Long đong ”cây xóa đói giảm nghèo”

09:10' - 27/08/2015
BNEWS Từ chỗ là cây xóa đói giảm nghèo, sắn đã trở thành một trong những cây trồng chủ lực của ngành nông nghiệp, có kim ngạch xuất khẩu đứng thứ 5 trong các mặt hàng nông sản xuất khẩu.

Các nhà máy ethanol và nhà máy chế biến tinh bột sắn trong nước đang mất cân đối trên 3 triệu tấn sắn nguyên liệu/năm. Để đảm bảo cân đối sản xuất, khuyến khích chế biến trong nước, hạn chế xuất khẩu sắn thô, thuế xuất khẩu sắn lát 5% được áp dụng từ 20/6/2015. Tuy nhiên, ngay khi áp dụng vào thực tế đã gặp một số khó khăn phải tạm dừng. Để phát triển bền vững cây trồng có thế mạnh này cần thiết phải có quy hoạch vùng nguyên liệu gắn với chế biến của các nhà máy và quan trọng nhất là việc gắn kết nhà máy chế biến với vùng sản xuất nguyên liệu.

Từ cây xóa đói giảm nghèo nhất là những nơi khó khăn, vùng đồng bào dân tộc, sắn đã trở thành một trong những cây có kim ngạch xuất khẩu “tỷ đô”, cây trồng chủ lực của ngành nông nghiệp. Kim ngạch xuất khẩu sắn đã đứng thứ 5 trong các mặt hàng nông sản xuất khẩu, sau cà phê, lúa, điều, tiêu với trên 1,1 tỷ USD/năm. Theo ông Võ Thành Đô, Phó Cục trưởng Cục chế biến Nông lâm thủy sản và nghề muối, dự báo tình hình tiêu thụ sắn, trong thời gian tới tiếp tục tăng do thị trường tiêu thụ sắn đang tăng mạnh, đặc biệt là thị trường Trung Quốc, sử dụng sắn để sản xuất ethanol. Ngoài thị trường Trung Quốc, các thị trường lớn khác như Hàn Quốc, Philippines liên tục tăng trong các năm gần đây.

Sắn là cây dễ trồng, ít kén đất, vốn đầu tư ít, phù hợp với nhiều vùng sinh thái khác nhau và điều kiện kinh tế nông hộ. Với điều kiện tự nhiên và khí hậu phù hợp cho sự sinh trưởng và phát triển, hiện sắn được trồng chủ yếu trên đất cát, đất nhiều sỏi đá, đất thịt, và đất dốc và trên 4 vùng sinh thái của cả nước như Trung du miền núi phía Bắc, Bắc Trung bộ, duyên hải miền Trung, Tây Nguyên và Đông Nam bộ. Diện tích trồng sắn đã đứng thứ ba sau lúa và ngô với 560.000 ha sắn.

Nhà máy sản xuất tinh bột sắn Đồng Xuân - Phú Yên. Ảnh: Thanh Long/TTXVN

Cả nước hiện có trên 100 nhà máy sản xuất tinh bột sắn quy mô công nghiệp. So với 5 năm trước đã tăng gấp đôi về số lượng nhà máy và gấp 3 công suất. Mỗi năm sản xuất được 1,8 đến 2 triệu tấn tinh bột sắn, trong đó 70% là xuất khẩu, thị trường Trung Quốc chiếm 85% kim ngạch xuất khẩu. Không chỉ nhiều nhà máy sản xuất tinh bột sắn ở khắp vùng trồng sắn, cả nước cũng có 7 nhà máy sản xuất ethanol từ nguyên liệu sắn được xây dựng với tổng công suất thiết kế 502.000 tấn ethanol/năm. Từ vai trò là cây lương thực, cây sắn đã và đang chuyển đổi nhanh chóng thành cây công nghiệp, cây nguyên liệu cho sản xuất nhiên liệu sinh học.

Tuy nhiên, trong 6 nhà máy đã đi vào hoạt động, do khó khăn về vốn và thị trường tiêu thụ, đến nay mới chỉ có 3 nhà máy hiện còn đang sản xuất nhưng hoạt động cầm chừng. Trước tình trạng này ông Lưu Quang Thái, Chủ tịch Hiệp hội Nhiên liệu sinh học Việt Nam, cần nghiêm túc thực hiện lộ trình sử dụng xăng sinh học đã công bố và một số giải pháp về thị trường nội địa sản phẩm ethanol nhiên liệu để thực hiện thành công đề án phát triển nhiên liệu sinh học của Chính phủ.

Ông Nghiêm Minh Tiến, Phó Chủ tịch Hiệp hội Sắn Việt Nam cũng đánh giá nếu ethenol sinh học hoạt động phát triển theo lộ trình của Chính phủ, các nhà máy sẽ mở ra, ngành sắn sẽ phát triển xứng với tiềm năng, người nông dân miền núi trồng sắn sẽ có đời sống khá giả.

Ngoài khó khăn về thị trường tiêu thụ, hiện các nhà máy sản xuất ethanol cũng không có vùng nguyên liệu. Nhà máy phải dựa vào thu mua từ dân hoặc các thương lái nên tất yếu dẫn đến sự mất ổn định nguyên liệu cả về giá, chất lượng và số lượng. Để khắc phục điểm yếu này, theo ông Lưu Quang Thái cần xây dựng vùng chuyên canh nguyên liệu để chủ động cho sản xuất là giải pháp mang tính cơ bản và bền vững.

Hiện những vùng thâm canh tốt như ở Tây Ninh cho năng xuất 70-80 tấn/ha, nhưng năng suất bình quân cả nước mới đạt 18,5 tấn/ha. So với một số nước trong khu vực, năng suất Việt Nam còn thấp, Ấn độ đạt trên 31 tấn/ha, Thái Lan 21 tấn/ha… Theo ông Lê Huy Hàm, Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp, Việt Nam hoàn toàn có thể tăng năng suất sắn thông qua quy trình canh tác là thâm canh, giống, tưới nước, bón phân…

Tuy nhiên, giống tốt đến đâu đi chăng nữa mà khâu tổ chức thâm canh kém thì cũng không đẩy năng suất lên được. Trong khi cây sắn được phân bổ chủ yếu ở vùng trung du miền núi, đây là khu vực mà bà con có tập quán canh tác rất lạc hậu nên để thay đổi tập quá đó có rất nhiều vấn đề, phải gắn tốt giữa các nhà máy và vùng nguyên liệu để đầu tư, hướng dẫn kỹ thuật cùng bà con, ông Nghiêm Minh Tiến cho hay.

Do năng suất vẫn còn thấp để đảm bảo cân đối sản xuất trong nước, khuyến khích chế biến trong nước, hạn chế xuất khẩu sắn thô, Hiệp hội Sắn Việt Nam đã kiến nghị và được Thủ tướng đồng ý tăng 5% thuế xuất khẩu sắn lát từ 20/6/2015. Tuy nhiên, ngay khi áp dụng vào thực tế, đã gặp một số khó khăn nên phải tạm dừng áp dụng. Theo Bộ Tài chính, Bộ sẽ sửa đổi hướng áp dụng mức thuế xuất khẩu sắn lát là 1% hoặc 2% kể từ ngày 1/1/2016. Bộ Tài chính sẽ tiếp tục theo dõi để có lộ trình tăng dần mức thuế suất thuế xuất khẩu cho phù hợp với lộ trình áp dụng xăng sinh học và tình hình thực tế về sản xuất, tiêu thụ sắn trong nước, đảm bảo hài hòa lợi ích Nhà nước – doanh nghiệp – nông dân trồng sắn.

Theo ông Nghiêm Minh Tiến, để phát triển bền vững cây trồng có thế mạnh này, cần xây dựng quy hoạch vùng nguyên liệu cần gắn với chế biến của các nhà máy, quan trọng nhất vẫn là việc gắn kết nhà máy chế biến với vùng sản xuất nguyên liệu. Các nhà máy có chính sách đầu tư phát triển vùng nguyên liệu, ký kết hợp đồng tiêu thụ ổn định, hợp lý với nông dân, để nông dân yên tâm đầu tư thâm canh, tăng năng suất, chất lượng, đáp ứng yêu cầu nguyên liệu cho các nhà máy. Bên cạnh đó, cần có chính sách ưu đãi, chính sách chia sẻ rủi ro cho cây sắn như những cây trồng khác như mía, lúa, điều./.

Bích Hồng

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục