Năm 2020, dư nợ thị trường trái phiếu sẽ đạt 38% GDP

11:48' - 21/08/2015
BNEWS Tổng dư nợ thị trường trái phiếu đạt 38% GDP trong năm 2020, trong đó dư nợ thị trường trái phiếu Chính phủ đạt 22% GDP, thị trường trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh đạt 8% GDP.

Ngày 20/8, trong buổi họp báo chuyên đề của Bộ Tài chính về tình hình phát triển thị trường trái phiếu và những giải pháp phát triển thị trường trái phiếu, bà Phan Thi Thu Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính – Ngân hàng (Bộ Tài chính) cho biết, Bộ Tài chính đang tiến hành đánh giá Nghị quyết 78/2014/QH13 với quan điểm phát triển trái phiếu Chính phủ không chỉ huy động vốn mà quan trọng hơn là thiết lập thị trường chuẩn trên thị trường tài chính, đa dạng hóa kỳ hạn.

Đại diện Vụ Tài chính Ngân hàng, Bộ Tài chính, báo cáo về thị trường trái phiếu. Ảnh: Thảo Nguyên/TTXVN

Bộ Tài chính đang báo cáo Chính phủ, Quốc hội xem xét và đề xuất Nghị quyết 78/2014/QH13 sẽ là mục tiêu phát triển thị trường trái phiếu; tạo kênh huy động vốn, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Bộ Tài chính cho biết trong thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục xây dựng và phát triển thị trường trái phiếu một cách bền vững, thanh khoản cao, và từng bước tiếp cận với các thông lệ, chuẩn mực quốc tế để trở thành một kênh huy động vốn quan trọng, an toàn, hiệu quả cho nền kinh tế với mục tiêu cụ thể là tổng dư nợ thị trường trái phiếu đạt 38% GDP trong năm 2020, trong đó dư nợ thị trường trái phiếu Chính phủ đạt 22% GDP, thị trường trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh đạt 8% GDP, thị trường trái phiếu chính quyền địa phương đạt 1% GDP và thị trường trái phiếu doanh nghiệp đạt 7% GDP.

Theo đó, Bộ Tài chính đã và đang tiếp tục triển khai các giải pháp phát triển thị trường theo đúng Lộ trình phát triển thị trường trái phiếu Việt Nam đến năm 2020.

Bên cạnh việc hoàn thiện khung khổ pháp lý cho thị trường trái phiếu để đảm bảo phù hợp với sự phát triển của thị trường và thông lệ quốc tế, Bộ Tài chính cũng thực hiện các giải pháp thị trường như phối hợp với Ngân hàng Nhà nước trong việc điều hành thị trường tài khoá và thị trường tiền tệ, đảm bảo lãi suất phát hành trái phiếu và lãi suất tiền tệ được ổn định, ít biến động lớn.

Cùng với phát triển hệ thống nhà đầu tư, theo đó, khuyến khích phát triển hệ thống nhà đầu tư dài hạn trên thị trường như Quỹ hưu trí, các công ty bảo hiểm,... giảm dần sự phụ thuộc vào hệ thống các ngân hàng thương mại. Tiếp tục xây dựng lộ trình thu hút nhà đầu tư nước ngoài với các giải pháp căn bản, Bộ Tài chính tập trung phát triển hệ thống nhà tạo lập thị trường trên cơ sở hệ thống thành viên đấu thầu trái phiếu Chính phủ với các giải pháp.

Đồng thời, phát triển hệ thống công nghệ thông tin; xây dựng hệ thống thông tin dữ liệu của thị trường trái phiếu doanh nghiệp để tăng cường tính công khai minh bạch, thúc đẩy sự phát triển của thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Trả lời câu hỏi liên quan đến việc hiện nay, các Ngân hàng thương mại không mặn mà đầu tư trái phiếu, bà Hiền cho rằng, thị trường trái phiếu Việt Nam tương tự các nước phát triển khác, Ngân hàng thương mại đóng vai trò chủ chốt trong vấn đề này. Nhưng do ch ưa có nhà đầu tư dài hạn nên cần phải triển khai thời gian tới.

Theo bà Phan Thị Thu Hiền , việc phát triển thị trường trái phiếu đa dạng không chỉ có Ngân hàng thương mại mà Bộ Tài chính đã quy định, cơ cấu nhà đầu tư trên thị trường trái phiếu bao gồm các ngân hàng thương mại (nắm giữ 80% tổng khối lượng trái phiếu phát hành trên thị trường), các nhà đầu tư có tổ chức như các công ty bảo hiểm, Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm tiền gửi, quỹ đầu tư, công ty chứng khoán. Nhà đầu tư nước ngoài không có hiện diện thương mại tại Việt Nam chỉ nắm giữ khoảng 1 - 2% khối lượng trái phiếu phát hành.

Hiện nay, Bộ Tài chính đang hoàn thiện Nghị định về Quỹ hưu trí tự nguyện để trình Chính phủ ban hành nhằm góp phần phát triển hệ thống nhà đầu tư dài hạn trên thị trường trái phiếu, đồng thời nghiên cứu các giải pháp nhằm thu hút các nhà đầu tư nước ngoài tham gia trên thị trường trái phiếu.

Ảnh minh họa. Ảnh: hanoimoi.com.vn

Về câu hỏi về việc triển khai Nghị quyết 78/2014/QH13 về dự toán Ngân sách 2015, từ đầu năm nay, Bộ Tài chính chỉ phát hành trái phiếu kỳ hạn 5 năm trở lên, vậy có phải do Nghị quyết 78/2014/QH13 khống chế hay do Ngân sách Nhà nước khó khăn, đại diện Bộ Tài chính cho hay, về kết quả phát hành tính đến 14/8/2015, tổng khối lượng trái phiếu phát hành ra thị trường là 140.938 tỷ đồng; trong đó khối lượng phát hành trái phiếu Chính phủ là 123.479 tỷ đồng, bằng 49% kế hoạch năm 2015; khối lượng phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh là 17.459 tỷ đồng, bằng 36% kế hoạch năm 2015; khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp là 11.148 tỷ đồng.

Ngoài ra, năm 2015 là năm đầu tiên phát hành thành công trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 20 năm (kỳ hạn dài nhất từ trước tới nay) cho các công ty bảo hiểm nhân thọ với khối lượng phát hành trong tháng 7/2015 là 3.450 tỷ đồng. Trên thị trường trái phiếu Chính phủ, bên cạnh sản phẩm truyền thống là trái phiếu thanh toán lãi định kỳ, Bộ Tài chính đang nghiên cứu và triển khai 2 sản phẩm mới trên thị trường là trái phiếu không trả lãi định kỳ và trái phiếu lãi suất thả nổi để đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư trên thị trường.

Về quy mô thị trường, tại thời điểm 14/8/2015, dư nợ thị trường trái phiếu là 867.876 tỷ đồng, đạt khoảng 22% GDP năm 2014; riêng dư nợ thị trường trái phiếu Chính phủ là 581.497 tỷ đồng, đạt khoảng 14% GDP năm 2014.

Về giao dịch thứ cấp, thanh khoản của thị trường tăng cao, khối lượng giao dịch bình quân trong 8 tháng đầu năm 2015 là 4.102 tỷ đồng/phiên, tăng 15% so cùng kỳ năm 2014. Mặt bằng lãi suất trên thị trường thứ cấp theo sát diễn biến của thị trường sơ cấp. Hệ thống cơ sở hạ tầng cho thị trường trái phiếu từng bước được hiện đại hóa nhằm rút ngắn thời gian đưa trái phiếu vào đăng ký, lưu ký, niêm yết giao dịch trái phiếu./.

Đỗ Thảo Nguyên

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục