Mục tiêu của Nga trong việc xây dựng vị thế tại Trung Đông

05:30' - 12/11/2017
BNEWS Chính sách của Nga đối với Trung Đông không nhằm đưa Nga trở thành quốc gia lãnh đạo khu vực mà là sử dụng ảnh hưởng của nước này tại khu vực để mặc cả những vấn đề có ý nghĩa quan trọng với Nga.
Ngày 3/11, Nga triển khai đợt không kích lớn tại Syria. ẢNh: TASS/TTXVN

Theo nhận định của trang mạng Geopoliticalfutures.com, Nga đang nổi lên là quốc gia giữ "cửa trên" trong cuộc khủng hoảng Syria. Trên hết, mục tiêu của Nga là sử dụng vị thế của Syria tại Trung Đông để biến thành lợi thế đối với Nga tại các khu vực mà Nga có nhiều lợi ích hơn.
Trong một chừng mực nào đó, Nga đã đạt được mục đích này. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ chiến lược này của Nga có đủ thành công để giúp Nga giành lợi thế tại nơi mà nước này đang quan tâm nhất là Ukraine hay không.
Nga can dự vào Syria xuất phát từ hai lý do: Thứ nhất, để giành được đủ ảnh hưởng tại khu vực buộc Mỹ phải chấp nhận nhượng bộ Nga trong đàm phán tại các khu vực khác, đổi lại Nga chấp nhận hợp tác với Mỹ tại Syria và cho công chúng nước này thấy họ vẫn là một cường quốc.
Thứ hai, Nga ủng hộ Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Việc tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đang bị đẩy lùi và Chính quyền Syria do ông Assad lãnh đạo sẽ tiếp tục tồn tại dưới sự giúp sức của Nga đã tạo cho Điện Kremlin tầm ảnh hưởng lớn đối với chế độ Assad.  
Nga đang hợp tác với Saudi Arabia, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ để gia tăng ảnh hưởng tại khu vực trong ngắn hạn, mặc dù lợi ích của Nga không tương đồng với lợi ích của các nước này trong dài hạn. Moskva đang tìm cách thiết lập một sự cân bằng cho phép Nga sử dụng một quốc gia để cân bằng với quốc gia còn lại, như vậy không quốc gia đơn lẻ nào có quá nhiều ảnh hưởng tại khu vực.
Thổ Nhĩ Kỳ là mối đe dọa tiềm tàng đối với Nga vì Ankara kiểm soát Eo biển Bosporus. Nếu Thổ Nhĩ Kỳ phong tỏa eo biển này thì sẽ ngăn Nga tiếp cận Địa Trung Hải. Iran ít nguy hiểm đối với Nga hơn, nhưng Nga vẫn muốn giới hạn ảnh hưởng của Tehran tại Caucasus và ngăn Iran kiểm soát quá nhiều phần lãnh thổ tại Syria.
Vì thế, Nga hợp tác với cả hai nước để chắc chắn rằng hai nước này có thể cân bằng lẫn nhau. Một lợi ích khác khi Nga hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ là có thể cô lập các nhóm Sunni cực đoan còn lại và ngăn chặn bất cứ sự can thiệp nào từ Saudi Arabia.
Trong bối cảnh tổ chức IS sắp bị đánh bại ở Syria, Damascus đang hướng sự chú ý tới vùng lãnh thổ nằm dưới sự kiểm soát của lực lượng người Kurd, bao gồm các mỏ dầu ở miền Đông.
Với sự hậu thuẫn quân sự quan trọng của Nga và lực lượng dân sự được Iran chống lưng, ông Assad đã giành lại các vùng rộng lớn ở miền Trung và miền Đông Syria từ tay IS trong năm nay và đánh bại nhiều phe nổi dậy chống lại ông Assad ở miền Tây Syria. Điều này làm dấy lên nguy cơ xảy ra một cuộc đối đầu mới, có thể khiến Mỹ can thiệp sâu hơn và làm phức tạp quan hệ ngoại giao với Nga.

 Khói bốc lên từ thành phố Deir Ezzor trong chiến dịch chống IS của lực lượng Chính phủ Syria ngày 2/11. Ảnh: AFP/TTXVN

Chiến lược của Nga tại Trung Đông là duy trì quan hệ gần gũi hơn với tất cả các "tay chơi" khác tại khu vực, chứ không phải là xa nước này, gần nước kia.

Tuy nhiên, Nga đang theo đuổi chiến lược trên không phải vì muốn trở thành quốc gia lãnh đạo tại Trung Đông mà bởi vì Nga muốn sử dụng ảnh hưởng nhiều nhất có thể tại Trung Đông để phục vụ mục đích khác, đó là buộc Mỹ phải nhượng bộ Nga tại các khu vực.
Nếu Mỹ từ chối đề nghị của Nga, Nga ít nhất sẽ làm cho tình hình Trung Đông trở nên khó khăn hơn đối với Mỹ và làm cho Mỹ bị sa lầy tại khu vực này, dẫn tới sao nhãng tại các khu vực khác.

Ưu tiên chính của Nga là Ukraine. Nga coi can dự của Mỹ tại Ukraine trong những năm qua là thách thức đối với Nga. Moskva cho rằng nếu Mỹ tập trung vào Trung Đông và cần Nga, Mỹ sẽ phải nhượng bộ Nga tại Ukraine.
Các dấu hiệu về hợp tác ngắn hạn đang nổi lên giữa Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và Saudi Arabia nằm trong chiến lược này của Nga. Tất cả các quốc gia này đều có lợi ích chung trong hợp tác ở một mức độ nhất định tại Syria. Thổ Nhĩ Kỳ cần mở rộng ảnh hưởng vào Syria để tiêu diệt các nhóm nổi dậy Sunni cực đoan hoạt động sát biên giới, hạn chế ảnh hưởng của Iran tại Syria và làm suy yếu người Kurd tại phía Bắc Syria.
Iran muốn hạn chế hơn nữa mối đe dọa từ các nhóm Sunni tại Syria và củng cố ảnh hưởng tại Syria và Iraq. Trong khi đó, Saudi Arabia có động cơ về tài chính để hợp tác. Saudi Arabia muốn có toàn bộ số tiền mà nước này cần để cải cách nền kinh tế.

Tuy nhiên, đối với Nga, trọng tâm chính không phải là Trung Đông mà là Ukraine. Nga đã thành công trong chiến lược tại Trung Đông - khu vực mà Mỹ hết sức quan tâm - nhưng chưa thể chắc chắn Mỹ sẽ nhượng bộ Nga trong vấn đề Ukraine.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục