Máy bán hàng tự động hé lộ nhiều điều về văn hóa Nhật Bản

07:02' - 24/02/2018
BNEWS Với hơn 5 triệu máy bán hàng tự động trên khắp cả nước, Nhật Bản là quốc gia có mật độ máy bán hàng tự động dày đặc nhất thế giới.
Máy bán hàng tự động hé lộ nhiều điều về văn hóa Nhật Bản. Ảnh minh họa

Một đặc điểm ở Tokyo sẽ gây bất ngờ cho bất cứ ai khi đặt chân đến là các máy bán hàng tự động có mặt ở khắp mọi nơi trên đường phố, trước các cửa hàng tiện lợi, các khu dân cư và trung tâm thương mại. Với hơn 5 triệu máy bán hàng tự động trên khắp cả nước, Nhật Bản là quốc gia có mật độ máy bán hàng tự động dày đặc nhất thế giới.

Theo số liệu của Hiệp hội các nhà sản xuất máy bán hàng tự động Nhật Bản, tại “đất nước hoa anh đào”, cứ bình quân khoảng 23 người dân thì có một máy bán hàng tự động và doanh số hàng năm các máy này thu về lên đến hơn 60 tỷ USD.

Không chỉ đặc biệt về số lượng mà máy bán hàng tự động ở Nhật Bản còn gây bất ngờ với sự đa dạng và độc lạ của những mặt hàng được bày bán, từ các loại nước ngọt, cà phê, trà, bia, thuốc lá, kẹo đến soup và thức ăn hâm nóng.

Tuy nhiên, điểm thú vị lại nằm ở những điều mà máy bán hàng tự động “tiết lộ” về văn hóa độc đáo của nước Nhật. Người Nhật nói chung và người dân Tokyo nói riêng rất bận rộn nên vì thế họ rất xem trọng tính tiện lợi.

Dù người dân ở các thành phố lớn khác trên thế giới cũng như vậy, nhưng các nước khác vẫn không có nhiều máy bán hàng tự động như Nhật Bản. Hãy cùng xem các chuyên gia kinh tế và xã hội lý giải như thế nào về điều này.

Yếu tố đầu tiên tạo nên lợi thế cho máy bán hàng tự động là chi phí nhân công đắt đỏ ở Nhật Bản. Theo ông William A. McEachern, giáo sư kinh tế của Đại học Connecticut (Mỹ), tỷ lệ sinh ngày càng giảm, dân số già hóa và dân nhập cư ít đã làm cho lao động ở Nhật Bản thêm khan hiếm và đắt đỏ.

Trong một quyển sách viết về kinh tế vĩ mô của mình, ông McEachern chỉ ra rằng máy bán hàng tự động là một giải pháp cho vấn đề này khi nhờ có nó mà người ta không cần đến những nhân viên bán hàng.

Ông Robert Parry, một giảng viên kinh tế của Đại học Kobe (Nhật Bản) cũng cho rằng, giá lao động cao là một nguyên nhân mà các công ty bán lẻ ở Nhật Bản hăng hái ứng dụng máy bán hàng tự động.

Ông Parry cho biết, trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng ấn tượng trong thời kỳ hậu chiến, giá nhân công ở Nhật Bản tăng vọt, trong khi máy bán hàng tự động chỉ cần nhà vận hành đến kiểm tra định kỳ để bổ sung hàng hóa và thu tiền về.

Bên cạnh đó, mật độ dân số cao và bất động sản đắt đỏ cũng là nguyên nhân khiến máy bán hàng tự động phổ biến ở Nhật Bản. Với dân số 127 triệu người trong một đất nước mà diện tích chỉ xấp xỉ bang California của Mỹ, trong đó khoảng 75% là đồi núi, Nhật Bản là một trong những nước có mật độ dân số cao nhất thế giới với 93% dân số Nhật Bản sinh sống ở thành thị.

Chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi mật độ dân số dày đặc này khiến giá bất động sản ở Nhật Bản luôn cao “chót vót” trong suốt hàng chục năm. Dù giá đất ở thành phố có giảm xuống trong suốt thời kỳ suy thoái kinh tế của Nhật Bản những năm 1990, song đã phục hồi trở lại.

Mật độ dân số cao và bất động sản đắt đỏ đồng nghĩa với việc người Nhật không có nhiều không gian cho các hàng hóa tiêu dùng và các doanh nghiệp ở nước này thà đầu tư vào một chiếc máy bán hàng tự động còn hơn là mở cả một cửa hàng bán lẻ.

Chính vì vậy, ông Parry kết luận rằng máy bán hàng tự động ưu việt hơn cửa hàng bán lẻ trong việc tạo ra nhiều doanh thu hơn tính trên mỗi đơn vị mét vuông đất của “xứ sở hoa anh đào”.

Tỷ lệ tội phạm thấp cũng tạo điều kiện cho máy bán hàng tự động phát triển nở rộ ở quê hương của các võ sỹ Samurai. Nhật Bản từ lâu đã nổi tiếng có tỷ lệ tội phạm, sát nhân đặc biệt thấp và đây không phải là con số thống kê ấn tượng duy nhất về tội phạm của quốc gia này.

Theo một báo cáo về tình trạng tội phạm của Liên hợp quốc, Nhật Bản là một trong những nước có tỷ lệ trộm cướp thấp nhất thế giới. Dù còn nhiều tranh cãi về lý do cho tỷ lệ phạm tội thấp ở Nhật Bản, một điều đã quá rõ ràng là tình trạng xâm phạm và phá hoại các tài sản công cộng rất hiếm khi xảy ra.

Theo Tổ chức du lịch quốc gia Nhật Bản, các máy bán hàng tự động ít khi bị phá hay trộm, dù trong đó có đến hàng chục nghìn yen và nhiều khi chúng đặt ở những con phố tối tăm và ít người qua lại. Trong khi ở Mỹ, ông Parry cho biết các công ty vận hành máy bán hàng tự động thậm chí còn không nghĩ đến việc sẽ đặt máy ở vệ đường do lo ngại chúng sẽ bị phá hoại.

Một điểm đặc biệt nữa trong văn hóa Nhật Bản là đất nước này phụ thuộc rất nhiều vào tiền mặt. Trong khi ở Mỹ, bên cạnh những cửa hàng chỉ chấp nhận tiền mặt hiếm hoi thì người dân ở đây dùng thẻ tín dụng hay thẻ ghi nợ để mua hầu như mọi thứ.

Tại Tokyo, thậm chí ở các nhà ga cũng không chấp nhận thẻ tín dụng trong các giao dịch mua vé tàu điện ngầm và chỉ những chuỗi cửa hàng lớn mới chấp nhận thẻ tín dụng. Chính vì vậy, người Nhật luôn mang theo người một lượng đáng kể tiền mặt, cả tiền giấy và tiền xu.

Việc thả xu vào máy bán hàng tự động để mua đồ rất thuận tiện ở Nhật Bản, tiền xu có cả các mệnh giá lớn như 50 yen, 100 yen và 500 yen  (1 USD = 112 yen).

Lý giải cho sự phát triển của máy bán hàng tự động, nhà báo Tsutomu Washizu cho rằng, văn hóa Nhật Bản bị “ám ảnh” bởi tự động hóa và người máy (robot). Ông cho rằng chính điều này là nguyên nhân chính khiến máy bán hàng tự động được ưa chuộng ở Nhật Bản.

Theo ông Washizu, không một quốc gia nào có phong trào tự động hóa mạnh mẽ như đất nước này và người Nhật luôn đánh giá cao và tin tưởng vào các hệ thống tự động của họ./.

>>> Hội nhập quốc tế theo hướng đi tắt đón đầu công nghệ mới

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục