Mỹ sẽ mạnh tay với Venezuela?

06:30' - 20/08/2017
BNEWS Sau cuộc bỏ phiếu Quốc hội lập hiến ngày 30/7 vừa qua tại Venezuela và trước tính phi pháp ngày càng tăng của các cuộc biểu tình bạo động của phe đối lập, Mỹ đã gia tăng can thiệp vào nước này.
Một cuộc biểu tình tại Caracas, Venezuela vào tháng 4/2017. Ảnh: Reuters

Đây là nhận định được đăng trên trang mạng alainet.org. Trên thực tế, những lời đe dọa đã bắt đầu được đưa ra từ vài tuần trước và Nhà Trắng tuyên bố các biện pháp trừng phạt mới chỉ sau khi cuộc bỏ phiếu lập hiến diễn ra được vài giờ.

Trong trường hợp này, những “hình phạt” nhắm thẳng vào Tổng thống Nicolas Maduro và là một động thái chính trị hơn là trừng phạt kinh tế thực chất khi Washington quyết định "đóng băng" mọi tại sản cá nhân của người đứng đầu nhà nước Venezuela (trên lãnh thổ Mỹ) và cấm ông thực hiện các giao dịch thương mại và tài chính (trong lãnh thổ Mỹ hoặc với các pháp nhân Mỹ).

Khi công bố biện pháp này ngày 31/7, Herbert McMaster - Cố vấn An ninh Quốc gia của Tổng thống Mỹ Donald Trump - nhấn mạnh rằng ông Maduro “gia nhập một câu lạc bộ rất chọn lọc” khi chỉ có 4 Tổng thống đương nhiệm trên thế giới bị áp đặt các biện pháp trừng phạt tương tự (các nguyên thủ khác là Tổng thống Syria Bashar al-Assad, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Zimbabwe Robert Mugabe).

Đây là lần đầu tiên biện pháp trừng phạt dạng này được áp dụng đối với một nguyên thủ tại khu vực Mỹ Latinh và vùng Caribe, chi tiết đánh dấu mức độ quan hệ song phương. Ngay cả với cố Chủ tịch Cuba Fidel Castro, Washington cũng chưa bao giờ áp đặt một lệnh trừng phạt tương tự.

Ngoài ra, 2 cựu Tổng thống từng là mục tiêu của các biện pháp trừng phạt tương tự trong quá khứ sau đó đều bị Mỹ cùng Liên minh châu Âu (EU) tấn công quân sự, phế truất và mất mạng: Saddam Hussein (Iraq) và Muamar El Gadafi (Libya).

Hai quốc gia này đã bị tàn phá bằng những cuộc chiến tranh rất xa với mục đích “kiến tạo hòa bình” cao đẹp mà Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) - liên minh quân sự mà Mỹ thao túng - đề ra.

Cùng đưa ra tuyên bố với McMaster còn có Bộ trưởng Tài chính Stven Mnuchin, người coi các cuộc bỏ phiếu trên là “không hợp hiến” và Tổng thống Maduro là “một kẻ độc tài quay lưng với ý nguyện của nhân dân Venezuela”.

Theo những gì được biết, không một nhà báo nào trong buổi lễ hỏi quan chức này về Hoàng gia đang trị vì Saudi Arabia, một trong những đồng minh then chốt của Mỹ tại Trung Đông và là quốc gia không tổ chức bất kỳ hình thức bầu cử nào.

Tại Saudi Arabia, những cuộc tuần hành nhỏ cũng bị đàn áp dã man. Bộ trưởng Mnuchin cũng “quên” tình hình tại Brazil, nơi ông Micel Temer lên cầm quyền mà không phải trải qua một cuộc bỏ phiếu nào. 

Trong những ngày trước cuộc bỏ phiếu, mọi đồn đoán đền dự báo rằng ông Trump sẽ đưa ra một quyết định trừng phạt mạnh mẽ.

Một số người cho rằng ông Trump sẽ cấm nhập khẩu dầu từ Venezuela, số khác lại tỏ ra cẩn trọng hơn khi không nói dự báo cụ thể các “trừng phạt kinh tế”, nhưng cho rằng cũng sẽ liên quan tới ngành dầu khí của Venezuela.

Điển hình, tờ The Wall Street Journal còn “dự báo” Mỹ sẽ cấm xuất khẩu các sản phẩm dầu tinh lọc sang Venezuela và hạn chế việc sử dụng hệ thống ngân hàng và tỷ giá hối đoái Mỹ trong giao dịch của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Venezuela (PDVSA).

Tuy nhiên, tới thời điểm này, những biện pháp trừng phạt của Mỹ không có tác động đáng kể. Nguyên nhân là vì một biện pháp đánh vào ngành dầu khí Venezuela rất có khả năng gây tổn hại lợi ích của chính Mỹ.

Dấu hiệu của mâu thuẫn nội bộ này chính là yêu cầu công khai của Hiệp hội Sản xuất Nhiên liệu và Hóa dầu Mỹ (AFPM) về việc các biện pháp trừng phạt không bao gồm các hoạt động nhập khẩu dầu thô từ Venezuela.

Trong bối cảnh tràn ngập các tin đồn, các lời đe dọa và chắc chắn là cả những vận động hành lang trái chiều nhau, Chủ tịch AFPM viết trong một bức thư ngỏ gửi ông Trump ngày 27/7: “Điều này sẽ ảnh hưởng tới nhiều nhà máy lọc dầu Mỹ, đặc biệt là tại các vùng bờ biển Vịnh Mexico và Bờ Đông, vốn được tối ưu hóa để lọc dầu thô chua của Venezuela”.

Tình hình hiện nay ở Venezuela với những bệnh viện bị tàn phá, những đám đông tranh giành lương thực…, khó có thể tin là quốc gia này có thể tiếp tục gắng gượng. Thời điểm quyết định sắp tới đối với chế độ Maduro là vào tháng 11 tới, khi quốc gia này đến thời hạn trả một khoản nợ lớn.

Dù sao, mọi dấu hiệu đều cho thấy sức ép từ Mỹ sẽ gia tăng và cho dù khó để dự đoán chi tiết chính sách đối ngoại của ông Trump, nhưng vai trò ngày càng có ảnh hưởng của những nhân vật diều hâu như Marco Rubio thì chắc chắn không phải là điềm báo cho một tương lai giảm căng thẳng.

Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Rubio là một trong những nhân vật diều hâu có ảnh hưởng trực tiếp tới chính sách của ông Trump.

Tình thế này gây ra chỉ trích thậm chí từ những "cây bút" chuyên tuyên truyền cho Bộ Ngoại giao Mỹ. Thượng nghị sĩ Rubio, cùng với những nhân vật như các Hạ nghị sĩ Bob Menendez (đảng Dân chủ) và Ileana Ros-Lehtinen từ hồi tháng 1/2017 đã gây sức ép đòi Nhà Trắng phải cứng rắn hơn với chính quyền của Tổng thống Maduro./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục