Mối lo dư cung "ngự trị" trên thị trường dầu mỏ

14:42' - 28/11/2015
BNEWS Thị trường dầu mỏ thế giới tuần qua bị chi phối khá nhiều bởi tâm lý lo ngại rằng căng thẳng địa chính trị gia tăng có thể làm gián đoạn nguồn cung dầu từ khu vực Trung Đông.

Vụ Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay chiến đấu của Nga tại khu vực gần biên giới Syria - Thổ Nhĩ Kỳ đã khiến thị trường dầu mỏ tuần qua “rúng động”.

Giá dầu đã đi lên ngay sau khi xảy ra vụ đụng độ này, sự kiện mà các nhà phân tích cho rằng có thể sẽ làm trầm trọng thêm những căng thẳng địa chính trị tại Trung Đông và ảnh hưởng tới nguồn cung từ khu vực giàu dầu mỏ này.

Nhà đầu tư cũng có tâm lý chờ đợi kết quả cuộc họp vào ngày 4/12 tới tại Vienna (Áo) của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) để có định hướng giao dịch. Nguồn cung dư thừa là một trong những nhân tố chính đẩy giá dầu đi xuống trong suốt thời gian qua.

Phần lớn các nhà phân tích đều dự đoán tại cuộc họp lần này, OPEC có thể sẽ vẫn từ chối cắt giảm sản lượng cho dù giá dầu đã giảm sâu.

Mục tiêu của chiến lược này là để duy trì thị phần của OPEC và cạnh tranh với sự bùng nổ của dầu đá phiến Mỹ. Trong vòng bốn năm qua, OPEC vẫn duy trì sản lượng chính thức ở mức 30 triệu thùng/ngày.

Chuyên gia phân tích Michael Wittner thuộc ngân hàng Pháp Societe Generale cho rằng thị trường dầu sẽ vẫn dư dả nguồn cung cho tới năm 2016.

Chuỗi tăng giá của dầu thô đã "gẫy" trong hai phiên cuối tuần khi những lo ngại về tình trạng căng thẳng leo thang ở Trung Đông lắng xuống và thị trường trở lại mối lo dư cung dai dẳng.

Cụ thể, đóng cửa phiên cuối tuần 27/11 tại thị trường New York, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng 1/2016 giảm khá mạnh 1,27 USD xuống chốt tuần ở mức 41,71 USD/thùng. Còn tại London, giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ cũng giảm 58 xu Mỹ, xuống chốt tuần ở 44,88 USD/thùng. Trước đó, trong phiên 26/11, cả hai hợp đồng dầu này cũng đã quay đầu giảm giá.

Thùy Chi (Theo AFP)

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục