Mô hình nào để quản lý hiệu quả vốn nhà nước?

11:59' - 27/04/2017
BNEWS Việt Nam từng đã có những mô hình như Tổng cục Quản lý vốn và tài sản Nhà nước trực thuộc Bộ Tài chính, sau đó là mô hình Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) trực thuộc Chính phủ.

Minh bạch và hiệu quả việc quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Ảnh: Ngọc Quỳnh/BNEWS/TTXVN

Làm thế nào để quản lý doanh nghiệp và quản lý vốn tại doanh nghiệp nhà nước đạt hiệu quả, tách bạch được chức năng quản lý nhà nước và chức năng đại diện chủ sở hữu…là một trong những nội dung quan trọng được đề cập tại hội thảo “Mô hình quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong tiến trình tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam” tổ chức sáng 27/4, tại Hà Nội.

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Công nghiệp, Chủ nhiệm Khoa Tài chính, Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cho rằng, với việc chuyển đổi nền kinh tế Việt Nam từ kế hoạch hóa tập trung sang kinh tế thị trường, với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế, đòi hỏi nhà nước phải có cách nhìn mới về chủ sở hữu, đại diện chủ sở hữu và yêu cầu quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước.

Việt Nam từng đã có những mô hình như Tổng cục Quản lý vốn và tài sản Nhà nước trực thuộc Bộ Tài chính, sau đó là mô hình Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (hay còn gọi là SCIC) trực thuộc Chính phủ.

Ở mỗi giai đoạn khác nhau, các mô hình trên đều phát huy tác dụng bước đầu và đạt được nhiều thành quả quan trọng. Tuy nhiên, còn tồn tại những hạn chế nhất định và đến nay vẫn chưa có được mô hình tổ chức nào quản lý vốn nhà nước đáp ứng được yêu cầu. Chính vì lẽ đó, việc sử dụng vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp nhà nước vẫn còn kém hiệu quả, Tiến sĩ Nguyễn Công nghiệp.

Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng, Viện Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), nhận định, mục tiêu đặt ra cho việc lựa chọn mô hình quản lý vốn nhà nước nhằm thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về tách chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp với chức năng quản lý nhà nước. Qua đó, thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường…

Theo ông Cung, điều quan trọng là giúp thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp một cách tập trung, thống nhất, thay vì phân tán ở nhiều cơ quan, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý vốn nhà nước, cải thiện chất lượng quản lý doanh nghiệp.

Do đó, cơ quan quản lý vốn nhà nước phải là một nhà đầu tư chủ động, nhằm hạn chế tối đa sự can thiệp hành chính vào doanh nghiệp; tách chức năng chủ sở hữu tài sản, vốn của nhà nước với chức năng quản lý nhà nước; sớm xóa bỏ chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước của các bộ, các ủy ban nhân dân…

Cùng có chung quan điểm trên, Tiến sĩ Nguyễn Viết Lợi, Viện trưởng, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, nhấn mạnh, mô hình tập trung trong quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp là xu thế chung đang được đa phần các nước trên thế giới áp dụng; trong đó, mô hình công ty là mô hình chiếm ưu thế.

Tuy nhiên cần hiểu sự tập trung là ở mức độ tương đối. Những nước áp dụng thành công mô hình này đều có các doanh nghiệp nhà nước đặc thù khác nhau thuộc quản lý của các bộ, cơ quan thực hiện việc quản lý và làm đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước.

Thêm nữa, cần phân tích quản lý hành chính nhà nước và quản lý doanh nghiệp, phân tách giữa chính trị và kinh doanh; đồng thời, xem đây là mục tiêu hàng đầu để xem xét lựa chọn mô hình quản lý doanh nghiệp nhà nước , nhất là đối với các doanh nghiệp nhà nước hoạt động vì mục tiêu lợi nhuận, ông Lợi khuyến nghị.

Mô hình được chọn cần nâng cao năng lực ở các khâu như quản lý vốn từ chủ sở hữu, tạo môi trường nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và giám sát hiệu quả sử dụng vốn. Tránh việc chỉ chú trọng vào 1 đến 2 khâu đều làm hiệu lực quản lý không đạt yêu cầu.

Mô hình cũng cần tạo thuận lợi cho việc áp dụng các thông lệ tốt trong quản lý doanh nghiệp. Thực hiện công khai, minh bạch đối với việc sử dụng vốn nhà nước và công tác quản lý của các khâu trong mô hình quản lý. Phát huy vai trò giám sát của cộng đồng, người lao động; giám sát toàn diện trước, trong và sau.

Ông Lợi cũng cảnh báo, việc tập trung sức mạnh của các doanh nghiệp nhà nước lớn và quan trọng trong các lĩnh vực, ngành then chốt vào một tổ chức có thể làm tăng nguy cơ rủi ro, phát sinh những vấn đề về tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của các đơn vị, đặc biệt là trong môi trường quản lý yếu kém./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục