Mục tiêu chiến lược trong “ván bài” bầu cử sớm của Thủ tướng Anh

05:30' - 27/04/2017
BNEWS Bất ngờ tuyên bố bầu cử trước thời hạn vào ngày 8/6, bà May chứng tỏ bản thân đang kiểm soát tốt tình hình khi nước Anh chuẩn bị bước vào lộ trình đàm phán đầy cam go về Brexit với giới lãnh đạo EU.
Mục tiêu chiến lược trong “ván bài” bầu cử sớm của Thủ tướng Anh. Ảnh: AFP/TTXVN

Brexit (ám chỉ việc nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu - EU) không phải là tất cả khi Thủ tướng Anh Theresa May đi đến quyết định tổ chức tổng tuyển cử trước thời hạn. 

Rõ ràng, bà đang hướng tới một mục tiêu chiến lược rất quan trọng: đoàn kết quốc gia và củng cố quyền lực bằng tính chính danh để rộng đường triển khai chính sách đối nội, đối ngoại trong tương lai. Đó là bình luận ngày 23/4 của Giáo sư Matthew Goodwin thuộc Viện Nghiên cứu Hoàng gia Anh về các vấn đề quốc tế (Chatham House).

“Ván bài" bầu cử sớm không chỉ dừng lại ở việc tăng cường sức mạnh cho bà May và Chính phủ Anh trong cuộc đấu với EU. Hẳn nhiên, nữ Thủ tướng Anh có nhiều lý do để giải thích khi cử tri nước này phải trải qua 4 sự kiện chính trị lớn, đầy căng thẳng trong vòng 3 năm trở lại đây.

Trong phát biểu ngay bên ngoài tòa nhà số 10 phố Downing, bà May nhấn mạnh rằng nước Anh cần chuẩn bị sẵn sàng cho Brexit, và bước vào đàm phán với thế thượng phong. Đằng sau những giải thích này là cả một chiến lược lâu dài với nhiều mục tiêu quan trọng, thể hiện trên cả bình diện đối nội lẫn đối ngoại. 

Bà May muốn gửi thông điệp rõ ràng đến Berlin, Brussels và Paris rằng toàn thể người dân Anh đang đứng sau, hậu thuẫn cho bà và ủng hộ mạnh mẽ quan điểm đàm phán của Chính phủ. Nhiệm kỳ Thủ tướng của bà sẽ được xác nhận qua một cuộc tổng tuyển cử trên toàn quốc, từ lá phiếu cử tri, và bà sẽ tiếp tục lãnh đạo một chính đảng đoàn kết, chiếm đa số tại Hạ viện.

Không ai có thể phủ nhận thực tế rằng vấn đề ra đi hay ở lại EU đã khiến nước Anh chia rẽ sâu sắc, cả trên chính trường lẫn ngoài xã hội. Tháng 6/2016, đa số cử tri Anh đã lựa chọn Brexit. Thế nhưng, mức độ chênh lệch giữa phe ra đi và phe ở lại không phải là nhiều, 52% so với 48%. 

Theo kết quả thăm dò dư luận gần đây, khoảng cách này đã được nới rộng hơn khi Thủ tướng May và Chính phủ Anh thành công trong nỗ lực chèo lái nền kinh tế đất nước. Có đến 69% người dân Anh mong muốn tiếp tục tiến trình ra khỏi EU và chỉ có 21% muốn điều ngược lại.

Giờ đây, bà May có sứ mệnh phải lấp đầy khoảng trống, hàn gắn những chia rẽ và mâu thuẫn do Brexit gây ra. Đây chính là thông điệp mạnh mẽ nhất mà bà May luôn tìm cách truyền tải đến giới lãnh đạo EU trước thềm đàm phán. 

Lộ trình Brexit sẽ ẩn chứa nhiều thách thức, rủi ro khi các bên cương quyết giữ lập trường và đấu tranh vì lợi ích của mình. Vì vậy, bầu cử trước thời hạn có thể giúp tiến trình đàm phán diễn ra êm thấm hơn.

Hiện đảng Bảo thủ do bà May lãnh đạo chỉ chiếm đa số mong manh tại Hạ viện, và bất cứ dự luật nào cũng đều có nguy cơ vấp phải sự phản đối từ phía ba đảng đối lập chính (đảng Lao động, đảng Dân tộc Scotland, đảng Dân chủ Tự do). Đó là chưa kể đến số nghị sỹ Bảo thủ sẵn sàng "nổi loạn", sẵn sàng cản trở những chính sách của bà May.

Những gì diễn ra trước thời điểm bà May kích hoạt Điều 50 Hiệp ước Lisbon vừa qua là minh chứng rõ ràng nhất về thực trạng chính trường Anh. Chèo lái "con thuyền" đất nước bước vào giai đoạn lịch sử quan trọng, hẳn nhiên bà May không muốn bị "trói tay". 

Một góc phố ở thủ đô London, Anh Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN
Đảng Bảo thủ có thể giành chiến thắng tại cuộc bầu cử trước thời hạn vào ngày 8/6 sắp tới, và một lợi thế đa số mới sẽ được thiết lập tại Hạ viện với khoảng 100 ghế quá bán. Đó là một môi trường chính trị hoàn toàn khác so với thời điểm hiện nay.

Khi tuyên bố bầu cử sớm, bà May cho rằng người dân Anh mong muốn tự mình kiểm soát luật lệ, tài chính và đường biên giới. Một tín hiệu rất rõ ràng: bà May sẽ tập trung khai thác những quan ngại của cử tri về vấn đề chủ quyền, nhập cư, an ninh cũng như triển vọng nền kinh tế để thu hút lá phiếu bầu. 

Hiện chiến dịch tranh cử của đảng Bảo thủ đang được chiến lược gia Lynton Crosby "cầm lái". Ông Crosby là người đã giúp đảng Bảo thủ giành chiến thắng vang dội năm 2015 nhờ vào việc gieo rắc nỗi lo sợ về một liên minh cầm quyền giữa Công đảng và Đảng Dân tộc Scotland vào suy nghĩ của cử tri. 

Theo nhận định của giới chuyên gia tại Anh, trong cuộc tổng tuyển cử năm 2017, sự chia rẽ về quan điểm chính sách giữa các chính đảng trong một loạt lĩnh vực chủ chốt như kinh tế, giáo dục, lương hưu và cả việc Scotland muốn sớm tiến hành cuộc trưng cầu ý dân lần hai về nền độc lập sẽ trở nên lớn hơn bao giờ hết trong vòng 30 năm trở lại đây.

Tờ “Thời báo tài chính Anh” cho rằng ngoài “trận chiến” về lập trường đàm phán của Anh trong vấn đề Brexit, mỗi chính đảng lớn tại "xứ sở sương mù" sẽ cố gắng giành được ảnh hưởng nhiều nhất có thể. Đối với Thủ tướng May, cuộc tổng tuyển cử này sẽ mang đến cho bà cơ hội dẫn dắt đất nước dựa trên tầm nhìn và quan điểm riêng của bà, thay vì tiếp tục con đường mà cựu Thủ tướng Anh David Cameron đã vạch ra. 

Dẫu thế nào thì Brexit sẽ vẫn giữ vai trò chủ đạo trong chiến dịch vận động trước khi diễn ra cuộc tổng tuyển cử. Bên cạnh đó, giới chuyên gia cũng nêu lên một số khía cạnh sẽ gây ảnh hưởng lớn tới chiến dịch này.

Vấn đề đầu tiên là làm thế nào để kinh tế Anh tiếp tục đi lên.

Kinh tế Anh nhìn chung đã rất thành công trong việc tạo việc làm kể từ sau khủng hoảng tài chính, song vẫn chưa nâng cao được chất lượng và năng suất của lực lượng lao động. Kết quả là trong gần một thập niên qua, sản lượng tính trên việc làm không tăng.

Mặc dù năng suất lao động tại Anh tăng chậm hơn so với bất kỳ nền kinh tế tiên tiến hàng đầu nào kể từ năm 2007, song các đảng chưa thể đi tới thống nhất về nguyên nhân cũng như giải pháp khắc phục. 

Công đảng tin rằng sự can thiệp của nhà nước sẽ đảm bảo một nền kinh tế thành công hơn. Đảng này đã cam kết đầu tư 500 tỷ bảng vào lĩnh vực công nghiệp thông qua một ngân hàng đầu tư quốc gia, đồng thời muốn kiểm soát chi phí nhà đất, chính sách năng lượng và mức tăng lương tối thiểu. 

Trong khi đó, đảng Bảo thủ lại ủng hộ chiến lược công nghiệp. Chiến lược công nghiệp của đảng Bảo thủ không có nhiều sự khác biệt so với chính sách kinh doanh của Chính phủ liên minh nhiệm kỳ 2010-2015, trong đó nhắm tới việc tạo lập các trung tâm sáng tạo trong các lĩnh vực như công nghệ pin, các kế hoạch phối hợp đào tạo và bổ sung ngân sách cho lĩnh vực khoa học…

Khía cạnh thứ hai liên quan đến việc theo đuổi hay từ bỏ các chính sách khắc khổ. Tất cả các đảng đều tuyên bố ủng hộ vấn đề dịch vụ y tế quốc gia NHS và hệ thống giáo dục, song họ lại tranh cãi gay gắt về tác động của việc cắt giảm chi tiêu công kể từ sau khi Chính phủ liên minh do đảng Bảo thủ đứng đầu lên nắm quyền hồi năm 2010.

Các biện pháp hạn chế chi tiêu ngân sách mạnh mẽ đã giúp đưa thâm hụt ngân sách từ mức 10% thu nhập quốc gia hồi năm 2009 xuống mức dự báo 2,9% trong năm nay. 

Thứ ba là vấn đề lương hưu, thuế và phúc lợi. Trong khi Công đảng và đảng Dân chủ Tự do muốn phân phối lại của cải của người giàu cho người nghèo, cũng như hỗ trợ việc đánh thuế tài sản, thì đảng Bảo thủ vẫn luôn giữ quan điểm phản đối truyền thống. Trừ đảng Bảo thủ, các đảng còn lại đều phản đối đề xuất cắt giảm phúc lợi cho những người không hưởng lương hưu.

Giáo dục là vấn đề thứ tư. Chủ trương chấm dứt quy định không cho phép mở thêm các trường chuyên của Thủ tướng Theresa May đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của Công đảng và đảng Dân chủ tự do, thậm chí ngay trong chính nội bộ đảng Bảo thủ.

Trong khi đó, một trong những tuyên bố về vấn đề giáo dục gây nhiều tranh cãi trong những tuần gần đây là đề xuất của lãnh đạo Công đảng Jeremy Corbyn về tăng số suất ăn miễn phí cho học sinh bậc Tiểu học. Số tiền này được lấy từ việc tăng thuế VAT đối với học phí của các trường tư.

Trong bối cảnh này, giới phân tích cho rằng sự bất đồng quan điểm giữa các chính đảng tại Anh đang đặt các cử tri trước những lựa chọn khó khăn trong cuộc bầu cử sắp tới./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục