Mối quan hệ Trung-Nhật: “Gió đã đổi chiều”?

06:30' - 20/06/2017
BNEWS Mối quan hệ Trung-Nhật, vốn đang trong tình trạng căng thẳng kéo dài, đột nhiên có nhiều dấu hiệu chuyển biến tích cực trong thời gian vừa qua.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường. Ảnh: THX/TTXVN

Báo Liên hợp Buổi sáng của Singapore số ra ngày 12/6 đã đăng bài viết của Giáo sư Kawashima Shin thuộc trường Đại học Tokyo (Nhật Bản) phân tích về diễn biến cùng thực trạng quan hệ Trung-Nhật thời gian gần đây. 

Theo Giáo sư Kawashima Shin, dư luận chính trường và truyền thông Nhật Bản gần đây rộ lên trào lưu cho rằng “gió đã đổi chiều” trong quan hệ Tokyo-Bắc Kinh. “Gió đã đổi chiều” ở đây chỉ tình trạng căng thẳng kéo dài trong quan hệ Trung-Nhật đã được thay thế bằng không khí ấm áp. Lãnh đạo cấp cao hai bên cũng bắt đầu khởi động các cuộc tiếp xúc.

Cuối tháng 5 vừa qua, Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì đã có chuyến thăm tới Tokyo và có cuộc hội đàm với ông Shotaro Yachi, Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia Nhật Bản. 

Ngoài ra, còn có thông tin cho rằng Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường vào tháng 7 tới cũng sẽ sang thăm Nhật Bản và dự Hội đàm cấp cao Trung-Nhật-Hàn. Theo đó, mọi người có thể dựa vào hai lý do sau để nói rằng quan hệ Trung-Nhật đã được cải thiện: 

Thứ nhất, tại Hội nghị thường niên của Ban Lãnh đạo Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) diễn ra ở thành phố Yokohama (Nhật Bản) đầu tháng 5 vừa qua, Chủ tịch ADB Takehiko Nakao đã nhấn mạnh về khả năng hợp tác giữa ADB với Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng châu Á (AIIB) do Trung Quốc khởi xướng thành lập.

Mặc dù Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Taro Aso sau đó đã phủ nhận khả năng Nhật Bản gia nhập AIIB, nhưng ông này cũng nhấn mạnh về cơ sở hạ tầng chất lượng cao của Nhật Bản. Điều này được coi là một sự phân công với Trung Quốc trong lĩnh vực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng tại khu vực. 

Thứ hai, Tổng Thư ký Đảng Dân chủ Tự do Nhật Bản Toshiro Nakai giữa tháng 5 vừa qua đã dẫn đầu đoàn đại biểu Nhật Bản tới Bắc Kinh tham dự Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế Vành đai và Con đường, đồng thời nhận được sự đón tiếp trọng thị theo nghi thức dành cho cấp Thủ tướng. 

Ngoài ra, ông Toshiro Nakai trong thời gian ở Bắc Kinh cũng tiến hành hội đàm với các quan chức cấp cao Trung Quốc. Bắc Kinh theo đó cho rằng, Tokyo đã bắt đầu quan tâm đến AIIB cùng sáng kiến Vành đai và Con đường. Sau khi ông Toshiro Nakai về nước, dư luận chính trường và truyền thông Nhật Bản bắt đầu rộ lên trào lưu cho rằng “gió đã đổi chiều” trong quan hệ Trung-Nhật. 

Giáo sư Kawashima Shin nhấn mạnh, mặc dù quan hệ Trung-Nhật có các diễn biến kể trên, nhưng nhận thức của Nhật Bản về Trung Quốc sẽ cơ bản không thay đổi. Tokyo sẽ vẫn không hoan nghênh sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc, đồng thời không có ý muốn gia nhập AIIB.

Những dấu hiệu kể trên chẳng qua chỉ là ý kiến đánh giá tích cực hơn một chút của Nhật Bản đối với các khung hợp tác quốc tế do Trung Quốc làm chủ đạo. Nếu Trung Quốc đặt kỳ vọng quá cao về điều này thì quả là nhận thức của Bắc Kinh và Tokyo đã có sự khác biệt.

Theo nhận thức của Nhật Bản, Bắc Kinh luôn áp dụng chính sách đối đầu với Tokyo kể từ sau khi ông Shinzo Abe lên nắm quyền. Mặc dù Nhật Bản sẵn sàng mở rộng cánh cửa giao lưu và tiếp xúc giữa hai chính phủ, nhưng Trung Quốc không hề đáp lại.

Do đó, Nhật Bản lần này cũng sẽ không vì một vài dấu hiệu kể trên mà thay đổi thái độ đối với Trung Quốc. Nói cách khác, Nhật Bản luôn mở rộng cánh cửa đối thoại với Trung Quốc, nhưng sẽ hoàn toàn không thay đổi phương châm chiến lược. 

Giáo sư Kawashima Shin kết luận rằng Trung Quốc năm 2017 có sự thay đổi lớn về mặt nhân sự, nên sẽ rất thận trọng trong chính sách đối ngoại. Chính sách của Mỹ dưới thời Donald Trump đối với khu vực vẫn chưa thực sự rõ ràng, tình hình khu vực Đông Bắc Á tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp xung quanh động thái của Triều Tiên và Hàn Quốc…

Trong bối cảnh đó, việc Trung Quốc và Nhật Bản xây dựng được mối quan hệ hợp tác sẽ có ý nghĩa tích cực để giảm thiểu những biến số trong chính sách ngoại giao của mỗi bên. 

Trong một diễn biến khác cũng liên quan đến Trung Quốc và Nhật Bản, báo Liên hợp Buổi sáng dẫn tin của Hãng Kyodo cho biết Tokyo đang nỗ lực xúc tiến để mời Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sang thăm Nhật Bản vào nửa cuối năm 2018.

Theo Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia Nhật Bản Shotaro Yachi, năm 2018 là thời điểm tương đối thích hợp để lãnh đạo cấp cao Nhật Bản và Trung Quốc thăm lẫn nhau. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe dự kiến sẽ sang Trung Quốc dự Hội đàm cấp cao Trung-Nhật-Hàn tổ chức tại Trung Quốc, sau đó đón tiếp ông Tập Cận Bình sang thăm Nhật Bản. 

Hãng Kyodo phân tích, Nhật Bản mặc dù đối đầu với Trung Quốc trong vấn đề quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, nhưng không thể không hợp tác với Bắc Kinh trong vấn đề Triều Tiên. Do đó, ông Abe muốn thông qua việc kích hoạt giao lưu cấp cao để xây dựng mối quan hệ tin cậy lẫn nhau, mở ra cục diện mới cho quan hệ hai nước.

Được biết, ông Shinzo Abe có thái độ tích cực và kỳ vọng về chuyến thăm Nhật Bản của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Đầu tháng 6 vừa qua, ông Abe đã lần đầu tiên đề cập một cách chính thức về thái độ của Nhật Bản đối với sáng kiến Vành đai và Con đường, đồng thời cho biết Tokyo sẽ hợp tác với Bắc Kinh khi điều kiện chín muồi.

Mặc dù vậy, nội bộ Trung Quốc hiện vẫn tồn tại nhiều ý kiến tiêu cực về việc thúc đẩy quan hệ với Nhật Bản nên có thể thấy công tác phối hợp và xúc tiến cho chuyến thăm sẽ rất khó khăn./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục