Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt phải trả lời được các câu hỏi của nhà đầu tư

17:49' - 22/11/2017
BNEWS Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV đang diễn ra, dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt được thảo luận và cho ý kiến.
Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt phải trả lời được các câu hỏi của nhà đầu tư. Ảnh minh họa: TTXVN

Khi thực hiện kêu gọi đầu tư cho xây dựng Đề án thành lập đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, một nhà đầu tư hàng đầu của Mỹ đặt ra cho lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh 4 câu hỏi lớn về quy hoạch tầm quốc gia; cơ sở pháp lý; kết cấu hạ tầng và sự cam kết của chính quyền.

Đây là những câu hỏi mà 5 năm trước, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đã nợ câu trả lời. Và đây cũng không phải là nhà đầu tư duy nhất chờ lời giải đáp từ các địa phương của Việt Nam cho câu chuyện làm đặc khu.

Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV đang diễn ra, dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt được thảo luận và cho ý kiến. Sự chờ mong dự án Luật này với những cơ sở pháp lý mang tính đột phá được thông qua sẽ là điều kiện tiên quyết để "giấc mơ đặc khu" cho Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang) thành hiện thực.

Dự án Luật phải trả lời được câu hỏi của các nhà đầu tư

Kể lại quá trình thu hút đầu tư cho dự án đặc khu Vân Đồn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Thành cho biết, lãnh đạo Đảng, chính quyền đã sớm nhận ra những lợi thế rất đặc sắc, khác biệt của Vân Đồn.

Và trong thời gian dài, Quảng Ninh đã có những chủ trương, định hướng thu hút đầu tư, hạ tầng với những nhà đầu tư mang tầm chiến lược và có đẳng cấp cao để đảm bảo phát huy giá trị của vùng đất này một cách tương xứng.

Khi thực hiện kêu gọi đầu tư cho xây dựng Đề án thành lập đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, một nhà đầu tư hàng đầu của Mỹ đã đặt ra cho lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh 4 câu hỏi lớn.

Nhà đầu tư đánh giá Vân Đồn rất đẹp, đặc sắc, được biết Vân Đồn sẽ trở thành một trong những đặc khu trong tương lai thì quy hoạch ở tầm quốc gia xác định Việt Nam có bao nhiêu đặc khu và tính ổn định trong bao nhiêu năm nữa?

Đưa dẫn chứng tất cả các đặc khu trên thế giới muốn phát triển được thì phải được điều chỉnh bằng luật, nhà đầu tư đặt câu hỏi vậy bao giờ Việt Nam có luật điều chỉnh cho đặc khu bởi đến nay, các khu kinh tế của Việt Nam được điều chỉnh bằng các nghị định, các văn bản dưới luật, thậm chí có tính tạm thời, nên nhà đầu tư chưa đảm bảo niềm tin để có thể đưa hàng tỷ USD vào đầu tư.

Ngoài ra nhà đầu tư cũng đặt câu hỏi cơ quan nào, bộ, ngành nào hoặc ai có thẩm quyền để thay mặt Thủ tướng quyết định những vấn đề liên quan đến phát triển đặc khu và hạ tầng cơ sở, giao thông kết nối cho Vân Đồn thế nào, bao giờ sẽ xong?

"4 câu hỏi đó, quả thực 5 năm trước Quảng Ninh chưa có đủ điều kiện để trả lời. Nhưng đến thời điểm này, chúng tôi hình dung chắc sẽ không xa nữa. Khi luật về đặc khu được thông qua với những cơ sở pháp lý đột phá thì cả 4 câu hỏi, 4 điều kiện hết sức căn bản đó đều có thể được thỏa mãn. Và như vậy thì không chỉ nhà đầu tư hàng đầu của Hoa Kỳ đó, mà các nhà đầu tư khác sẽ nhìn nhận ra những cơ hội đó" - Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Ninh chia sẻ.

Trong thời gian vừa qua, được sự cho phép của Trung ương, Quảng Ninh đã chủ động triển khai đề án từ năm 2012. Đồng thời với đó là cùng tham gia với các bộ, ngành chuẩn bị dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt để hoàn chỉnh khung pháp lý và báo cáo với Chính phủ xây dựng quy hoạch có tầm chiến lược với sự tư vấn của những tập đoàn hàng đầu thế giới, để Vân Đồn cùng những đặc khu khác có tính kết nối tổng thể, đảm bảo cho tầm nhìn chiến lược dài lâu.

Mặc dù đang trong quá trình hoàn thiện đề án, nhưng các cơ sở hạ tầng đã được Quảng Ninh đã và đang đầu tư đồng bộ, trong đó phấn đấu đầu năm 2018 sẽ xong đường cao tốc Hải Phòng - Hạ Long, Hạ Long - Vân Đồn và sân bay Vân Đồn.

Trong năm 2017, Quảng Ninh đang báo cáo Trung ương để khởi công cao tốc Vân Đồn - Móng Cái. Do vậy, các hạ tầng về giao thông và các hạ tầng điện, nước, viễn thông đã triển khai đồng bộ. Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn cũng đang được xây dựng.

Đồng thời, Quảng Ninh đang nỗ lực và quyết tâm thu hút nguồn lực đầu tư của các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Đến nay, địa phương này đã thu hút được trên 55.300 tỷ đồng (2,5 tỷ USD) đầu tư cho Vân Đồn, trong đó riêng giai đoạn 2015-2017 trên 36.000 tỷ đồng vốn đầu tư đã được huy động theo hình thức đối tác công - tư.

"Với những sự chuẩn bị về cơ sở hạ tầng, giao thông kết nối như vậy, Quảng Ninh tin tưởng rằng khi dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt được thông qua với những cơ sở pháp lý đột phá sẽ là điều kiện để đặc khu Vân Đồn cất cánh" - Phó Chủ tịch UBND tỉnh tin tưởng.

Thể chế phải có tính cạnh tranh khu vực và quốc tế

Nhấn mạnh việc cần thiết phải ra đời luật về đặc khu, đại biểu Trần Hoàng Ngân (Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, những chính sách, quy định pháp luật phải có bề dày, "tuổi thọ" của các quy định, tạo điều kiện để có thể phát sinh thêm những đặc khu khác trên cả nước chứ không chỉ riêng 3 địa phương theo đề án thí điểm.

"Chúng ta cần quan tâm và hết sức chú ý là trên thế giới có rất nhiều đặc khu, kể cả các nước trong khu vực, như Myanmar cũng mới thành lập đặc khu với nhiều cơ chế ưu đãi để thu hút nhà đầu tư. Vậy câu hỏi đặt ra là chúng ta sẽ ưu đãi những gì, có những chính sách gì để có thể cạnh tranh được?" - đại biểu Ngân đưa ý kiến.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân. Ảnh: Thành Trung/BNEWS/TTXVN

Đại biểu Trần Hoàng Ngân phân tích, hiện nay trong 63 tỉnh, thành phố, chúng ta có rất ít "đầu tàu" kinh tế. Một số đầu tàu kinh tế có thể kể ra là Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Đồng Nai, Bình Dương. Nếu có thêm 3 đặc khu kinh tế tức là có thêm 3 "đầu tàu" nữa để kéo theo các "toa tàu", địa phương khác cùng đồng hành phát triển.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Phùng Văn Hùng cho biết, trước đây chúng ta đã hình thành một số khu kinh tế nhưng vấn đề là chúng ta chưa có luật. Và rõ ràng là việc điều hành, tổ chức của các khu kinh tế tuân thủ theo luật hiện hành.

"Muốn phát triển khu hành chính - kinh tế đặc biệt thì chúng ta phải có cái gì đó đặc biệt. Và cái đặc biệt phải được quy định trong luật thì mới có khả năng đảm bảo được về cơ chế chính sách, cơ chế quản lý" - ông Phùng Văn Hùng nêu quan điểm.

Đại biểu Trương Minh Hoàng (Cà Mau) lạc quan vì mới có chủ trương về đặc khu, vốn đầu tư đã tăng mạnh.

"Tôi đã đi cùng đoàn khảo sát đến các nơi này thì thấy các tỉnh đã vào cuộc rất quyết liệt, lập dự án, chủ động mời gọi thu hút đầu tư. Như Vân Đồn đã thu hút hơn 50.000 tỷ đồng. Một tập đoàn cũng đầu tư đến hơn 17.000 tỷ đồng vào Phú Quốc. Mới bàn thảo mà họ đã mạnh dạn đầu tư, nếu chúng ta đưa ra chính sách một cách cụ thể, thông thoáng hơn, tôi nghĩ các nhà đầu tư nước ngoài sẽ mạnh dạn đầu tư" - đại biểu Trương Minh Hoàng cho biết.

Do đó, luật về đặc khu nên có cơ chế đặc thù, ưu đãi, được tính toán, rút kinh nghiệm từ các khu kinh tế đã thành công và không thành công trước đây trong khu vực và quốc tế.

"Nếu luật tiếp tục góc nhìn bó hẹp, chính sách không ổn thì chắc chắn nhà đầu tư sẽ không mặn mà. Chính sách càng cụ thể, chi tiết thì khả năng thu hút các nhà đầu tư sẽ cao hơn" - đại biểu Hoàng cho ý kiến.

Dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt được mong chờ đang thảo luận và cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV. Để tạo lập mô hình phát triển mới có tính đột phá, bảo đảm khả năng cạnh tranh trong khu vực và quốc tế thì các nhà làm luật và Quốc hội cần đưa ra được những cơ chế, chính sách vượt trội với các luật hiện hành, để tạo điều kiện cho các đặc khu trở thành hiện thực./.

>> Tìm mô hình đặc khu kinh tế đặc biệt phù hợp

>> Chờ đợi những cơ chế vượt trội của “đặc khu” Vân Đồn

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục