Mua bán, sáp nhập thương hiệu: Không đơn giản là cuộc cọ sát

09:30' - 16/04/2016
BNEWS Việc mua bán, sáp nhập các doanh nghiệp có thương hiệu mạnh tại Việt Nam có nguy cơ tiềm ẩn những yếu tố hình thành các doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh ảnh hưởng tới môi trường cạnh tranh.

Xung quanh những giải pháp hỗ trợ từ phía cơ quản quản lý nhà nước nhằm giúp doanh nghiệp có thể xây dựng và bảo vệ thương hiệu trước bối cảnh mua bán, sáp nhập, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đã chia sẻ với phóng viên BNEWS/TTXVN về vấn đề này.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải

BNEWS: Quy luật của thị trường là thương hiệu yếu sẽ bị thôn tính bởi thương hiệu mạnh hơn. Trước “làn sóng” mua bán, sáp nhập trong thời gian tới, Thứ trưởng nhận định thế nào về điều này?

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải: Thời gian qua, các thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) toàn cầu đang có xu hướng tăng. Hàng loạt các vụ mua bán, sáp nhập diễn ra tại châu Á trên nhiều lĩnh vực ngành nghề, công ty, Tập đoàn cả trong và ngoài nước.

Qua các thương vụ M&A có thể thấy rằng, việc thâu tóm và sáp nhập không chỉ là những cuộc cọ xát, thôn tính thương hiệu mà còn là cách để hỗ trợ nhau trong bối cảnh đầy khó khăn của quá trình hội nhập.

Tại Việt Nam, hoạt động mua bán - sáp nhập doanh nghiệp đã diễn ra sôi động với sự góp mặt của nhiều doanh nghiệp lớn nhỏ trong và ngoài nước. Đứng trước cơ hội thương mại lớn từ những Hiệp định kinh tế và thương mại như Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), các hiệp định thương mại doanh nghiệp càng có thêm động lực để đẩy nhanh M&A nhằm tăng sức mạnh cạnh tranh của mình.

Tuy nhiên, việc doanh nghiệp có giữ được thương hiệu trước làn sóng M&A hay không, trước tiên phụ thuộc vào chính nhận thức và nỗ lực của doanh nghiệp trong việc xây dựng và bảo vệ thương hiệu.

Nếu doanh nghiệp nhận thức được tầm quan trọng của xây dựng thương hiệu uy tín và chú tâm vào xây dựng thương hiệu thì giá trị thương hiệu của doanh nghiệp sẽ được tăng lên trên thị trường trong nước và quốc tế.

Về phía cơ quan quản lý nhà nước cũng hết sức hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động phát triển sản xuất, xây dựng thương hiệu và tăng năng lực cạnh tranh.

BNEWS: Mua bán, sáp nhập là quy luật tất yếu của các thị trường mới nổi. Các nước như Thái Lan, Singapore… cũng từng trải qua giai đoạn như Việt Nam. Trong bối cảnh kinh tế mở cửa, các doanh nghiệp Việt Nam rất khó bảo vệ thương hiệu. Vậy, xin Thứ trưởng cho biết Bộ Công Thương sẽ có định hướng nào giúp doanh nghiệp xây dựng và bảo vệ thương hiệu trong thời gian tới?

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải: Trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu, làn sóng đầu tư của nước ngoài vào Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng cao, nhiều chuyên gia kinh tế nhận định thách thức phía trước là lớn do nội lực nền kinh tế còn yếu, đặc biệt khi phần lớn (chiếm hơn  90%) các doanh nghiệp Việt Nam là nhỏ và vừa.

Việc Việt Nam tham gia và đàm phán ký kết các Hiệp định Thương mại tự do song phương, đa phương, làn sóng M&A tại Việt Nam ngày càng gia tăng, các nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường Việt Nam thông qua việc mua lại các doanh nghiệp trong nước gia tăng đáng kể. Trong bối cảnh đó, thương hiệu các sản phẩm Việt Nam phải đương đầu với cạnh tranh cao.

Vì thế, Bộ Công Thương đã và đang triển khai nhiều hoạt động nhằm nâng cao ý thức của cộng đồng doanh nghiệp trong xây dựng và phát triển thương hiệu. Cụ thể, có thể kể đến Chương trình Thương hiệu Quốc gia với mục đích quảng bá hình ảnh quốc gia, thương hiệu quốc gia thông qua thương hiệu sản phẩm.

Bộ Công Thương đã tiến hành nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp trong tư vấn xây dựng, bảo vệ thương hiệu, cũng như các hoạt động quảng bá cho doanh nghiệp thương hiệu quốc gia và  hình ảnh quốc gia đang có vị thế cao tại thời điểm hiện nay, qua đó tạo ra tác động tương hỗ tích cực giữa doanh nghiệp và quốc gia.

Tuy nhiên, để có được kết quả tốt, bản thân doanh nghiệp cần chủ động trong việc tìm hiểu thông tin, nghiên cứu kỹ về thị trường, đầu tư công nghệ tạo ra sản phẩm chất lượng có sức cạnh tranh cao nhằm xây dựng thương hiệu bền vững theo những giá trị mà quốc gia đang hướng tới. Trong quá trình hội nhập, doanh nghiệp cần tận dụng tối đa lợi thế từ các sản phẩm thế mạnh để xây dựng thương hiệu cho mình.

BNEWS: Sắp tới, với những Hiệp định thương mại tự do được ký kết và có hiệu lực, hoạt động mua bán, sáp nhập doanh nghiệp dự báo sẽ còn sôi động hơn hiện nay. Vậy phía Bộ Công Thương có những giải pháp nào để hoạt động mua bán, sáp nhập diễn ra đúng quy định, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải: Cùng với việc mở cửa thị trường và những cơ hội kinh doanh do Hiệp định thương mại tự do đem lại, hoạt động mua bán sáp nhập sẽ diễn ra ngày càng nhiều vì mua bán, sáp nhập là một kênh tiềm năng để thu hút đầu tư nước ngoài có hiệu quả.

Với các doanh nghiệp trong nước thì nhu cầu tích tụ, tập trung nguồn lực là tất yếu và cần thiết để nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập kinh tế ngày càng sâu, rộng và mua bán, sáp nhập chính là con đường ngắn nhất để giải quyết vấn đề trên.

Chính vì vậy, cùng với xu hướng gia tăng mua bán, sáp nhập nói chung mà một bên là các doanh nghiệp lớn thì xu hướng các thương vụ mua bán, sáp nhập thuộc đối tượng kiểm soát hoạt động tập trung kinh tế theo quy định tại Luật Cạnh tranh cũng sẽ gia tăng.

Mới đây, Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công Thương) đã xây dựng và cập nhập cơ sở dữ liệu về các doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh trên thị trường. Đây sẽ căn cứ để xem xét các lĩnh vực cần tăng cường giám sát và kiểm soát tập trung kinh tế theo từng năm. 

Theo đó, các đối tượng tập trung giám sát gồm các doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường. Ngoài ra, các thương vụ lớn được giao dịch ở ngoài lãnh thổ Việt Nam nhưng các Bên tham gia có hoạt động tại Việt Nam thông qua hiện diện thương mại hoặc có sản phẩm, dịch vụ được tiêu thụ/cung cấp tại thị trường Việt Nam. Và, các thương vụ M&A trong một số lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế.

Riêng về cách thức giám sát thì các đơn vị chức năng sẽ phối hợp, hợp tác với các cơ quan chức năng có thẩm quyền để thu thập thông tin, số liệu thông qua thay đổi  giấy phép đầu tư,  giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giao dịch hoán đổi cổ phiếu.

Mặt khác, hợp tác với các cơ quan quản lý chuyên ngành để giám sát các  vụ M&A trong các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế như ngân hàng, viễn thông, điện lực, hàng hải…

Ngoài ra, các đơn vị này sẽ tăng cường hợp tác với cơ quan cạnh tranh các nước trên thế giới nhằm kiểm soát hoạt động tập trung kinh tế xuyên biên giới, trong khuôn khổ chương cạnh tranh của các Hiệp định thương mại tự do đã, đang và sẽ ký kết trong tương lai mà Việt Nam là một bên tham gia như TPP, EVFTA, RCEP, VKFTA.

BNEWS: Bộ Công Thương có lưu ý gì doanh nghiệp về việc tham gia các hoạt động mua bán, sáp nhập trong thời gian tới?

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải: Với xu hướng gia tăng của hoạt động mua bán, sáp nhập sẽ có các thương vụ lớn, thuộc đối tượng kiểm soát tập trung kinh tế, các doanh nghiệp/đại diện được ủy quyền của doanh nghiệp nên tham vấn với Cục Quản lý Cạnh tranh để nắm được quy định/quy trình của Luật Cạnh tranh khi thực hiện vụ việc mua bán, sáp nhập có khả năng nằm trong ngưỡng phải thông báo/bị cấm.

Nếu thực hiện vụ việc thuộc trường hợp bị cấm hoặc phải thông báo mà không thực hiện thì mức phạt sẽ rất cao, có thể lên đến 10% tổng doanh thu của năm tài chính trước năm thực hiện mua bán, sáp nhập.

Cùng với đó, để xem xét một vụ tập trung kinh tế có thuộc ngưỡng phải thông báo hay bị cấm là thị phần kết hợp trên thị trường liên quan, doanh nghiệp có trách nhiệm thực hiện báo cáo đánh giá thị phần để xác định trường hợp tập trung kinh tế của mình. Vì vậy, doanh nghiệp cần chủ động thực hiện báo cáo thị phần khi doanh nghiệp chuẩn bị thực hiện hoạt động mua bán, sáp nhập.

Hơn nữa, thị phần cần được thực hiện theo quy định của Luật Cạnh tranh nên thị phần của doanh nghiệp cần được xác định theo thị trường sản phẩm liên quan và thị trường địa lý liên quan.

Thông thường báo cáo thị phần của doanh nghiệp được xác định trên tổng thị trường theo ngành, lĩnh vực nên không chính xác và không phản ánh được vị trí của doanh nghiệp trên thị trường liên quan cụ thể, cũng như không xác định được có thuộc ngưỡng thông báo hoặc thuộc trường hợp bị cấm hay không.

Không những vậy, doanh nghiệp cần chủ động thông báo và gửi các tài liệu có liên quan tới Cục Quản lý cạnh tranh vào cùng thời điểm nộp hồ sơ làm thủ tục thay đổi giấy phép đầu tư do mua bán, sáp nhập tại các Sở Kế hoạch và Đầu tư để tiết kiệm thời gian và đảm bảo sự tuân thủ pháp luật cạnh tranh.

BNEWS: Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục