Nam Định đổi mới mô hình phát triển chăn nuôi

17:06' - 18/08/2015
BNEWS Mô hình chăn nuôi truyền thống tại Nam Định chủ yếu theo quy mô nhỏ, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm không đảm bảo. Vì vậy, việc đổi mới mô hình phát triển chăn nuôi là một yêu cầu cấp bách hiện nay.

Tại Hội thảo ngày 18/8 về "Đổi mới mô hình tổ chức phát triển ngành chăn nuôi" tại Nam Định, đại diện các doanh nghiệp, chủ trang trại cho rằng, mô hình chăn nuôi truyền thống tại Nam Định chủ yếu theo quy mô nhỏ, phân tán trong nông hộ chiếm tỷ lệ cao. Dịch bệnh chưa được kiểm soát; vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm không đảm bảo.

Người chăn nuôi tại Nam Định hiện khó tiếp cận nguồn vốn từ các ngân hàng thương mại; số hộ được vay vốn không nhiều, số tiền vay thấp (mỗi hộ thường chỉ vay được từ 30 - 50 triệu đồng); thời gian vay ngắn. Bên cạnh đó, việc sản xuất giống vật nuôi của tỉnh còn thiếu và yếu, chưa có cơ sở sản xuất giống gia cầm... là những rào cản kìm hãm sự phát triển của ngành chăn nuôi địa phương.

Chăm sóc đàn lợn tại hộ gia đình. Ảnh: TTXVN
Theo các đại biểu, cùng với việc khắc phục những tồn tại, hạn chế nói trên, Nam Định cần từng bước hình thành các mô hình chăn nuôi với quy mô lớn, theo quy trình khoa học, hiện đại, an toàn dịch bệnh, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường và người tiêu dùng.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nam Định Nguyễn Phùng Hoan cho biết, tại các địa phương trong tỉnh, người dân chủ yếu là chăn nuôi lợn, gia cầm, trâu, bò, dê, ngựa, thỏ, lợn rừng...

Theo số liệu thống kê năm 2014, tổng đàn lợn toàn tỉnh có 783.491 con; gia cầm gần 7,3 triệu con; trâu, bò có 39.634 con.

Thời gian tới, Nam Định tập trung thực hiện tái cơ cấu ngành chăn nuôi; đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại, công nghiệp gắn với giết mổ, chế biến gia súc, gia cầm tập trung. Đồng thời áp dụng công nghệ tiên tiến vào chăn nuôi nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường.

Tỉnh Nam Định phấn đấu đến năm 2020 cơ bản chuyển ngành chăn nuôi sang sản xuất trang trại, công nghiệp đáp ứng phần lớn nhu cầu thực phẩm đảm bảo chất lượng cho tiêu dùng và xuất khẩu; nâng tỷ trọng giá trị sản xuất ngành chăn nuôi trong cơ cấu giá trị sản xuất nông nghiệp đạt trên 45%./.

Vũ Văn Đạt

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục