Mới chỉ có 39% hợp tác xã chuyển đổi theo Luật 2012

11:17' - 21/06/2016
BNEWS Mặc dù chỉ còn chưa đầy 10 ngày nữa toàn bộ các hợp tác xã đều phải hoàn thành chuyển đổi theo Luật Hợp tác xã 2012 nhưng đến nay mới chỉ có 39% hợp tác xã chuyển đổi theo Luật.
Trang trại gà gần 10.000 con của cơ sở chăn nuôi Quang Hằng-thành viên của HTX. Ảnh: Thu Hương-TTXVN

Trước thực trạng đáng buồn này, ông Võ Kim Cự, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam thừa nhận, nguyên nhân của Luật 2012 chậm đi vào cuộc sống là do thiếu sâu sát, thiếu cụ thể, thậm chí nhiều nơi còn buông lỏng quản lý, chưa dành thời gian thỏa đáng để giải quyết những vướng mắc của các hợp tác xã.

Theo ông Võ Kim Cự, tuy chưa có tổng hợp chính thức nhưng hiện nay kết quả chuyển đổi hợp tác xã ở nhiều tỉnh, thành phố đều đạt tỷ lệ thấp.

Đáng nói, ở nhiều địa phương còn số lượng lớn hợp tác xã không thể tổ chức lại, hoặc không theo kịp tiến độ chuyển đổi.

Các tỉnh đã vậy, ngay cả Liên minh Hợp tác xã thành phố Hà Nội, đơn vị điển hình của cả nước mà trong tổng số 1.668 hợp tác xã, không kể 184 hợp tác xã ngừng hoạt động cũng chỉ có 482 hợp tác xã chuyển đổi xong theo Luật, đạt khoảng 32%, chưa có hợp tác xã nào chuyển đổi sang loại hình kinh tế khác.

Hiện, thành phố có 5 Liên hiệp Hợp tác xã thì 2 Liên hiệp ngừng hoạt động và chưa Liên hiệp nào tổ chức lại theo Luật.

Một số huyện đã quan tâm chỉ đạo tổ chức lại hợp tác xã đạt hiệu quả cao như quận Đống Đa (tỷ lệ chuyển đổi xong đạt 93%), các huyện Mỹ Đức (88%), Thường Tín (82%) Thanh Oai (76%), Phú Xuyên (64%)… Địa bàn có số hượp tác xã chuyển đổi thấp nhất là huyện Thạch Thất (7%) và huyện Đông Anh (5%).

Lý giải về thực trạng này, ông Phạm Văn An, Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã thành phố Hà Nội nêu rõ, việc thực thi Luật Hợp tác xã chưa đạt yêu cầu, tỷ lệ tổ chức lại đạt thấp chủ yếu do một số quận huyện vào cuộc còn hạn chế.

Bên cạnh đó, các bộ, ngành trung ương chậm ra Nghị định, Thông tư hướng dẫn, thậm chí đến nay còn nợ 6 văn bản hướng dẫn Luật HTX 2012. Văn bản đã thiếu như thế lại chồng chéo, trong khi các hợp tác xã lại gặp rất nhiều vướng mắc, do những tồn đọng nhiều năm chưa cấp ngành nào xử lý dứt điểm…

Ông Phạm Văn An đề nghị các quận, huyện quyết liệt hơn trong việc chỉ đạo thực hiện tổ chức lại hợp tác xã theo Luật. Liên minh HTX thành phố hiện đã làm điểm 29 mô hình hợp tác xã chuyển đổi tại 29/30 quận huyện. Theo đó, các quận huyện cần tổng kết làm rõ kinh nghiệm để nhân rộng.

Dự kiến đến ngày 1/7/2016, Hà Nội phấn đấu đạt 40% số hợp tác xã hoàn thành chuyển đổi, còn lại 60% chủ yếu là những hợp tác xã quy mô nhỏ, khó khăn, hoạt động hình thức… nên giải pháp đưa ra là giải thể, chuyển sang tổ hợp tác hay loại hình kinh tế khác.

Hiện, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đang đề nghị các bộ, ngành, địa phương gấp rút chỉ đạo rà soát phân nhóm hợp tác xã để tổ chức lại.

Cụ thể, với nhóm không vướng các quy định pháp luật, hoạt động phù hợp tiêu chí hợp tác xã thì cho làm thủ tục kịp thời chuyển đổi. Với nhóm còn vướng mắc vài ba điểm về thủ tục, thành viên... có thể xử lý được, thì tập trung và linh hoạt tháo gỡ.

Với nhóm hợp tác xã không thể tổ chức lại, thì buộc áp dụng giải thể, hoặc phải có giải pháp khác mạnh hơn.

Cùng với đó, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cũng đề nghị các bộ, ngành trung ương cần tham mưu có hướng dẫn cụ thể xử lý phù hợp với từng đối tượng hợp tác xã.

Nếu không “cứu” hợp tác xã sẽ kìm hãm phát triển kinh tế - xã hội và ảnh hưởng đời sống, việc làm của người dân. Ngược lại, nếu xử lý tốt được công tác chuyển đổi sẽ tạo động lực phát triển hợp tác xã kiểu mới./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục