Mía chết hàng loạt, nông dân Long An lao đao

05:30' - 05/01/2017
BNEWS Trong lúc nhiều người đang háo hức chuẩn bị đón Tết, hàng chục hộ dân của xã Hựu Thạnh, huyện Đức Hòa (Long An), lại "đứng ngồi không yên" vì hàng trăm héc ta mía đến thời kỳ thu hoạch bị chết.

Theo chân những người dân đến ấp 3B, thuộc xã Hựu Thạnh, chúng tôi chạnh lòng khi nhìn những cánh đồng mía khô héo, thối rễ, cây trơ trọi, lá vàng hoe. Ông Bùi Văn Hạnh, nông dân ấp 3B cho biết, ông trồng mía nay đã hơn 30 năm, mặc dù không dư giả mấy, nhưng vẫn đảm bảo cuộc sống của gia đình. Đây là vùng đất rất phù hợp cho cây mía và đây cũng là cây trồng chủ lực của xã. 

Thế nhưng, vào những tháng cuối của năm 2016, nước triều cường dâng cao bất thường so với mọi năm, đã làm cho toàn bộ diện tích 9 ha của ông bị mất trắng, với tổng số vốn đầu tư gần 400 triệu đồng. Hiện, ông thuê người chặt mía bỏ, nhưng vẫn không có người làm thuê. Ông Hạnh bùi ngùi chia sẻ, thời gian này, mía chết nên nhờ chính quyền các cấp xem xét cứu vãn tình thế cho những hộ trồng mía một số vốn để tái tạo sản xuất. 
Trường hợp của anh Nguyễn Phúc Toại, xã Hựu Thạnh, xem ra còn đỡ hơn ông Bùi Văn Hạnh đôi chút. Anh trồng trên diện tích 4 ha, nhưng bị nước nước ngập lụt hơn so với hàng năm dẫn đến mía anh bị thiệt hại khoảng 60-70%. Tuy vậy, số còn bán được năng suất thấp, chỉ đạt 30-40 tấn/ha. 
Không riêng nông dân, các thương lái thu mua mía cũng bị lỗ vốn. Theo anh Nguyễn Phúc, thương lái, lúc đầu cây mía khoảng 3-4 tháng tuổi, anh ước tính mỗi héc ta đạt năng suất trung bình 80 tấn và anh trả người dân 40 triệu đồng/ha. Tuy nhiên 2 tháng sau đến mùa thu hoạch, mía bị thất bát hoặc chết, nhà vườn giảm cho 10 triệu đồng nhưng vẫn bị lỗ. Bên cạnh đó, mía không chất lượng như các loại mía phát triển bình thường, nhà máy đường thường hay ép và hạ giá. Đó là chưa nói đến nhân công thu hoạch tăng gấp 2 lần. 
Ông Đỗ Ngọc Ẩn, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân ấp 3B cho biết, toàn xã Hựu Thạnh có khoảng 300 ha mía. Cuối năm 2016, nước lũ kết hợp với triều cường, nông dân trở tay không kịp, nước bị ngập sâu và kéo dài dẫn đến mía bị thất đến 70% diện tích. 
“Nông dân ở đây sống bằng cây mía mà hiện nay không thu được thì nông dân hoàn toàn bị cô lập. Qua đây, các cấp chính quyền xem xét hỗ trợ cho người dân một chút vốn nào đó, để họ tái sản xuất, an tâm trong cuộc sống, nhất là dịp Tết sắp cận kề”, ông Ngọc Ẩn kiến nghị. 
Ông Lê Văn Hoàng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An cho biết, ngành nông nghiệp đã khẩn trương thống kê những diện tích bị thiệt hại để đề xuất với Ủy ban nhân dân tỉnh hỗ trợ vốn cho người dân. Đồng thời, ngành sẽ sớm hỗ trợ những hộ dân bị thiệt hại trước Tết Nguyên đán. 
Nói thêm về thiệt hại trong năm 2016, ông Lê Văn Hoàng, cho biết trên địa bàn tỉnh xảy ra tình trạng xâm nhập mặn, hạn, nắng nóng, ngập úng, triều cường và giông lốc đã gây thiệt hại trên 314 tỷ đồng đối với các diện tích cây trồng và cây ăn trái… Đến nay, UBND tỉnh Long An đã hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi với số tiền gần 18 tỷ đồng và 25 tỷ đồng để nạo vét, tu bổ, sửa chữa công trình thủy lợi và công trình cấp nước sinh hoạt ở các huyện xảy ra thiên tai…/. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục