Năm APEC 2017 và những di sản quan trọng của Việt Nam

10:14' - 06/11/2017
BNEWS Theo Tiến sỹ Alan Bollard, di sản quan trọng nhất của Việt Nam là duy trì sự tồn tại của các sáng kiến quan trọng tại thời điểm quá trình toàn cầu hoá đang hết sức phức tạp...
Tiến sỹ Alan Bollard, Giám đốc Điều hành Ban Thư ký APEC. Ảnh: Ban Thư ký APEC

Ngày 6/11, Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 đã chính thức khai mạc tại Thành phố Đà Nẵng với chủ đề “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”. Đây là sự kiện quan trọng nhất trong Năm APEC Việt Nam 2017. 

Nhân dịp này, phóng viên BNEWS đã phỏng vấn Tiến sỹ Alan Bollard, Giám đốc Điều hành Ban Thư ký APEC, về vai trò và đóng góp của Việt Nam, cũng như những dấu ấn mà nền kinh tế chủ nhà để lại trong lần thứ 2 đăng cai tổ chức Năm APEC.

BNEWS: Ông đánh giá thế nào về vai trò cũng như những đóng góp của Việt Nam trong APEC kể từ khi gia nhập diễn đàn này vào năm 1998?

Ông Alan Bollard: Việt Nam là một thành viên rất tích cực của APEC trong gần 20 năm qua. Ban đầu, khi mới tham gia APEC, mặc dù chỉ là một nền kinh tế khá nghèo song vẫn Việt Nam vẫn bắt kịp tầm nhìn của APEC về mở cửa thương mại nhằm thúc đẩy tăng trưởng trong khu vực và đã làm điều này rất tốt.

Cách đây 11 năm, Việt Nam đã đăng cai tổ chức Năm APEC 2006. Các nhà lãnh đạo kinh tế APEC đã gặp nhau ở Hà Nội vào cuối năm đó và kể từ đây, chúng ta được chứng kiến sự đóng góp của Việt Nam trong việc cải thiện nâng cao năng lực thông qua một loạt sáng kiến của APEC.

Là một quốc gia có thu nhập thấp, Việt Nam đã nhận thức được rằng để đạt được nhiều mục tiêu của APEC đòi hỏi phải nâng cao năng lực và đào tạo không chỉ ở Việt Nam mà còn ở những nền kinh tế khác nữa.

BNEWS: Ông nghĩ thế nào về chủ đề cũng như các ưu tiên hợp tác mà Việt Nam đã đề xuất trong Năm APEC 2017?

Ông Alan Bollard: Trong Năm APEC 2017, Việt Nam đưa ra chủ đề “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”. Đây là một chủ đề đủ lớn để bao trùm toàn bộ các sáng kiến đang được thảo luận tại APEC. Đặc biệt, 4 ưu tiên hợp tác đang hướng sự tập trung của chúng ta vào những nhiệm vụ quan trọng.

Việt Nam đã đạt được sự đồng thuận đối với 4 ưu tiên này kể từ đầu năm 2017... Trong năm nay, các nền kinh tế khác cũng đã đưa ra nhiều sáng kiến khác. Các ưu tiên này (của Năm APEC 2017) sẽ tiếp tục là công việc quan trọng kéo dài trong nhiều năm tới của APEC.

Ưu tiên thứ nhất về thúc đẩy tăng trưởng bền vững và sáng tạo phản ánh thực tế rằng chúng ta đã nhận ra phải tập trung nhiều hơn nữa không chỉ vào tốc độ tăng trưởng mà còn vào cách thức để đạt được tốc độ tăng trưởng đó, cũng như những đối tượng được hưởng lợi từ nó. Đây là thông điệp rất rõ ràng của các nhà lãnh đạo APEC tại Lima (Peru) năm ngoái.

Ưu tiên thứ hai là hội nhập kinh tế khu vực. Ưu tiên này tiếp tục tập trung vào những hiệp định thương mại tự do trong khu vực cho dù một vài hiệp định trong số này đã được thay đổi.

Bên cạnh đó, ưu tiên này cũng sẽ tập trung vào những cách thức mà khái niệm về một khu vực thương mại tự do châu Á – Thái Bình Dương có thể giúp đưa các hiệp định hội tụ lại, cùng với việc xem xét một loạt sáng kiến khác như chuỗi cung ứng nhằm giúp kết nối các nền kinh tế với nhau.

Ưu tiên thứ ba là hiện đại hóa các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs). Trong một môi trường kỹ thuật số, điều này là rất quan trọng bởi vì, chúng ta hy vọng sẽ chứng kiến sự phát triển hơn nữa của những thỏa thuận thương mại điện tử trong APEC, giúp tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp nhỏ trong khu vực và khuyến khích một bộ phận lớn các doanh nghiệp tham gia cũng như hưởng lợi từ những lợi ích thương mại trong khu vực.

Ưu tiên thứ tư về an ninh lương thực, đặc biệt là trong bối cảnh biến đổi khí hậu, phản ánh một số quan tâm của Việt Nam cùng một vài nền kinh tế khác.

Có rất nhiều những sáng kiến liên quan đến vấn đề này đã được đề xuất trong tuần lễ về an ninh lương thực diễn ra tại Cần Thơ.

BNEWS: Ông có suy nghĩ gì về những thay đổi trong môi trường kinh doanh và tác động của những thay đổi này đến việc thực hiện các Mục tiêu Bogor của APEC?

Ông Alan Bollard: Các Mục tiêu Bogor là một cam kết hướng tới thương mại tự do và mở cửa đối với các nền kinh tế phát triển trước năm 2010, vốn đã đạt được phần lớn song vẫn chưa phải tất cả và do đó, vẫn cần thêm thời gian thực hiện, và đối với các nền kinh tế đang phát triển trước năm 2020…

Dưới sự chủ trì của Việt Nam, chúng tôi đang theo dõi những tiến bộ trong quá trình thực hiện các Mục tiêu Bogor và tiếp tục chứng kiến sự tiến bộ trong nhiều lĩnh vực…

Tuy nhiên, những thay đổi này không phải tự nhiên mà diễn ra. Tất nhiên, trong một năm qua, chúng ta đã chứng kiến một vài quan điểm khác về các chính sách phát triển thương mại.

Đây sẽ là một trong những vấn đề quan trọng sẽ được thảo luận trong cuộc gặp của các nhà lãnh đạo APEC tại Đà Nẵng về việc làm thế nào để cân bằng giữa mong muốn tiếp tục các chính sách thương mại tự do và mở và những quan ngại của một vài nền kinh tế về các quy tắc thương mại.

BNEWS: Trong bối cảnh tâm lý chống toàn cầu hóa gia tăng cùng với những quan ngại về các vấn đề như tự động hóa và mất việc làm ở một số ngành công nghiệp trình độ cao, APEC đang làm gì để giải quyết tình trạng này?

Ông Alan Bollard: Chúng ta biết rằng cần phải tập trung hơn vào không chỉ những lợi ích thương mại nói chung đối với các nền kinh tế mà còn cần tập trung vào mức độ mà một phần hoặc một số cộng đồng trong các nền kinh tế có thể bị tổn thương bởi những điều này.

Và để giải quyết vấn đề đó, Việt Nam đã đề xuất sáng kiến về kinh tế bao trùm, tài chính bao trùm và xã hội bao trùm nhằm cố gắng đảm bảo rằng chúng ta có thể xây dựng các chính sách mang lại lợi ích cho nhiều người hơn hoặc giúp giảm bớt số người có thể bị tổn thương bởi các chính sách này ở các nền kinh tế. Đây là điều đang được thực hiện.

BNEWS: Theo ông, đâu là những dấu ấn mà Việt Nam để lại trong Năm APEC 2017 và những dấu ấn này đóng vai trò thế nào đối với kế hoạch cũng như các chương trình nghị sự của APEC trong thập kỷ mới?

Ông Alan Bollard: Di sản quan trọng nhất của Việt Nam trong việc đăng cai Năm APEC 2017 là duy trì sự tồn tại của các sáng kiến quan trọng đó tại thời điểm quá trình toàn cầu hoá đang hết sức phức tạp và có quan ngại về những hướng đi khác nhau và thúc đẩy các sáng kiến này theo hướng tương đối bao trùm giữa các nền kinh tế khác nhau.

Thời gian tới, Việt Nam đang tìm cách đưa ra một quy trình nhằm nghiên cứu hướng đi cho APEC sau năm 2020.

Một số chương trình của APEC như các Mục tiêu Bogor sẽ kết thúc vào năm 2020 và đây là cơ hội để chúng ta xem xét liệu chúng ta có muốn để APEC tiếp tục đi trên con đường cũ hay sẽ kết hợp một số ý tưởng mới hoặc đối phó với những thay đổi mới về cơ cấu trong vài năm tới.

Vì vậy, Việt Nam đang xây dựng các cách tiếp cận để bắt đầu công việc này trong hai năm tới.

BNEWS: Xin cảm ơn ông!

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục