Mafia + Quan tham = “Ác mộng” của nền kinh tế Italy

09:54' - 16/11/2015
BNEWS Những đối tượng bị cáo buộc tham gia một hệ thống cấu kết chặt chẽ giữa "thế giới ngầm tội phạm" mafia và giới quan chức chính quyền các cấp ở thủ đô Rome đã được đưa ra xét xử đầu tháng 11 vừa qua.

Trong đợt đầu của phiên tòa lớn nhất ở Rome trong nhiều thập niên qua, 46 người, gồm nhiều "bố già" và hàng loạt nhân vật đứng đầu một số công ty trực thuộc chính quyền và các sở ban ngành ở thành phố Rome, đã bị đưa ra xét xử.

Đây là vụ bê bối mới nhất liên quan đến sự cấu kết chặt chẽ giữa các hệ thống tội phạm ở Italy với chính giới của nước này.

Vụ việc đã làm chấn động “đất nước hình chiếc ủng”, khiến cho một loạt quan chức từ cấp thấp đến cao của chính quyền thủ đô bị cách chức, bị bắt hoặc bị điều tra và làm cho đảng cầm quyền bị mất uy tín.

Cảnh sát Italy bắt giữ một thành viên quan trọng của tổ chức mafia khét tiếng Ndrangheta. Ảnh: Reuters - TTXVN

Hiện tại, ở Italy có ba nhóm tội phạm lớn nhất gồm băng mafia Sicily (hay còn gọi là Cosa Nostra), băng Ndrangheta và băng Camorra, đều có nguồn gốc ở khu vực miền Nam. Trong đó, Ndrangheta hiện được coi là "tập đoàn" tội phạm có thế lực nhất ở Italy, với ảnh hưởng tài chính của chúng ước tính lên tới trên 3% Tổng sản phẩm trong nước (GDP) của nước này.

Các nhà chức trách cho biết những băng nhóm tội phạm này lâu nay đã đầu tư nguồn tiền mà chúng thu được từ các hoạt động buôn bán ma túy và tống tiền vào những doanh nghiệp có vẻ bề ngoài là hợp pháp.

SOS Impresa, một tổ chức chống mafia có trụ sở tại Rome, ước tính tổng thu nhập của các băng nhóm tội phạm có tổ chức ở Italy trong năm 2009 đã lên tới 135 tỷ euro.

Còn theo thống kê của Quỹ Rocco Chinnici, đặt theo tên của viên thẩm phán bị mafia sát hại năm 1983, cho thấy hệ thống Cosa Nostra mỗi năm kiếm được khoảng 1,3 tỷ euro lợi nhuận từ các hoạt động tội phạm liên quan đến việc ép các doanh nghiệp phải trả tiền bảo kê cho chúng.

Tại Palermo, thủ phủ của Sicily, có khoảng 80% các doanh nghiệp lớn nhỏ phải “chung chi” hàng tháng cho các băng đảng mafia. Trên toàn quốc, số doanh nghiệp Italy phải nộp tiền bảo kê lên đến con số 160.000, với tổng số tiền lên tới gần 10 tỷ euro/năm.

Trong bối cảnh đáng lo ngại trên, Thống đốc Ngân hàng trung ương Italy Mario Draghi đã phải lên tiếng cảnh báo, mafia là một trong những lý do chính khiến nền kinh tế lớn thứ tư Liên minh châu Âu (EU), tăng trưởng chậm chạp.

Theo ông Draghi, trong suốt 10 năm qua, tình trạng mafia xâm nhập vào các cơ cấu, tổ chức sản xuất ngày càng tăng và đây là một trong những yếu tố chính gây cản trở cho sự phát triển của nền kinh tế.

Lời phát biểu được đưa ra tiếp sau một báo cáo hàng năm của Cơ quan Chống mafia Quốc gia (DNA) của Italy công bố hồi tuần trước cho biết băng đảng tội phạm khét tiếng 'Ndrangheta ở vùng Calabria đang ngày càng phát triển ở Italy cũng như ở nước ngoài, nhờ vào các nguồn tài chính "không hạn chế" của chúng.

Trong khi đó, một thông tin khá “sốc” đối với dư luận Italy là số liệu thống kê của Tổng các hiệp hội doanh nghiệp Italy (Rete Imprese Italia) đưa ra dựa theo các tính toán của Bộ hành chính công Italy cho hay tệ quan liêu, với thủ tục hành chính vô cùng rườm rà và sự thiếu hiệu quả của hệ thống hành chính công đã khiến ngân sách của nước này thiệt hại mỗi năm 31 tỷ euro, tương đương với xấp xỉ 2% GDP.

Vụ bê bối gần nhất liên quan đến hệ thống hành chính công là việc cảnh sát đã bắt gần 40 nhân viên chính quyền thành phố nghỉ mát Sanremo, khi những người này bị cáo buộc đã gian lận việc quẹt thẻ điện tử chấm công cho mình và nhiều đồng nghiệp hưởng lợi bất chính.

Cũng theo Rete Imprese, các thủ tục hành chính quá rườm rà đã ngăn cản các hoạt động kinh doanh của những doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Trung bình mỗi năm, một người làm công trong một doanh nghiệp thuộc loại này thường mất một tháng cho việc hoàn chỉnh các thủ tục hành chính khác nhau, chủ yếu là về thuế. Bản thân các doanh nghiệp đó cũng đối mặt với hàng loạt thủ tục khác nhau để mở hoặc đóng lại các hoạt động kinh doanh.

Rete Imprese cho hay 9 tỷ euro trong số 31 tỷ euro hoàn toàn có thể cắt giảm được ngay tức khắc và việc này có thể tạo ra những hiệu ứng tích cực cho nền kinh tế, với việc số tiền được đổ vào ngân sách, giúp tăng đầu tư xã hội và tạo cơ sở cho việc tăng trưởng GDP.

Rete Imprese cho rằng việc cắt giảm những khoản chi phí cho hành chính công có thể làm tăng GDP tới 1% trong vòng 4 năm tới.    

Kinh tế Italy chật vật tìm đường hồi sinh. Ảnh: Reuters - TTXVN

Kinh tế Italy tiếp tục tăng trưởng ở mức thấp trong quý III/2015, trong lúc thị trường lao động được cải thiện dần, khi tỷ lệ thất nghiệp có chiều hướng giảm và tỷ lệ người có việc làm tăng lên. Đây là kết luận mà Cơ quan Thống kê nhà nước Italy (ISTAT) đưa ra trong báo cáo về kinh tế vĩ mô của nước này trong quý III/2015.

ISTAT cũng dự đoán mức tăng trưởng GDP trong cả năm 2015 sẽ ở mức từ 0,5% đến 0,7%. Tuy vậy, ISTAT cho rằng sự chững lại của nền kinh tế toàn cầu tác động tiêu cực tới xuất khẩu của Italy trong quý III/2015, và có thể ảnh hưởng đến mức tăng trưởng của cả năm.

Chi tiêu tiêu dùng của người dân có thể vẫn sẽ tăng, sau một thời gian dài sức mua giảm xuống do khủng hoảng kinh tế bắt họ phải thắt lưng buộc bụng, nhưng đầu tư của nước ngoài vào Italy có thể không tăng.    

Hầu như chính phủ nào của Italy trong những năm gần đây cũng hứa hẹn sẽ tiến hành cải cách thủ tục hành chính để giảm gánh nặng chi phí ngân sách và tăng hiệu năng của hệ thống hành chính công quá cồng kềnh và tốn kém. Tuy nhiên, đây không phải là một điều dễ dàng.

Chính phủ của Thủ tướng Matteo Renzi hiện đang mắc kẹt trong những kế hoạch cải cách mà họ đề ra, trong đó có việc xem xét lại toàn bộ các khoản chi ngân sách cho hành chính công có thể cắt giảm được, giảm lượng xe công và tuyên chiến với những công chức bị kỉ luật hoặc năng lực quá kém bằng việc thúc đẩy sa thải họ.    

BAQ (Tổng hợp) 

                       

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục