bà muốn rằng quá trình đàm phán về Brexit và mối quan hệ thương mại với EU trong tương lai sẽ diễn ra trong vòng hai năm, dù các quan chức EU nói rằng điều đó sẽ khó khăn.

Rất nhiều vấn đề cần được giải đáp như liệu các nhà xuất khẩu Anh có tiếp tục được miễn thuế khi tiếp cận thị trường chung châu Âu hay không và liệu các ngân hàng đặt tại nước Anh có thể tiếp tục phục vụ các khách hàng châu Âu hay không, chưa kể việc nhập cư và quyền của công dân EU tại xứ ưở sương mù" và người Anh sinh sống tại châu Âu.

Các ngân hàng toàn cầu như Goldman Sachs đang cân nhắc việc chuyển hoạt động ra khỏi nước Anh vì Brexit và một số tập đoàn và ngân hàng lớn có thể lấy ngày kích hoạt Điều khoản 50 làm ngày cập nhật các kế hoạch đầu tư./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục