Nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường trong các nhà máy điện

08:07' - 22/06/2017
BNEWS EVN rà soát hiện trạng phát thải các nhà máy nhiệt điện đốt than, xây dựng các dự án cải tạo, nâng cấp để cải thiện các chỉ số môi trường.

Tại buổi làm việc của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) diễn ra chiều qua (21/6), EVN cho biết, Tập đoàn đã phối hợp cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương, Cục Cảnh sát bảo vệ môi trường - Bộ Công an tổ chức kiểm tra định kỳ và đột xuất nhằm giám sát việc tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường cũng như tháo gỡ các vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Toàn cảnh buổi làm việc. Ảnh: TTXVN

Cụ thể, đối với các nhà máy nhiệt điện, Tập đoàn rà soát hiện trạng phát thải các nhà máy nhiệt điện đốt than, xây dựng các dự án cải tạo, nâng cấp để cải thiện các chỉ số môi trường.

Riêng đối với nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2, EVN đã hoàn thành cải tạo, đưa vào hoạt động hệ thống lọc bụi tĩnh điện (ESP) và giải quyết triệt để tình trạng khói đen trong tất cả các chế độ vận hành của 2 tổ máy. Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 1 đã được Tổng cục Môi trường cấp Giấy chứng nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường ngày 13/6 vừa qua.
Bên cạnh đó, việc xử lý tro, xỉ đang được EVN tập trung thực hiện. Cụ thể, các nhà máy nhiệt điện đều đã có hợp đồng với các đối tác về tiêu thụ tro xỉ theo Đề án 452 của Chính phủ. Tuy nhiên vẫn còn vướng mắc trong việc tiêu thụ tro xỉ do chưa có các tiêu chuẩn quốc gia về sử dụng tro xỉ làm vật liệu xây dựng.
Đối với các nhà máy thủy điện, Tập đoàn đang rà soát sửa đổi, bổ sung Quy chế quản lý và bảo vệ môi trường của EVN để phù hợp với Luật Tài nguyên nước và các Nghị định, Thông tư kèm theo. Đồng thời, theo dõi, đôn đốc, hỗ trợ các đơn vị quá trình cấp Giấy phép khai thác và sử dụng nước mặt cho các nhà máy thủy điện.
Cùng với việc thực hiện đầy đủ kiểm tra, đôn đốc bảo vệ môi trường các nhà máy nhiệt điện theo chương trình định kỳ và đột xuất theo yêu cầu Bộ Công Thương , EVN cũng c hỉ đạo các đơn vị thực hiện đúng các yêu cầu về môi trường trong dự án cải tạo hệ thống xử lý nước sinh hoạt, xin cấp phép khai thác tài nguyên nước, xả nước thải.
Theo EVN, đ ể tăng cường công tác quản lý bảo vệ môi trường ngay từ khâu chuẩn bị đầu tư các dự án điện, Tập đoàn đã hướng dẫn bổ sung các yêu cầu, nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường của các dự án nguồn và lưới điện đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện cao hơn về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Bên cạnh đó, các nhà máy nhiệt điện trong EVN đã thiết lập các Phòng cộng đồng với những hình ảnh, video clip sinh động . Hàng tháng tổ chức cho người dân vào tham quan nhà máy, góp phần cho cộng đồng dân cư hiểu rõ hơn về dây chuyền sản xuất điện cũng như công tác bảo vệ môi trường. Các thông số phát thải như nước thải, khí thải đều được truyền trực tiếp về các S ở Tài nguyên và Môi trường để giám sát theo chức năng.
Về một số dự án nhiệt điện than chậm tiến độ, đi vào vận hành chưa ổn định, ảnh hưởng đến cung cấp điện, Tập đoàn cho biết, EVN đã chỉ đạo các đơn vị phối hợp với các nhà thầu EPC triển khai những giải pháp tích cực khắc phục hết tồn tại. Đến nay, các Nhà máy nhiệt điện Nghi Sơn 1 và Quảng Ninh đã vận hành ổn định, tin cậy; Nhà máy nhiệt điện Uông Bí mở rộng đã phát điện với công suất cực đại theo thiết kế.
Rút kinh nghiệm những dự án nhiệt điện than trước đây, các dự án đưa vào vận hành các năm vừa qua đã vận hành ổn định, tin cậy hơn nhiều ngay sau giai đoạn chạy thử nghiệm. Trong đó, các Nhà máy điện Vĩnh Tân 2 và Duyên Hải 1 đã sản xuất gần 7 tỷ kWh điện trong năm vận hành đầu tiên, góp phần quan trọng trong việc đảm bảo cung cấp điện cho miền Nam.
Mặc dù vậy, EVN cũng cho rằng, trong quản lý điều hành, đặc biệt là khâu giám sát, kiểm tra của Tập đoàn đôi lúc còn chưa chặt chẽ dẫn đến xảy ra sự cố nhà máy thủy điện như sự cố Sông Bung 2. Một số nhà máy nhiệt điện than như Vĩnh Tân 2 sau khi đi vào vận hành còn bộc lộ thiếu sót về môi trường.
Ngay sau khi sự cố Sông Bung 2 xảy ra, EVN đã chỉ đạo Tổng công ty Phát điện 2 - GENCO2 (chủ đầu tư công trình) phối hợp với địa phương khắc phục các thiệt hại ở vùng hạ du. Đồng thời, tổ chức đánh giá an toàn ổn định các hạng mục công trình và phê duyệt các giải pháp xử lý để triển khai thực hiện. Trong thời gian qua, các đơn vị đã tập trung xử lý cửa nhận nước và hầm dẫn dòng để đảm bảo an toàn chống lũ năm 2017 và tích nước để phát điện các tổ máy cuối năm 2017.

Tổng giám đốc EVN báo cáo tại cuộc họp. Ảnh: TTXVN

Về việc điều hành và quản lý các dự án đầu tư xây dựng, EVN cho biết, Tập đoàn đã chỉ đạo rà soát lại toàn bộ các quy định liên quan, tổ chức biên soạn Quy chế về công tác Đầu tư xây dựng với nội dung đảm bảo tính chặt chẽ và đồng bộ giữa các khâu để các đơn vị dễ áp dụng và giám sát trách nhiệm của các bên tham gia. Hiện nay Quy chế đang hoàn thiện để ban hành trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, Tập đoàn đã triển khai các đề án, chương trình hội thảo, đúc kết kinh nghiệm thực tiễn để đưa ra các giải pháp cụ thể trong các khâu quản lý chất lượng đầu tư xây dựng. Trên cơ sở đó Tập đoàn có các chỉ thị cụ thể từng khâu và hướng dẫn đến các đơn vị triển khai thực hiện.
Mặt khác, EVN đã xây dựng phần mềm về quản lý đầu tư và triển khai áp dụng thống nhất trong toàn Tập đoàn để quản lý chặt chẽ thông tin và là cơ sở giám sát, điều hành nhanh chóng hiệu quả.
Từ cuối năm 2016 và các tháng đầu năm 2017, EVN tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng, cải thiện chỉ số tiếp cận điện năng, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 19-2017/NQ-CP.
Cụ thể, Tập đoàn đã xây dựng và giao kế hoạch cho các đơn vị với 14 chỉ tiêu định lượng cụ thể về dịch vụ khách hàng theo tiêu chuẩn dịch vụ điện chung của Quốc tế và thường xuyên kiểm tra tình hình thực hiện của các đơn vị.
Các Tổng công ty Điện lực cũng đưa vào hoạt động 5 Trung tâm chăm sóc khách hàng và trên 900 phòng giao dịch khách hàng nhằm đáp ứng các nhu cầu dịch vụ về điện của khách hàng trên toàn quốc. Khách hàng có thể đăng ký cấp điện chỉ cần thông qua hình thức gọi điện tới Trung tâm chăm sóc khách hàng hay phòng giao dịch khách hàng; đồng thời có thể tra cứu thông tin về lịch sử sử dụng điện, hóa đơn tiền điện trên mạng.
Riêng trong năm 2016, EVN đã cấp điện trung áp cho 11.300 khách hàng mới với thời gian thực hiện bình quân các công việc của Điện lực là 5,96 ngày (< 10 ngày); Cấp điện hạ thế cho hơn 1 triệu khách hàng mới, gồm 325.302 khách hàng sinh hoạt ở khu vực thành thị với thời gian bình quân 1,84 ngày (chỉ tiêu ≤ 3 ngày); 536.549 khách hàng sinh hoạt ở khu vực nông thôn với thời gian bình quân 2,47 ngày (chỉ tiêu ≤ 5 ngày) và 193.885 khách hàng ngoài sinh hoạt với thời gian bình quân 2,59 ngày (chỉ tiêu ≤ 7 ngày).
Mới đây, EVN đã ban hành Qui trình kinh doanh mới; trong đó tiếp tục rút ngắn thời gian thực hiện của Tập đoàn xuống còn 7 ngày, giảm 3 ngày so với quy định của Bộ Công Thương; đơn giản hóa các thủ tục trong ngành điện chỉ còn 2, giảm 1 thủ tục.
Ngoài ra, EVN còn ký thỏa thuận hợp tác với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trong việc thực hiện cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Đồng thời, VCCI sẽ là đơn vị độc lập tổng hợp các ý kiến, các đánh giá của khách hàng, doanh nghiệp về các dịch vụ cung cấp điện của EVN./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục