Lựa chọn thứ tư cho nền kinh tế Canada

07:45' - 07/05/2016
BNEWS Nền kinh tế của Canada hiện nay phụ thuộc một phần không nhỏ vào xuất khẩu, do đó vấn đề mở rộng thương mại đang được rất nhiều chuyên gia nước này quan tâm.

Chính phủ của Thủ tướng Justin Trudeau đã tiếp nhận nhiều giải pháp được đệ trình để tham khảo ý kiến rộng rãi trước khi đưa ra bất kỳ quyết định nào.

Trong một bài xã luận mới đây, hai tác giả Allan Gotlieb và Matthew Kronby đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đa dạng hóa thị trường xuất khẩu Canada, đặc biệt nhấn mạnh vào Trung Quốc, Mexico và Hàn Quốc. Họ đã gọi sự đa dạng hóa này là “Lựa chọn thứ ba” (với châu Âu và Mỹ là hai lựa chọn đầu tiên).

Lựa chọn thứ ba ra đời sau khi cố Thủ tướng Pierre Trudeau tổ chức xem xét đánh giá chính sách của chính phủ. Do đó, hai tác giả lập luận rằng không cần tổ chức một cuộc đánh giá chính sách nữa, bởi Canada đã tìm ra hướng đi của chính mình.

Thủ tướng Canada Justin Trudeau. Ảnh: THX/TTXVN

Theo báo cáo của Cơ quan Thống kê Canada về hoạt động thương mại quốc tế với Trung Quốc, Hàn Quốc và Mexico trong 27 năm qua, từ năm 1988, Canada đã đạt thặng dư 1,6 tỷ USD với Trung Quốc nhưng đến cuối năm 2015 thặng dư đã biến thành thâm hụt 45 tỷ USD; với Hàn Quốc thâm hụt 1 tỷ USD tăng lên 3,8 tỷ USD; còn với Mexico thâm hụt nhỏ từ 66 triệu USD đã tăng lên đến 2 tỷ USD.

Tuy nhiên, quan hệ thương mại của Canada với châu Á tách biệt khỏi Mexico bởi nước này thuộc về Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ ( NAFTA). Sẽ hợp lý hơn nếu so sánh với Nhật Bản - đối tác thương mại châu Á lớn thứ hai của Canada.

Cũng trong cùng thời kỳ 27 năm đó, thâm hụt thương mại của Canada với Nhật Bản đã tăng từ 500 triệu USD lên 5 tỷ USD, gấp mười lần.

Nếu gộp cả ba đối tác thương mại lớn nhất của Canada tại châu Á là Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc thì trong 27 năm theo đuổi “Lựa chọn thứ ba”, Canada đã biến tổng thặng dư khiêm tốn 534 triệu USD năm 1988 thành một khoản thâm hụt cực lớn 53,8 tỷ USD vào cuối năm 2015.

Nguyên nhân chủ yếu là bởi thâm hụt thương mại với Trung Quốc tăng lên gần 50 lần. Cũng trong 27 năm đó, thặng dư của Canada với Mỹ tăng gần 10 lần, từ 14,8 tỷ USD năm 1988 lên 115 tỷ USD vào cuối năm 2015.

Do hoạt động thương mại với Mỹ tăng mạnh nên Canada mới có thể cân bằng cán cân thương mại, mặc dù bị gia tăng thâm hụt với nhiều đối tác thương mại khác. Thật không may, thậm chí cả khoản thặng dư khiêm tốn cũng đã biến mất kể từ đó, chủ yếu bởi kết quả ảm đạm từ chiến lược “Lựa chọn thứ ba”.

Nhìn vào những con số trên, liệu một chính phủ thận trọng sẽ đánh giá “Lựa chọn thứ ba” là một thành công lớn và tiếp tục đi theo con đường đó; hay xem xét khẩn cấp nhằm phát triển một chính sách thương mại tốt hơn để đảo ngược xu hướng này? Nếu không làm gì thì thâm hụt sẽ ngày càng gia tăng, gây xói mòn ngân quỹ của Canada, và kéo theo cả nền độc lập của Canada.

Thủ tướng Trudeau đã khôn ngoan khi cương quyết không để chính phủ đưa ra quyết định vội vàng, cũng như đưa mọi vấn đề quan trọng ra phân tích nghiêm ngặt trước khi hành động. Kế hoạch du hành của Trudeau cũng là một bước đi đúng đắn.

Đầu tiên đến Davos để nói với thế giới về cơ hội đầu tư ở Canada; rồi đến Mỹ hồi đầu tháng này (đến nay Mỹ vẫn đối tác thương mại quan trọng nhất và là đối tác an ninh mạnh mẽ nhất của Canada); và trong thời gian tới sẽ đến thăm châu Á (khu vực đang ngày càng trở nên quan trọng).

Theo phát biểu của Han Jun, Thứ trưởng Bộ Tài chính và Kinh tế Trung Quốc, trong buổi thảo luận đàm phán cơ hội cho một Thỏa thuận Thương mại Tự do (FTA) với Canada, Trung Quốc hiện nay đang thiếu hụt nhiều sản phẩm nông nghiệp.

Trung Quốc là nước nhập khẩu nông sản lớn nhất thế giới và nếu có một FTA với Canada, các sản phẩm nông nghiệp lớn nhất mà Trung Quốc nhập về từ nước này sẽ là khoáng sản chứa kali, nông sản và các sản phẩm năng lượng.

Do đó, Thủ tướng Trudeau đã được khuyên mang theo cả những mẫu sản phẩm lương thực, thực phẩm chất lượng và cả khoáng sản kali trong chuyến thăm Trung Quốc sắp tới, như một lời hồi đáp lý tưởng: Nếu người Trung Quốc cần nhiều kali và thực phẩm hơn để giúp họ phát triển nông nghiệp thì Canada luôn sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của người dân Trung Quốc.

Canada cần phát triển một chính sách kinh tế quốc gia vững chắc mới vì lợi ích quốc gia. Ảnh: Reuters

Không cần phải chờ tới tận các cuộc đàm phán FTA dai dẳng, gia tăng xuất khẩu nông sản và kali không những sẽ đáp ứng nhu cầu của Canada, mà còn giúp giải quyết lo ngại của Trung Quốc về tình trạng mất cân đối thương mại có thể gây căng thẳng tới tình hữu nghị bấy lâu của hai nước.

Lựa chọn 'Thứ tư' là chế biến tại Canada để tăng thêm giá trị trước khi xuất khẩu. Do Trung Quốc đang thiếu nguồn năng lượng, Canada có thể hỗ trợ bằng cách đề nghị liên doanh với các công ty tư nhân Trung Quốc để chế biến các loại thực phẩm ngũ cốc ở Canada thành sản phẩm cuối cùng phù hợp nhất với người Trung Quốc.

Như vậy Trung Quốc sẽ tiết kiệm được nguồn năng lượng cần có để cung cấp cho các nhà máy chế biến, từ đó giảm nhẹ áp lực về nhu cầu nhập khẩu năng lượng của nước này.

Cũng trong vấn đề năng lượng, Thủ tướng Trudeau còn có thể hỗ trợ hơn nữa bằng cách đưa ra đề xuất tương tự với các liên doanh tinh luyện và xử lý dẫn xuất từ nhựa đường của Canada, bao gồm cả các sản phẩm hóa dầu mà Trung Quốc đang cần cho ngành công nghiệp sản xuất của mình.

Ngược lại, nếu xuất khẩu nhựa đường chưa qua xử lý sẽ khiến người Canada lo ngại về nguy cơ ô nhiễm khu vực ven biển, đồng thời có nguy cơ làm mất lòng người dân Trung Quốc bởi họ sẽ cho rằng Canada đang xuất khẩu ô nhiễm sang nước mình và làm tăng thêm mức độ ô nhiễm vốn đã ở mức báo động gây nguy hiểm sức khỏe con người.

Như với Mỹ nhiều năm về trước, cũng với cách khuyến khích nước Mỹ xây dựng cơ sở sản xuất ô tô và các mặt hàng khác ở Canada, cả hai nước đều đạt được lợi nhuận.

Chính phủ Canada hiện nên xem xét mở rộng các cơ hội đầu tư tương tự tới các đối tác thương mại ở châu Á. Thủ tướng Trudeau cần phải đảm bảo với lãnh đạo Trung Quốc rằng mở rộng mối quan hệ với người dân Trung Quốc là ưu tiên trên hết của Canada, và Canada đang tập trung phát triển ý tưởng này hơn nữa, noi theo tấm gương của Trung Quốc, chỉ lập ra kế hoạch dài hạn sau khi đã phân tích nghiêm ngặt.

Bằng cách này, Canada hy vọng sẽ có thể xây dựng một mối quan hệ vững bền với Trung Quốc, giống như đã có với Vương quốc Anh, Pháp và Mỹ.

Để đạt được mục tiêu trên, Thủ tướng Trudeau được khuyến khích học hỏi từ những nước như Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc để lập ra được một chiến lược xuất khẩu thành công. Các chuyên gia đồng thời cũng đề xuất chính phủ tổ chức một cuộc tranh luận chuyên sâu cấp quốc gia về những vấn đề quan trọng đối với người dân Canada sau khi Trudeau kết thúc chuyến thăm.

Như vậy, sau khi lắng nghe tất cả các ý kiến, quan trọng nhất là của các lãnh đạo tỉnh và những nhà lãnh đạo dân tộc bản xứ của Canada, chính phủ sẽ có đầy đủ thông tin để sẵn sàng phát triển một chính sách kinh tế quốc gia vững chắc mới vì lợi ích quốc gia của Canada.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục