Mỹ trừng phạt Nga: EU lên phương án bảo vệ lợi ích của mình

05:30' - 03/08/2017
BNEWS Liên minh châu Âu (EU) lo ngại tác động tiêu cực của lệnh trừng phạt mà Mỹ nhằm vào Nga có thể ảnh hưởng tới các dự án năng lượng cũng như vấn đề an ninh năng lượng của châu Âu.
Mỹ trừng phạt Nga: EU lên phương án bảo vệ lợi ích của mình. Ảnh minh họa: Sputnik

Ủy ban châu Âu (EC) tuyên bố kiên quyết bảo vệ lợi ích của châu Âu trong bối cảnh Quốc hội Mỹ dự kiến ngày 25/7 thông qua các lệnh trừng phạt Nga vì nghi ngờ Moskva can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ và can dự vào cuộc xung đột ở Ukraine

Phát ngôn viên của EC cho biết cơ quan hành pháp này đang theo dõi chặt chẽ mọi diễn biến liên quan và bày tỏ quan ngại về tác động tiêu cực của các lệnh trừng phạt đối với sự độc lập trong các chính sách của mình, nhất là về vấn đề an ninh năng lượng.

Người phát ngôn EC nhấn mạnh lợi ích của EU phải được tính đến và một lần nữa kêu gọi Mỹ tôn trọng sự thống nhất của Nhóm bảy nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) trong việc xử lý hồ sơ Ukraine.

Giới lãnh đạo lưỡng viện Quốc hội Mỹ đã đạt đồng thuận về một dự luật trừng phạt Nga, trong đó có nội dung phạt tiền các công ty hỗ trợ Moskva xây dựng các đường ống xuất khẩu năng lượng.

Nhiều khả năng các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ sẽ gây ảnh hưởng tới một số doanh nghiệp EU có liên quan tới Dòng chảy Phương Bắc 2 (Nord Stream 2), dự án trị giá 9,5 tỷ USD nhằm đưa khí đốt Nga đi qua khu vực Baltic, trong đó có tập đoàn dầu khí Wintershall và công ty kinh doanh dầu Uniper của Đức, tập đoàn Anh-Hà Lan Royal Dutch Shell của Hà Lan, tập đoàn OMV của Áo và tập đoàn Engie của Pháp.

EU lo ngại rằng các biện pháp trừng phạt của Mỹ nhắm đến lĩnh vực năng lượng của Nga sẽ làm suy yếu quyền lợi của EU và ảnh hưởng đến các dự án của họ. Ngày 22/7, phát ngôn viên của EC đã bày tỏ lo lắng rằng các lệnh trừng phạt mới của Mỹ sẽ gây ra những "hậu quả không mong muốn".

Dòng chảy phương Bắc 2 là một dự án được Đức ủng hộ mạnh mẽ nhưng không được nhiều nước Đông Âu đồng tình, trong đó dẫn đầu là Ba Lan. Những nước này lo ngại châu Âu ngày càng phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng từ Nga. Chính quyền Berlin cũng lên án mạnh mẽ thái độ của Mỹ trong việc đưa ra các biện pháp trừng phạt Nga mới đây.

Truyền thông châu Âu ngày 24/7 đưa tin Chủ tịch EC Jean-Claude Juncker đã kêu gọi ủy ban này nhanh chóng thảo luận về phản ứng của EU đối với các lệnh trừng phạt mới nhằm vào Nga mà Mỹ có thể sẽ thông qua.

Trong bản ghi chép được chuẩn bị cho phiên họp ngày 26/7 tới của EC mà báo Financial Times có được, ông Juncker nhấn mạnh EU cần phải sẵn sàng "hành động trong vài ngày”, nếu Mỹ áp đặt các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga mà “không tính đến những quan ngại của EU”.

Theo bản ghi chép trên, các biện pháp mà EU có thể sẽ đưa ra bao gồm yêu cầu Tổng thống Mỹ Donald Trump đảm bảo rằng những lệnh trừng phạt mới, nếu được áp đặt, sẽ không làm ảnh hưởng tới các lợi ích của EU.

Bên cạnh đó, nếu các con đường ngoại giao không hiệu quả, EU có thể sử dụng luật pháp châu Âu để các lệnh trừng phạt của Mỹ “không được chấp nhận hoặc thực thi” trong EU.

Theo đó, “quy chế ngăn chặn”, được Hội đồng châu Âu thông qua vào năm 1996, với mục đích bảo vệ EU khỏi những ảnh hưởng bên ngoài lãnh thổ do những luật được thông qua bởi một nước thứ ba. Biện pháp thứ hai là chuẩn bị một số biện pháp đáp trả phù hợp với quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Bản ghi chép cũng đánh giá lệnh trừng phạt của Mỹ có thể ảnh hưởng đến nhiều công ty châu Âu có các giao dịch hợp pháp với những doanh nghiệp Nga trong các lĩnh vực như giao thông đường sắt, vận tải biển, tài chính hoặc khai thác khoáng sản. Văn bản cũng cho biết EC sẵn sàng hành động trong những ngày tới và đã phác thảo đường hướng ứng phó.

Ông Markus Beyrer, Giám đốc "Business Europe" - tổ chức vận động hàng lang thương mại chính của EU, đã kêu gọi Washington ngăn chặn các hành động đơn phương có thể tác động tiêu cực chủ yếu đối với EU cũng như người dân và các doanh nghiệp của khối này.

Lãnh đạo đa số trong Quốc hội Mỹ Kevin McCarthy, đã trấn an vào cuối tuần qua rằng một văn bản dự thảo sắp được công bố sẽ đề cập đến các biện pháp bảo đảm sự tiếp cận của các đồng minh châu Âu với những nguồn năng lượng quan trọng khác bên ngoài nước Nga.

Ngày 24/7, điện Kremlin đã đưa ra phản ứng rằng các chính sách trừng phạt Washington là không có tính xây dựng và gây thiệt hại đến các lợi ích của hai nước và của cả các nước khác./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục