Mỹ có thiếu quan tâm đối với châu Phi?

06:30' - 11/07/2017
BNEWS Từ khi nhậm chức, Tổng thống Mỹ Donald Trump tỏ ra thiếu quan tâm đối với châu Phi, ngoại trừ việc đề xuất giảm ngân sách đối với viện trợ phát triển của Mỹ ở lục địa này.
Mỹ có thiếu quan tâm đối với châu Phi? Ảnh: EPA

Đây là nhận định của trang tin Allafrica số ra mới đây trong bài phân tích của nhà báo Carsten Von Nahmen. Bài báo viết kể từ sau khi nhậm chức, Tổng thống Donald Trump đã tiến hành hai cuộc đàm thoại với hai nhà lãnh đạo châu Phi là Tổng thống Nigeria Muhammadu Buhari và Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma, đảm bảo với họ rằng ông sẵn sàng tăng cường quan hệ song phương với hai quốc gia châu Phi này. 

Tháng 3/2017, ông Trump đã gọi điện thoại một lần nữa và lần này là với Tổng thống Kenya Uhuru Kenyatta. Nhưng kể từ đó, chính sách của Mỹ đối với châu Phi vẫn không có nhiều thay đổi. Trên thực tế, có vẻ như châu Phi không nằm trong chương trình nghị sự của Washington vì Nhà Trắng đang bận tâm với các vụ bê bối trong nước và các chủ đề như nhập cư, khủng bố và các vấn đề Iran và Triều Tiên.

Một vấn đề lớn là sau 6 tháng cầm quyền, ông Trump vẫn chưa có chính sách quan trọng nào tại Bộ Ngoại giao liên quan đến châu Phi hay đề cập đến chính sách đối ngoại của Mỹ tại khu vực này.

Bà Bronwyn Bruton, Phó Giám đốc Trung tâm châu Phi tại Hội đồng Atlantic (Mỹ), cho biết chính sách châu Phi không được đưa ra tại chương trình nghị sự cấp cao. Bà Bruton nói: "Hiện có một trợ lý giám đốc tạm quyền nhưng nếu không được bổ nhiệm thì sẽ không được trao quyền. Về cơ bản, chính sách châu Phi đang bị đình trệ”.

Cách tiếp cận của ông Trump đối với chính sách đối ngoại nói chung không tập trung nhiều vào việc xây dựng liên minh chiến lược dựa trên các giá trị chung hoặc phát triển dài hạn để cải thiện điều kiện kinh tế và khả năng quản trị. Thay vào đó, ông ủng hộ cách tiếp cận giao dịch, tìm lợi nhuận ngắn hạn thông qua các giao dịch song phương.

Bà Bruton cho rằng đây có thể là tin tốt cho các nhà độc tài và chế độ độc tài trên khắp lục địa châu Phi và là tin xấu cho các nhà hoạt động nhân quyền. Chính quyền của cựu Tổng thống Barack Obama đã đẩy lùi một số chính phủ như Zimbabwe, Sudan và Eritrea - các quốc gia bị chỉ trích nặng về nhân quyền.

Bà Bruton cho biết: "Các quốc gia như vậy rất mong và cảm thấy hạnh phúc khi nước Mỹ có một vị Tổng thống không quan tâm nhiều đến nhân quyền và sẵn sàng thực hiện một mối quan hệ giao dịch với các chính phủ khác".

Nhiều quan sát viên trong số các cơ quan ngoại giao Mỹ và chính sách đối ngoại đã lo ngại rằng việc không quan tâm đến các liên minh lâu dài và hợp tác khu vực có thể dẫn đến một khoảng trống chính trị và kinh tế ở châu Phi - một khoảng trống mà các nước khác như Trung Quốc, Ấn Độ hoặc Brazil rất mong chờ giành được để lấp đầy lỗ hổng này.

Ông Ayodele Kusamotu, luật sư Nigeria, đã phát biểu trong hội nghị cấp cao về hợp tác kinh doanh Mỹ-Phi tại Washington mới đây rằng có một cuộc tranh luận về các nguồn lực từ châu Phi, trong đó Trung Quốc đang dẫn đầu và làm nhiều hơn cho châu Phi và sẽ còn làm nhiều hơn nữa ở châu lục này.

Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: EPA/TTXVN

Ông Kusamotu nói: "Có vẻ như chính sách của chính quyền này chỉ tập trung vào bên trong nước Mỹ, đưa nước Mỹ lên trên hết và ít quan tâm với những nước khác". Hội nghị cấp cao Kinh doanh Mỹ-châu Phi năm 2017 vừa được tổ chức từ ngày 13-16/6 tại Washington đã tạo ra một trong những cơ hội đầu tiên cho khu vực tư nhân của Mỹ và châu Phi có thể gặp nhau và thảo luận với chính quyền của ông Trump.

Những người tham dự hội nghị lần này nói rằng họ mong đợi một thái độ khác biệt từ các đối tác Mỹ. Ông Abdu Suleye Diop, người đại diện cho cộng đồng kinh doanh Maroc tại hội nghị, nói: "Chúng tôi cần Mỹ xem xét lại cách họ đang đối xử với châu Phi. Chúng tôi không cần viện trợ và một số khoản trợ cấp”.

Mặc dù không phải mọi kỳ vọng của các nhà lãnh đạo doanh nghiệp châu Phi đều có thể đạt được, nhưng thực tế là hội nghị cấp cao Kinh doanh Mỹ-châu Phi vẫn tiếp diễn và thậm chí còn có sự tham dự của Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross.

Hội nghị này đã được người tiền nhiệm của ông Trump là ông Obama khởi xướng. Ông Trump đã không lãng phí thời gian ở các lĩnh vực khác mà tập trung ngay vào hội nghị lần này để đảo ngược các chính sách của ông Obama đối với châu lục này.

Trên thực tế, thương mại có thể là một trong những lĩnh vực mà Chính quyền Trump nên tiếp nối các chính sách của chính quyền tiền nhiệm và bắt đầu một số sáng kiến mới trong tương lai gần. Ông Brian Neubert, Giám đốc Trung tâm khu vực thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ tại Johannesburg (Nam Phi), cho biết có nhiều cơ hội thương mại với các thị trường châu Phi vì Lục địa Đen đã đầu tư vào cơ sở hạ tầng của họ.

Ông Neubert nhấn mạnh: "Có nhiều cơ hội cho các công ty Mỹ về công nghệ, sản phẩm và dịch vụ, và dĩ nhiên, nhiều nước châu Phi cũng sản xuất các sản phẩm cho thị trường Mỹ". Tuy nhiên, một khu vực mà Mỹ chắc chắn sẽ tăng cường tham gia vào châu Phi là quân đội, đặc biệt là nhiệm vụ chống khủng bố - một trong những lời hứa quan trọng trong chiến dịch tranh cử của ông Trump hồi năm ngoái.

Ngay từ thời Tổng thống Obama, Mỹ đã mở rộng mạng lưới các căn cứ quân sự trên toàn châu Phi để thu thập thông tin tình báo và thực hiện các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái.

Bà Katie Zimmerman thuộc nhóm cố vấn bảo thủ Mỹ cho rằng ông Trump nên cho phép quân đội của mình được tự do hơn nữa. Bà Zimmerman cảnh báo rằng nếu chỉ tập trung vào các giải pháp quân sự sẽ không đủ để đối phó với thách thức khủng bố - mối đe dọa xuyên quốc gia mà Mỹ và các đồng minh ở châu Phi đang phải đối mặt.

Sức mạnh quân sự, phát triển kinh tế và quản trị tốt phải kết hợp với nhau để duy trì và cải thiện tính ổn định. Sẽ không quá tệ nếu ông Trump không có thời gian quan tâm tới chính sách của Mỹ ở châu Phi, vì như vậy ít nhất trong thời gian đó các chính sách tích cực vẫn còn được duy trì./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục