May áo cưới - Nghề mới làm giàu cho người dân vùng ven biển Nam Định

08:00' - 22/09/2017
BNEWS Nắm bắt được xu thế của thị trường, người dân vùng ven biển xã Giao Lạc, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định đã tìm tòi nghiên cứu, phát triển mở rộng nghề làm áo cưới.

Nhờ có sự đầu tư đúng hướng, nghề may áo cưới không những tạo được nguồn thu nhập đáng kể cho người dân mà còn giúp giải quyết một lượng lớn lao động tại vùng nông thôn lúc nông nhàn.

Hiện nay tại xã Giao Lạc, huyện Giao Thủy có khoảng 200 cơ sở sản xuất áo cưới, trung bình mỗi cơ sở thu hút từ 25-30 lao động tại chỗ. Ảnh: Công Luật/TTXVN

Cơ sở may của ông Đỗ Văn Bình, tại xóm 20, xã Giao Lạc luôn tấp nập khách đến đặt mua các loại áo cưới. Ngoài những khách hàng quen thuộc ở Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên, Nam Định, khoảng 2 năm trở lại đây, cơ sở của ông Bình nhận được rất nhiều đơn hàng đến từ các địa phương trong cả nước như: Lâm Đồng, Thành phố Hồ Chí Minh…

Theo ông Bình, nghề làm áo cưới tại Giao Lạc đã có từ lâu, tuy nhiên ban đầu chỉ có một số hộ trong xã làm để phục vụ nhu cầu trên địa bàn tỉnh. 5 năm trở lại đây, đáp ứng nhu cầu của thị trường, nghề làm áo cưới tại đây đã phát triển nhanh.

Ông Bình cho biết, nghề làm áo cưới giống như “ làm dâu trăm họ”, nếu muốn giữ được khách hàng phải liên tục sáng tạo ra những mẫu váy cưới mới cầu kỳ, độc đáo, màu sắc phong phú, đáp ứng đa dạng các yêu cầu về khung cảnh, thời tiết ở ngoài trời, trong nhà, mùa ấm, mùa lạnh. Nghề may áo cưới phức tạp hơn nhiều so với việc may đo bình thường.

Ngoài sự cần cù, tỉ mỉ, người thợ cần phải khéo tay, có óc thẩm mỹ vì yêu cầu của khách hàng rất cao khi mỗi người chỉ sử dụng tấm áo cưới trong sự kiện trọng đại nhất của đời mình.

Anh Đinh Văn Tú, chủ một cơ sở may áo cưới tại làng Đại Đồng, xã Giao Lạc chia sẻ, những năm đầu, khi mới vào nghề, anh cũng gặp rất nhiề khó khăn do chưa có kinh nghiệm, có lúc tưởng như sụp đổ. Tuy nhiên, với sự nỗ lực phấn đấu, học hỏi từ những chuyên gia, sách báo và cả những người thợ có kinh nghiệm, chúng tôi cũng được đền đáp khi các sản phẩm làm ra được thị trường tiếp nhận.

Hiện nay, các sản phẩm của cơ sở được cập nhật từng ngày, được thiết kế theo xu hướng thời trang thế giới, mẫu mã luôn phong phú, đáp ứng được nhu cầu của những khách hàng khó tính.

Xã Giao Lạc hiện có khoảng 200 cơ sở sản xuất áo cưới. Trung bình, mỗi cơ sở thu hút từ 25-30 lao động tại chỗ. Do đặc thù công việc chỉ cần sự kiên trì, tỉ mỉ, khéo tay, đa số người dân trong xã đều đáp ứng được yêu cầu công việc.

Mức lương từ 4-5 triệu đồng/tháng với những lao động bình thường và 6-8 triệu đồng/tháng với những vị trí đòi hỏi kỹ thuật cao. Nghề làm áo cưới tại đây đã giúp người dân có cuộc sống khá giả hơn ngoài nghề làm ruộng.

Chị Nguyễn Thị Thu, người dân xã Giao Lạc cho biết: Nhà chị cấy hơn 5 sào ruộng. Những lúc nông nhàn, chị tranh thủ nhận một số công đoạn của áo cưới về làm thêm. So với làm ruộng, nghề làm áo cưới cho thu nhập cao hơn gấp nhiều lần mà lại không phụ thuộc vào thời tiết, sâu bệnh.

Chị Đinh Thị Huyền, người dân trong xã chia sẻ: Cấy lúa một sào mỗi vụ thu được 50 kg sau trừ chi phí, tính giá thị trường như hiện nay sẽ thu được khoảng 300.000 đồng. Như vậy, gia đình sẽ không thể đủ ăn nếu không có nghề này.

Giao Lạc là một xã ven biển của huyện Giao Thủy, ngoài một số ít hộ phát triển nghề nuôi trồng và đánh bắt thủy hải sản, đa số người dân nơi đây đều phụ thuộc vào cây lúa. Những năm trước đây, cuộc sống của người dân Giao Lạc gặp nhiều khó khăn do giá lúa bấp bênh và không có nghề phụ. Khoảng 5 năm trở lại đây, do nhu cầu của thị trường áo cưới, người dân trong xã đã mở nhiều cơ sở sản xuất áo cưới.

Các hộ không có điều kiện mở cơ sở sẽ nhận khoán sản phẩm về nhà làm để tăng thêm thu nhập. Cuộc sống của người dân nơi đây đã có nhiều đổi thay. Nhiều hộ đã vươn lên làm giàu từ nghề làm áo cưới.

Ông Đặng Văn Đại, Chủ tịch UBND xã Giao Lạc cho biết: hiện nay, xã có khoảng 200 hộ sản xuất váy áo cưới bán thị trường trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài. Bình quân mỗi tháng, một cơ sở sản xuất hơn 1.000 bộ áo cưới các loại.

Nghề làm áo cưới đã giúp quyết việc làm cho hơn 2000 lao động trong xã vào những lúc nông nhàn với mức thu nhập cao và ổn định, giúp cho cuộc sống của người dân khá giả hơn, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn mới vùng ven biển.

>>>Người nuôi trồng thủy sản thiệt hại nặng sau bão số 10

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục