Mục tiêu xuất khẩu 30 tỷ USD nông lâm sản hoàn toàn khả thi

13:15' - 26/11/2015
BNEWS So với mức giảm 3,8% của 10 tháng, xuất khẩu nông lâm thủy sản đã có cải thiện hơn. Với đà này, mục tiêu 30 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản hoàn toàn khả thi.
Xuất khẩu nông lâm sản đã có cải thiện hơn. Ảnh: TTXVN

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản tháng 11 năm 2015 ước đạt 2,57 tỷ USD, đưa giá trị xuất khẩu của ngành 11 tháng đạt 27,41 tỷ USD, giảm 1,9% so với cùng kỳ năm 2014. So với mức giảm 3,8% của 10 tháng, xuất khẩu nông lâm thủy sản đã có cải thiện hơn.

Với tình hình này, con số 30 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự báo hoàn toàn khả thi.

Cụ thể, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 12,74 tỷ USD, giảm 4% so với cùng kỳ năm 2014, giảm rất mạnh ở các mặt hàng như cà phê (30,2%), cao su (15,5%). Xuất khẩu thuỷ sản ước đạt 6,01 tỷ USD, giảm 16,4%. Các mặt hàng lâm sản chính ước đạt gần 6,4 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2014.

Ước khối lượng xuất khẩu gạo 11 tháng đạt 6,24 triệu tấn với 2,65 tỷ USD, tăng 3,6% về khối lượng nhưng giảm 4,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014.

Tương tự như gạo, mặt hàng cao su cũng có sự tăng trưởng về khối lượng nhưng lại giảm về giá trị xuất khẩu. Các mặt hàng khác như cà phê, chè vẫn vẫn duy trì sự giảm đáng kể cả về sản lượng và giá trị xuất khẩu.

Trong các loại nông sản, điển hình có tiêu, hạt điều, sắn và các sản phẩm từ sắn có kim ngạch xuất khẩu tăng tốt, với mức từ 2,8 đến 19%.

So với 10 tháng, xuất khẩu thủy sản đến nay vẫn không có cải thiện nhiều. Hoa Kỳ là thị trường nhập khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam (chiếm gần 20% tổng giá trị xuất khẩu) thời gian qua vẫn chứng kiến sự giảm sút mạnh, trên 25% so với cùng kỳ năm 2014.

Xuất khẩu sang các thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc cũng giảm đáng kể với mức giảm lần lượt khoảng 13% và 14%.

Bởi vậy, giá trị xuất khẩu thủy sản 11 tháng đạt 6,01 tỷ USD.

Trong thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục tổ chức một số đoàn xúc tiến thương mại ở một số nước, cũng như mở cửa thị trường đối với một số nông sản như thanh long vào Nhật Bản, thịt gà vào Nga... Bộ cũng rà soát các thị trường tiềm năng để đẩy mạnh mở rộng thị trường xuất khẩu, nhất là sang các nước tiên tiến.

Trong bối cảnh thị trường không thuận lợi, phải cạnh tranh lớn thì Bộ cũng định hướng cần hạn chế sản lượng ở mức nhất định để tăng chất lượng, tăng khả năng cạnh tranh.

Về lâu dài để có thể cạnh tranh hiệu quả cần phải tập trung phát huy những lợi thế hơn nữa; trong đó phát triển những sản phẩm thế mạnh của Việt Nam như lúa gạo, càphê, cao su, cá, tôm, hồ tiêu, hạt điều.

Điều này cũng đòi hỏi phải tổ chức lại sản xuất, hình thành các chuỗi liên kết và làm cơ sở để thúc đẩy việc ứng dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả trong sản xuất các ngành hàng đó./.

Bích Hồng/BNEWS/TTXVN

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục