Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, nhiều doanh nghiệp châu Âu lo ngại

16:33' - 11/05/2018
BNEWS Quyết định rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran của Tổng thống Donald Trump đã khiến "số phận" của các dự án hợp tác kinh doanh giữa các doanh nghiệp châu Âu với Iran trở nên bấp bênh.
Bất chấp sự phản đối của các nước đồng minh, Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn tuyên bố rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran. Ảnh minh họa: THX/TTXVN

Thỏa thuận hạt nhân Iran được ký ngày 14/7/2015 giữa Iran và nhóm P5+1 (Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức). Theo đó, Tehran hạn chế các hoạt động làm giàu uranium để đổi lấy việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt của quốc tế liên quan chương trình hạt nhân của nước này.

Tuy nhiên, bất chấp sự phản đối của các nước đồng minh, Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn tuyên bố rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran.

Theo giới quan sát, các doanh nghiệp châu Âu đang làm ăn kinh doanh với Iran sẽ chịu ảnh hưởng lớn từ động thái nói trên của Washington.

Nhà sản xuất ô tô Volkswagen của Đức, “gã khổng lồ” năng lượng Total của Pháp, và nhà sản xuất máy bay Airbus của châu Âu, cùng nhiều doanh nghiệp khác đã xây dựng mối quan hệ làm ăn với các đối tác Iran, với những hợp đồng hàng tỷ USD kể từ khi thỏa thuận hạt nhân Iran được ký kết.

Hợp tác với công ty ô tô Mammut Khodro của Iran, Volkswagen đã bắt đầu xuất khẩu các mẫu xe Tiguan và Passat từ Đức sang Iran từ tháng 8/2017, đánh dấu sự trở lại Iran của “ông lớn” này sau hơn 17 năm vắng bóng.

Một "nạn nhân tiềm năng" khác là Total, tập đoàn đã nối lại hoạt động nhập khẩu dầu thô của Iran vào năm 2016 và ký một hợp đồng kéo dài 20 năm với Tập đoàn dầu quốc gia Iran (NIOC) vào tháng 7/2017, theo đó, Total sẽ nắm giữ 50,1% cổ phần dự án phát triển và sản xuất trong giai đoạn 11 của mỏ khí South Pars. Dự án này sẽ có công suất sản xuất 2 tỷ phút khối/ngày, hay 400.000 thùng dầu quy đổi/ngày.

Một công ty khác cũng đang “ngồi trên đống lửa” là Airbus, sau khi tập đoàn này năm 2016 đã ký hợp đồng cung cấp 100 máy bay cho hãng hàng không Iran Air. Iran Air đã nhận bàn giao máy bay A330-200 đầu tiên vào tháng 3/2017. Tuy nhiên, việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran đã "phủ bóng" lên "số phận" của các chuyến hàng còn lại.

Cho đến nay các công ty nói trên chưa có thông báo chính thức nào sau động thái trên của Mỹ. Liên minh châu Âu (EU) tuyên bố vẫn kiên trì với thỏa thuận hạt nhân Iran, đồng thời đảm bảo rằng Tehran sẽ không phải đối mặt với bất kỳ lệnh trừng phạt nào của EU, vốn đã được dỡ bỏ theo quy định của thỏa thuận hạt nhân được ký năm 2015.

Xem thêm:

>>>Iran: Hoạt động xuất khẩu dầu sẽ không bị tác động bởi quyết định của Mỹ

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục