Mỹ cắt giảm mạnh viện trợ phát triển cho châu Phi

05:30' - 31/05/2017
BNEWS Mỹ dự kiến cắt giảm mạnh các chương trình viện trợ phát triển cho châu Phi trong thời gian tới mà Uganda và Ethiopia sẽ là hai nước bị thua thiệt nhất trong khu vực.
Mỹ cắt giảm mạnh viện trợ phát triển cho châu Phi sẽ các nước này gặp nhiều khó khăn. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Trang tin Allafrica số ra mới đây có bài bình luận cho rằng Uganda và Ethiopia sẽ là hai nước bị thua thiệt nhất trong khu vực với đề xuất cắt giảm viện trợ nước ngoài của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Cụ thể, tất cả các khoản tài trợ cho khu vực này sẽ phải thông qua chương trình hỗ trợ phát triển thay vì chuyển các khoản tiền này sang hỗ trợ kinh tế.

Theo tài liệu ngân sách do tờ Đông Phi đăng tải mới đây, có thể thấy ngân sách của Mỹ trong tài khóa 2017-18 đề xuất cắt giảm 30,8% tổng số tiền viện trợ nước ngoài. Riêng tại châu Phi, Washington đang xem xét tiết kiệm 777,1 triệu USD từ việc cắt giảm ngân sách được đề xuất vào đầu tháng này.

Tại khu vực Đông Phi, trong khi khoản tài trợ cho Somalia tăng khoảng 36,1 triệu USD, thì Ethiopia sẽ bị cắt 132,1 triệu USD tài trợ - khoản cắt giảm lớn nhất, tiếp sau là Uganda với 67,8 triệu USD. Rwanda và Tanzania sẽ bị cắt giảm 50,7 triệu USD, trong khi Kenya sẽ bị cắt giảm khoảng 11,78 triệu USD, Nam Sudan giảm 10,6 triệu USD và Burundi 9,4 triệu USD.

Số liệu ngân sách đề xuất của chính quyền Tổng thống Trump cũng cho thấy Kenya, Ethiopia, Rwanda, Tanzania và Uganda sẽ tiếp tục nhận được viện trợ kinh tế trị giá 201 triệu USD, Nam Sudan được tăng viện trợ lên 10,6 triệu USD. Chỉ có Burundi và Liên minh châu Phi (AU) chỉ nhận được khoản hỗ trợ 1,65 triệu USD.

Mỹ dự kiến sử dụng quỹ hỗ trợ kinh tế để thúc đẩy ổn định chính trị và kinh tế khu vực khi Mỹ thu được lợi ích chiến lược. Quỹ hỗ trợ này đã được sử dụng trong các nỗ lực chống khủng bố, cải tiến quy trình tư pháp và đào tạo phát triển kinh tế cho khu vực tư nhân.

Các biện pháp được đề xuất sẽ loại bỏ viện trợ phát triển ở châu Phi nói chung và khu vực Đông Phi nói riêng. Tanzania và Ethiopia sẽ là những quốc gia bị thiệt hại nhiều nhất vì trước đó hàng năm hai quốc gia Đông Phi này vẫn nhận được từ Washington khoản viện trợ phát triển hơn 96 triệu USD.

Kenya cũng sẽ bị cắt giảm 83 triệu USD, Uganda bị cắt giảm 58 triệu USD và Rwanda 49 triệu USD. Burundi, Somalia và Nam Sudan không nhận được bất kỳ khoản viện trợ phát triển nào từ Mỹ trong năm nay.

Chăm sóc trẻ em Somalia bị suy dinh dưỡng tại bệnh viện địa phương ở thị trấn Baidoa, thủ phủ vùng Bay, miền Tây Nam Somalia ngày 15/3. Ảnh: AFP/TTXVN

Số liệu từ Chương trình Hỗ trợ An ninh phi lợi nhuận của Mỹ cho thấy Tanzania, Kenya, Ethiopia và Nigeria nằm trong số 5 quốc gia hàng đầu nhận được viện trợ nhiều nhất từ quốc gia Bắc Mỹ trong 2 năm gần đây.

Tanzania dự kiến sẽ gặp nhiều khó khăn nhất vì đang phải vật lộn để lấp đầy khoảng trống sau khi các chương trình viện trợ của Mỹ bị rút lại, ảnh hưởng nặng nề đến ngân sách của nước này trong hai năm qua.

Đây từng là quốc gia châu Phi đầu tiên đủ tiêu chuẩn để nhận khoản viện trợ phát triển của Mỹ trong khuôn khổ chương trình giúp các nước đang phát triển giảm nghèo do Quỹ Thách thức Thiên niên kỷ (MCC) của Mỹ tài trợ. Các khoản viện trợ này đóng góp hơn 700 triệu USD cho các dự án năng lượng và giao thông vận tải tại quốc gia Đông phi này trong những năm gần đây.

Tháng trước, khi ký kết thỏa thuận viện trợ trị giá 199,74 triệu USD kéo dài 5 năm với Liên minh châu Âu (EU), Bộ trưởng Bộ Tài chính Tanzania James Dotto cho biết chính phủ nước này đã làm việc với các nhà tài trợ phương Tây và các nước phương Tây sẽ tái lập nguồn hỗ trợ tài chính cho quốc gia châu Phi này.

Điều thú vị đây là một trong những khoản tiền lớn mà Tanzania đã “bỏ túi” trong thời gian gần đây kể từ khi bị đóng băng nguồn tài trợ nước ngoài sau vụ kiện Tedera Escrow, trị giá 443,2 triệu USD.

Mới đây, Tổng thống Donald Trump đã đề nghị cắt giảm đáng kể các khoản phân bổ cho Liên hợp quốc và Cơ quan Hợp tác Phát triển Quốc tế của Mỹ (USAid) trong kế hoạch ngân sách mới của mình.

Trong khi đó, ông Trump lên kế hoạch tăng chi tiêu quân sự lên 54 tỷ USD bằng cách giảm các ngân sách, viện trợ cho các khu vực, lĩnh vực khác. Theo đề xuất trên, ngân sách dành cho Bộ Ngoại giao sẽ bị cắt giảm 10,9 tỷ USD, giảm 28%, từ mức 38 tỷ USD hiện nay xuống còn 27,1 tỷ USD trong tài khóa tới.

>>> Tác động của việc Mỹ cắt giảm ngân sách LHQ đối với châu Phi

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục