Long An phản hồi thông tin về việc sử dụng phẩm màu cho cá trê vàng

15:33' - 01/09/2016
BNEWS Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An đã cùng các ngành chức năng tổ chức kiểm tra và kết luận không có một hộ dân nào sử dụng phẩm màu cho cá trê vàng tại địa phương.
Nuôi cá trê vàng tại Long An. Ảnh: TTXVN

Gần một tuần nay, người nuôi cá trê vàng tại huyện Thạch Hóa (tỉnh Long An) lại một phen lao đao sau khi một số báo, đài đưa tin sử dụng chất tạo màu cho cá, trong khi sự việc đã xảy ra những tháng đầu năm 2016.

Hiện tại người nuôi e ngại giá bán cá trê vàng sẽ bị sụt giảm một lần nữa, gây tổn thất đến tình hình chăn nuôi ở địa phương.

Trước thông tin trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An cùng các ngành chức năng cấp tốc tổ chức kiểm tra. Tuy nhiên, kết quả cho thấy không có một hộ dân nào sử dụng phẩm màu cho cá trê vàng.

Theo ông Lê Hữu Tàu – Phó trưởng phòng Nông nghiệp huyện Thạnh Hóa, sau khi tiếp nhận thông tin người dân sử dụng chất cấm theo như báo, đài nêu thì ngành cũng đã kiểm tra lại tính chính xác của nguồn thông tin.

Ngành hiện đã kết luận và thông báo kết quả kiểm tra không phát hiện các cơ sở trên địa bàn kinh doanh chất tạo màu; khẳng định 100%, người dân sử dụng thức ăn đã được cơ quan chức năng đã kiểm nghiệm, đạt theo quy chuẩn nhà sản xuất công bố.

Thực tế, vào tháng 1/2016, có một vài hộ nuôi cá trê được cơ sở kinh doanh thuốc giới thiệu và họ sử dụng thử. Việc này bị phát hiện và các cơ quan chức năng đã vào cuộc.

Cụ thể, sau khi nhận được thông tin trên báo Pháp luật TP.HCM ngày 27/1/2016 về việc hô biến cá trê trắng thành cá trê vàng, thì từ ngày 25-27/4, đoàn công tác của Tổng cục Thủy sản đã đến kiểm tra, làm việc với Chi cục thủy sản Long An; đồng thời, xuống kiểm tra hộ nuôi và kiểm tra cơ sở sản xuất các sản phẩm được cho là không rõ sản phẩm nguồn gốc.

Qua kiểm tra, đoàn công tác kết luận chất sử dụng gây màu là chất đang được phép sử dụng để gây màu cho gia súc, gia cầm. Thành phần chính là carotenoid là sắc tố tự nhiên, được phép sử dụng trong nuôi trồng thủy sản; không phát hiện thấy thông tin, thực tế sử dụng hóa chất vàng Ô để gây màu cho cá trê.

“Chúng tôi đã kiến nghị Tổng cục Thủy sản thông báo cho các cơ quan truyền thông về hiện trạng sử dụng chất tạo màu cho cá trê và thông tin về hoạt động mà người dân sử dụng để tạo màu cho cá trê. Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản tập trung nghiên cứu các chất tạo màu và tính an toàn trong nuôi trồng thủy sản để tăng giá trị sản phẩm thủy sản nuôi và là cơ sở để các doanh nghiệp đăng ký áp dụng trong sản xuất”- ông Trần Văn Khôi, Phó vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản, cho biết.

Thế nhưng cuối tháng 8 này, một số phương tiện thông tin đưa tin vụ việc cũ đã xảy ra trước đó dễ khiến dư luận hiểu nhầm như người nuôi mới vừa tái sử dụng chất màu này. Điều này khiến cho người nuôi cá thêm một phen điêu đứng vì sợ thương lái ép giá.

Trước đó, khi có thông tin chất phẩm màu, giá cá trê sụt giảm từ 60.000 đồng/kg xuống còn 35-40.000 đồng/kg làm người dân bỏ công sức mà vẫn "mất lãi". Anh Trương Văn Bình, ấp Đồn A, xã Thuận Bình (Thạnh Hóa) chia sẻ, ao cá của gia đình anh cho ra 3 tấn cá, lẽ ra sẽ lãi khoảng 60 triệu đồng nhưng khi thu hoạch lại rơi vào thời điểm thông tin sử dụng phẩm màu (tháng 1 và 2/2016) nên chịu mất số tiền này.

Còn anh Phan Văn Phong ấp Trà Cú, xã Thuận Nghĩa Hòa (Thạnh Hóa) phàn nàn: “Theo như thông tin sử dụng phẩm màu, là người nuôi thì tôi không nhất trí. Nhà nước không cho phép sử dụng chất cấm thì người nuôi không thể sử dụng. Hiện đã có thức ăn trong nhà máy chế biến đã qua kiểm tra, kiểm định, thì người nuôi sử dụng. Bây giờ mua thuốc chưa qua đăng kiểm cũng không có ai bán. Tôi cũng mong cơ quan chức năng và thông tin đại chúng chấn chỉnh kịp thời để người dân an tâm chăn nuôi”.

Hiện toàn huyện có hơn 50 ha với hơn 120 hộ dân nuôi cá trê vàng. Cuộc sống người dân khấm khá hơn khi chuyển đổi vật nuôi. Bởi vậy, khi thông tin về sử dụng phẩm màu của người nuôi, các cơ quan truyền thông cần nêu một cách chính, khách quan và đúng thời điểm xảy ra.

Có như vậy, mới vực dậy phong trào phát triển kinh tế, thoát nghèo, nhất là người dân đang sống ở vùng đất có thời tiết, thổ nhưỡng vô cùng khắc nghiệt - ông Phạm Phú Hùng –Phó Giám đốc Trung tâm khuyến nông tỉnh Long An kiến nghị./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục