Mất 464 đến 605 ngày mới xong thủ tục dự án nhà đất

18:03' - 12/11/2015
BNEWS Thời gian phát triển dự án bất động sản kéo dài với 8 giai đoạn trước khi khởi công, mất từ 464 – 605 ngày.
 Hệ thống quản lý nhà ở còn phức tạp. Ảnh: TTXVN

Đây là thông tin được đưa ra tại hội thảo “Thực trạng và định hướng phát triển thị trường bất động sản (BĐS) Tp. Hồ Chí Minh giai đoạn 2016 – 2020, định hướng đến 2025 và tầm nhìn đến năm 2030” do Sở Xây dựng Tp. Hồ Chí Minh tổ chức ngày 12/11.

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực nhà đất, hệ thống quản lý nhà ở còn phức tạp, một dự án nhà ở có đến sự tham gia của các Sở như Xây dựng, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Quy hoạch Kiến trúc, Kế hoạch và đầu tư cùng UBND quận huyện.

 Thời gian phát triển dự án kéo dài với 8 giai đoạn trước khi khởi công, mất từ 464 – 605 ngày gồm đăng ký đầu tư, thông tin quy hoạch, công nhận chủ đầu tư, quy hoạch chi tiết 1/500, chấp thuận đầu tư, thẩm định và phê duyệt dự án, giao – cho thuê đất, cấp phép xây dựng.

Tình trạng đầu cơ và những người đầu tư ngắn hạn chiếm đến 20% số người mua nhà. Trong khi đó, nhà ở không phù hợp với khả năng chi trả, cá nhân phải tiết kiệm liên tục 16 – 17 năm mới có thể mua được nhà ở bình dân (giá bán 700 USD/m2) với điều kiện mức thu nhập tối thiểu từ 650 USD/người/tháng.

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Vinh, Đại học Kinh tế Tp. Hồ Chí Minh cho rằng, thị trường BĐS thành phố kém minh bạch về chỉ số giá, số lượng và dạng bất động sản giao dịch, số lượng sẽ cung ứng trên thị trường…

Thủ tục hành chính rườm rà, nhiều văn bản chồng chéo khiến thời gian duyệt hồ sơ hay thực hiện giao dịch bất động sản kéo dài 2,5 – 3 năm, dẫn đến phát sinh chi phí, đẩy giá bán về phía người mua.

“Việc quy hoạch thiếu minh bạch, hay điều chỉnh, chỉ được một số cá nhân cập nhật, phát sinh luồng thông tin không chính thức gây sụt giảm niềm tin vào công tác quản lý quy hoạch.

Đặc biệt, thị trường vẫn còn tràn làn các giao dịch ngầm, kéo theo vấn nạn tham nhũng, vòi vĩnh”, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Vinh chia sẻ thêm.

Tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng, Nhà nước cần nhanh chóng hoàn thiện hệ thống cơ sở pháp lý, hệ thống thông tin để đảm bảo thị trường minh bạch, phát triển lành mạnh như thông tin quy hoạch, hệ thống thuế và các quy định chống đầu cơ. ,

Thành phố cần thống nhất việc quản lý, phát triển nhà ở và dự án nhà ở cho một Sở duy nhất là Sở Xây dựng đồng thời khuyến kích phát triển các chủ đầu tư chuyên nghiệp, cũng như xây dựng hệ tiêu chí lựa chọn chủ đầu tư có năng lực phát triển dự án.

Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN

Về giải pháp tài chính, các chuyên gia khuyến nghị thành phố cần cân bằng tín dụng BĐS cả hai phía doanh nghiệp và người mua, ổn định lãi suất vay mua nhà trong toàn thời gian vay đồng thời kiểm soát chặt chẽ các nguồn tài chính cho phát triển một dự án.

Đối với nhu cầu người dân, cần khuyến khích loại hình nhà ở cho thuê, đa dạng hóa sản phẩm BĐS, khảo sát thường xuyên nhu cầu mua nhà để có những điều chỉnh chiến lược phù hợp.

Bên cạnh đó, nhà nước cần xây dựng bộ dữ liệu về giao dịch (mua bán, chuyển nhượng…) và cập nhật thường xuyên, công khai; rút ngắn thời gian đăng ký, xét duyệt hồ sơ dự án bất động sản; khắc phục tình trạng quản lý chồng chéo giữa Bộ Xây dựng, Tài chính và Tài nguyên Môi trường; hạn chế tối đa giao dịch ngầm thông qua cơ chế đăng ký và quản lý BĐS trên toàn quốc, qua đó giảm thất thu cho ngân sách Nhà nước.

Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Lê Huỳnh Cương Nghị, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Phát triển căn hộ Nam Long cho rằng, cần thiết hình thành cơ quan quản lý phát triển nhà cấp quốc gia và thiết lập các kênh tài chính tiết kiệm nhà ở theo thông lệ và kinh nghiệm quốc tế.

Đơn cử như tại Singapore đang áp dụng thành công mô hình Cơ quan quản lý và phát triển nhà (HDB) kết nối cung cầu, điều phối các nguồn lực và hoạch định chính sách nhà ở.

“Nhà nước cần cải cách thủ tục hành chính theo hướng minh bạch, nhanh chóng, hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng dự án khi đã bồi thường được từ trên 80% diện tích, đảm bảo lợi ích người có đất, lợi ích của doanh nghiệp và của xã hội.

Điều này có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với 502 dự án BĐS đang ngưng triển khai, vốn là phần chìm của tảng băng hàng tồn kho trên thị trường bất động sản lâu nay", ông Lê Hoàng Châu kiến nghị.

Để giảm giá thành nhà ở cho người mua, ông Lê Hoàng Châu đề xuất thành phố cũng cần có cơ chế xác định chi phí doanh nghiệp đã bồi thường, giải phóng mặt bằng tiến tới khắc phục tình trạng gần như doanh nghiệp phải mua lại hai lần như hiện nay, đây vốn là nguyên nhân làm tăng giá thành nhà ở mà cuối cùng người mua phải gánh chịu.

Ngoài ra, Nhà nước cũng cần đảm bảo nguồn vốn trung hạn, dài hạn cho thị trường BĐS, trong đó cần có nguồn vốn tín dụng cho vay mua nhà ở xã hội dài hạn, tối thiểu 20 năm, với lãi suất khoảng 3-3,5%/năm./.

Trần Xuân Tình/TTXVN

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục