Mont-Saint-Michel, kỳ quan giữa trời và đất

15:56' - 27/01/2020
BNEWS Đối với khách du lịch bốn phương, hòn đảo Mont-Saint-Michel ở Pháp là một địa điểm huyền thoại.

Hòn đảo này thu hút gần 3 triệu du khách mỗi năm, đứng thứ ba trong số các địa danh hấp dẫn nhất ở Pháp, sau Tháp Eiffel và Cung điện Versailles.
Trên con đường tỉnh lộ 275 chạy xuyên qua vùng đồng bằng ven biển Normandie, miền Tây-Bắc nước Pháp, dù còn cách điểm đến hơn 10 km, nhưng hình ảnh hòn đảo nổi tiếng với tu viện xây cao chót vót trên đỉnh đã mở ra trước mắt du khách, gợi nên bao háo hức được tìm hiểu và khám phá vùng đất bí ẩn này.  
* Ngược dòng lịch sử
Được xây dựng vào thế kỷ thứ tám, tu viện trên đảo Mont-Saint-Michel, nằm cách đất liền khoảng 1 km đã thu hút đông đảo người hành hương nhờ những đặc tính tôn giáo mạnh mẽ. Bên cạnh đó, kiến trúc gothic của tu viện là minh chứng cho tài nghệ của nhiều thế hệ thợ xây dựng bậc thầy. Với sự tồn tại và phát triển trong suốt 1.300 năm, công trình này là một kiệt tác nghệ thuật.

Là Di sản thế giới của UNESCO, Mont-Saint-Michel được ca ngợi vì vẻ đẹp mà thiên nhiên ban tặng. Ảnh: TTXVN

Lịch sử của Mont-Saint-Michel bắt đầu vào năm 708 khi Đức cha Aubert đã xây dựng ngôi đền đầu tiên để vinh danh Tổng lãnh thiên thần. Vào năm 966, các tu sĩ bắt đầu định cư ở đó theo yêu cầu của Công tước xứ Normandy, Richard I. Chẳng bao lâu sau, tu viện trở thành một địa điểm hành hương lớn của Kitô giáo ở miền Tây nước Pháp và cũng là một trung tâm văn hóa thời Trung Cổ, nơi đã xuất bản, bảo tồn và nghiên cứu một số lượng lớn các bản thảo. Mont-Saint-Michel thời đó còn được gọi là "Thành phố của những cuốn sách".
Các công trình kiến trúc liên tục được xây dựng và khôi phục lại trong bối cảnh lịch sử, chính trị và kinh tế thay đổi suốt thời Trung Cổ. Từ thế kỷ 14, các cuộc xung đột liên tiếp của Chiến tranh Trăm năm giữa Pháp và Anh đặt ra yêu cầu phải xây dựng các công trình vững chắc. Mont-Saint-Michel đã trở thành một pháo đài phòng thủ kiên cố, chống lại các cuộc tấn công của quân đội Anh trong gần 30 năm, trước khi sụp đổ vào năm 1421.

Tuy được xây dựng lại vào thế kỷ 16, địa điểm thiêng liêng này rơi vào lãng quên trong suốt hai thế kỷ 17 và 18, mất đi tầm quan trọng cả về quân sự và tôn giáo. Thậm chí nơi này còn bị biến thành nhà tù, với biệt danh "ngục Bastille trên biển" như hiện thân của ngục Bastille khét tiếng giữa thủ đô Paris đã bị dân chúng phá hủy sau Cách mạng Pháp 1789.
Năm 1874, tu viện lọt vào danh mục các di tích lịch sử và bắt đầu được phục hồi. Một con đường đê được xây dựng vào năm 1878 tạo điều kiện đến với đảo dễ dàng hơn, sau đó một tuyến xe điện được lắp đặt để phục vụ du khách. Nhờ sự đầu tư của Nhà nước trong công tác bảo tồn, Mont-Saint-Michel đã 2 lần được UNESCO xếp hạng là Di sản thế giới vào năm 1979 và 1998. Sự công nhận kép này thể hiện giá trị toàn cầu và đặc biệt của di tích lịch sử này.
Mười ba thế kỷ hình thành và phát triển các công trình kiến trúc tôn giáo trên đảo Mont-Saint-Michel tạo ra thách thức không ngừng về bảo tồn và phục hồi. Ngoài việc bảo trì liên tục chống lại tác động tiêu cực của thời tiết ẩm ướt ngoài biển, Trung tâm di tích quốc gia cũng thực hiện các chiến dịch phục hồi lớn với tổng trị giá hơn 20 triệu euro. Kể từ năm 2007, tu viện được đặt dưới sự giám sát thường xuyên của kiến trúc sư trưởng các di tích lịch sử.
* Thiên nhiên ưu đãi
Là Di sản thế giới của UNESCO, Mont-Saint-Michel cũng được ca ngợi vì vẻ đẹp mà thiên nhiên ban tặng. Quang cảnh xung quanh địa điểm độc đáo này thay đổi theo mùa, lúc được bao quanh bởi những bãi cát mênh mông, lúc thực sự trở thành hòn đảo giữa bốn bề sóng nước.
Điều kỳ diệu của thiên nhiên có được là do hiện tượng thủy triều. Vịnh Mont-Saint-Michel là nơi có thủy triều mạnh nhất trên lục địa châu Âu, nhất là vào cuối tháng Chín hàng năm. Những du khách may mắn nhất sẽ được tận mắt chiêm ngưỡng cảnh tượng con nước lớn dâng lên nhanh chóng, làm chìm ngập con đường nối với đất liền, cách ly hoàn toàn hòn đảo với thế giới còn lại. Vào những đêm Trăng sáng, việc qua đêm trên đảo trở thành một trải nghiệm không dễ quên.
Đón tiếp gần 3 triệu du khách mỗi năm, đỉnh điểm lên tới 15.000 khách/ngày trong mùa Hè, Mont-Saint-Michel là một địa danh thu lợi nhuận lớn thuần túy nhờ du lịch. Các du khách không chỉ xuýt xoa trước các công trình kiến trúc hùng vĩ và khung cảnh thiên nhiên ngoạn mục, mà còn dường như lạc lối trong các con phố thương mại và ẩm thực phong phú nằm dưới chân hòn đảo.
Bãi đậu xe nằm cách đảo 2,5 km. Du khách có thể đến với đảo bằng 3 cách: Đi bộ, xe buýt miễn phí và xe ngựa phải trả tiền. Bến xe buýt cuối cùng nằm cách đảo 400 m, từ đó du khách có thể ngắm nhìn một cách bao quát nhất hòn đảo và vịnh bao quanh.
* Mặt trái của hào quang
Tuy vậy, không tấm huy chương nào không có mặt trái. Vào mùa cao điểm, những con hẻm trong thị trấn đảo Mont-Saint-Michel thường xuyên bị "nhấn chìm" bởi quá đông du khách và gậy chụp hình "selfie". Con đường bậc thang dẫn lên tu viện trên đỉnh núi đôi khi chật cứng, với những dòng người kiên nhẫn xếp hàng dài chờ đến lượt vào thăm các công trình cổ.
Những người vui mừng nhất có lẽ là các chủ cửa hàng lưu niệm, nhà hàng và quầy đồ ăn nhẹ, nơi du khách thường nán lại để chờ đợi. Thế nhưng dịch vụ ngày càng kém đi và giá cả ngày càng đắt hơn, theo phân tích của Hội đồng môi trường và xã hội kinh tế khu vực. Hội đồng cũng nhấn mạnh rằng chất lượng dịch vụ đáng chỉ trích nơi đây đã làm xấu đi hình ảnh của nước Pháp trong con mắt hàng triệu du khách nước ngoài.
Không thể phủ nhận rằng du lịch đã bước vào thời kỳ phát triển quá nóng. Theo các nhà phân tích, Mont-Saint-Michel chỉ là một biểu tượng buồn cho sự thay đổi nhanh chóng mà chưa ai biết kết quả này. Các công ty lữ hành cạnh tranh nhau để đưa ra những tour du lịch với chi phí thấp dành cho những người mong muốn đi nhiều nơi nhất trong thời gian tối thiểu nhất. Thói quen sống ảo trên mạng xã hội cũng góp phần vào hiện tượng "du lịch đại chúng" này, thay vì du lịch thực sự để khám phá những giá trị lịch sử và văn hóa của điểm đến.
Các chuyên gia đề xuất, để Mont-Saint-Michel có thể giữ vững được danh tiếng huyền thoại, các biện pháp du lịch bền vững cần được áp dụng trong tương lai nhằm kiểm soát "làn sóng" du khách, giống như quyết định gần đây của thành phố Venice, Italy./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục