Moody’s lạc quan về triển vọng của hệ thống ngân hàng Ai Cập

15:40' - 09/06/2016
BNEWS Trong báo cáo vừa công bố, hãng xếp hạng tín dụng Moody’s Investors Service đã giữ nguyên triển vọng của hệ thống ngân hàng Ai Cập ở mức ổn định trong sáu tháng cuối năm 2016 và năm 2017.
Moody’s lạc quan về triển vọng của hệ thống ngân hàng Ai Cập. Ảnh: reuters

Trong báo cáo vừa công bố, hãng xếp hạng tín dụng Moody’s Investors Service đã giữ nguyên triển vọng của hệ thống ngân hàng Ai Cập ở mức ổn định trong sáu tháng cuối năm 2016 và năm 2017, mặc dù đất nước Kim tự tháp vẫn chưa thoát khỏi tình trạng khan hiếm ngoại tệ.

Báo cáo của Moody’s cho rằng áp lực về thanh khoản ngoại tệ của Ai Cập có thể đã dịu bớt, một phần nhờ sự gia tăng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào nước này trong trung hạn.

Nền kinh tế Ai Cập đã chịu áp lực lớn do khan hiếm ngoại tệ. Doanh thu từ du lịch, một trong những trụ cột của kinh tế Ai Cập, đã giảm mạnh do bị ảnh hưởng bởi một loạt sự cố hàng không, nhất là sau vụ rơi máy bay chở khách của Nga tại Bán đảo Sinai (Ai Cập) hồi cuối tháng 10 năm ngoái, khiến toàn bộ 224 hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng.

Bên cạnh đó, đầu tư nước ngoài vào quốc gia Bắc Phi này cũng sa sút.

Moody’s đánh giá kế hoạch khôi phục ngành du lịch của Chính phủ Ai Cập "ít có khả năng thành công", đặc biệt sau vụ chiếc máy báy Aibus A320 mang số hiệu MS804 của hãng hàng không EgyptAir gặp nạn trên Địa Trung Hải hôm 19/5 vừa qua.

Theo Moody’s, nguồn vốn FDI đổ vào Ai Cập đã cải thiện hơn nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với mức cam kết đầu tư 38,2 tỷ USD theo các thỏa thuận được ký tại Hội nghị Kinh tế diễn ra tại Sharm al-Sheikh hồi tháng 3/2015.

Moody’s đánh giá động thái phá giá đồng nội tệ (bảng Ai Cập - EGP) của Ngân hàng trung ương Ai Cập (CBE) hôm 14/3 cũng như việc áp dụng cơ chế tỷ giá linh hoạt hơn chỉ là sự khởi đầu, vì CBE có thể tiếp tục các động thái này trong vài tháng tới.

Tương tự như Moody’s, hãng xếp hạng tín dụng Fitch Ratings trước đó cũng dự đoán CBE sẽ tiếp tục phá giá đồng EGP nhằm cải thiện thanh khoản ngoại tệ của hệ thống ngân hàng trong nước.

Điều này sẽ giúp thu hút FDI và làm dịu áp lực lên kho dự trữ ngoại hối của Ai Cập.

Dự trữ ngoại hối của Ai Cập dù đã cải thiện hơn nhưng vẫn chỉ đạt 17,5 tỷ USD tính đến tháng 5/2016, so với mức xấp xỉ 36 tỷ USD trước thời điểm nổ ra cuộc chính biến mùa Xuân 2011.

Bất ổn chính trị đã gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế của quốc gia Bắc Phi này, nhất là đối với lĩnh vực du lịch.

Ngành công nghiệp không khói đóng góp tới 11% GDP và chiếm gần 12% tổng số lượng lao động của Ai Cập.

Song, kể từ sau Mùa Xuân Arab năm 2011, ngành du lịch Ai Cập đã lâm vào cảnh khó khăn khi doanh thu liên tiếp đi xuống qua từng năm.

Theo thống kê chính thức, doanh thu du lịch của Ai Cập năm 2015 giảm xuống còn 6,1 tỷ USD, so với mức 12,7 tỷ USD năm 2010.

Lĩnh vực này tiếp tục đà suy giảm thê thảm sau vụ máy bay Nga bị tấn công khủng bố ở Sinai cuối tháng 10 năm ngoái, khi doanh thu quý I/2016 chỉ đạt 500 triệu USD, so với 1,5 tỷ USD của cùng kỳ năm 2015.

Năm 2015, Ai Cập đón tiếp 9,3 triệu khách quốc tế, giảm 6% so với năm 2014 và giảm mạnh so với con số 14,7 triệu lượt du khách năm 2010 và 9,8 triệu lượt du khách năm 2011.

Moody’s dự báo tăng trưởng kinh tế của Ai Cập sẽ giảm xuống 3,5% trong tài khóa kết thúc vào cuối tháng 6/2016, trước khi phục hồi lên mức 4% trong tài khóa 2016/2017, nhờ vai trò của khu vực tư nhân đã cải thiện đáng kể và nguồn vốn FDI gia tăng.

Chính phủ Ai Cập dự báo kinh tế sẽ tăng trưởng 4,4% và 5,2% lần lượt trong năm nay và năm tới.

Theo Moody’s, thâm hụt ngân sách và nợ chính phủ dự kiến vẫn ở mức cao.

Thâm hụt ngân sách của Ai Cập đã tăng lên 9,2% GDP trong 9 tháng đầu tài khóa kết thúc vào cuối tháng 6/2016, so với 9% GDP của cùng kỳ tài khóa trước.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục