Nâng cao vị thế từ hạ tầng giao thông (bài 2)

07:30' - 15/09/2015
BNEWS Hạ tầng giao thông Việt nam bộc lộ nhiều yếu kém trong hệ thống, quy hoạch và khả năng kết nối giữa các phương thức giao vận tải với nhau.

Bài 2: Động lực là xã hội hóa đầu tư

Nhận xét về những khó khăn thách thức của ngành giao thông trong thời gian tới, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho rằng, mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng nhìn chung so với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững của đất nước thì kết cấu hạ tầng giao thông hiện tại chưa đáp ứng được.

Đó là tỷ lệ công trình hiện đại, năng lực lớn (như đường cao tốc, cảng nước sâu…) còn thấp, hệ thống quốc lộ còn nhiều dự án chưa được nâng cấp, hệ thống đường sắt lạc hậu, xuống cấp, đặc biệt là đường ray khổ hẹp nên không thể nâng tốc độ chạy tàu và năng lực khai thác…

Dự án tuyến đường sắt đô thị trên cao Cát Linh – Hà Đông (Hà Nội) đang chậm tiến độ. Ảnh: Huy Hùng/TTXVN

Hệ thống giao thông đường thủy chủ yếu vẫn khai thác tự nhiên… Một số cảng biển hiện đang gặp phải tình trạng quá tải, ùn ứ hàng hóa như tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng.

Mặc dù có nhiều sân bay được đưa vào khai thác dân dụng nhưng trong số này nhiều sân bay năng lực hạn chế, chưa tiếp nhận được tàu bay lớn. Còn cảng hàng không như Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng có nguy cơ quá tải trong thời gian ngắn tới.

Ngoài ra, sự yếu kém của hạ tầng giao thông còn thể hiện ở khả năng kết nối giữa các phương thức giao vận tải chưa thuận lợi, cụ thể như kết nối giữa đường sắt và cảng biển, giữa đường bộ và cảng biển.

Theo đánh giá, những yếu kém trên đã làm cho chất lượng vận tải, dịch vụ vận tải của Việt Nam chưa cao, chi phí chưa hợp lý (dịch vụ logistics của Việt Nam chiếm tới 20% GDP).

Từ đó, ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và cản trở tốc độ phát triển kinh tế-xã hội.

Phân tích nguyên nhân dẫn đến những tồn tại, hạn chế trong hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông hiện nay, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho rằng, vấn đề đầu tiên là do nguồn nhân sách nhà nước hạn chế.  

Nhu cầu vốn cho đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông rất lớn (giai đoạn 2016-2020 dự kiến khoảng 40 – 50 tỷ USD), trong khi hiện nay mới chỉ đáp ứng được từ 30-40%; thiếu vốn duy tu, bảo trì, ảnh hưởng đến chất lượng kết cấu hạ tầng giao thông và giảm năng lực khai thác.

Ngoài ra, việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học mới thiếu mạnh mẽ, chưa tạo động lực tham gia phát triển các lĩnh vực giao thông vận tải.

Để đảm bảo yêu cầu kinh tế - xã hội trong thời gian tới, trong giai đoạn 2016 - 2020 ngành giao thông sẽ ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình trọng điểm đường bộ gồm các tuyến cao tốc, quốc lộ trọng yếu, các tuyến có nhu cầu vận tải lớn, các tuyến kết nối.

Phấn đấu đến năm 2020 cả nước có khoảng 2.000-2.500 km đường cao tốc. Trong lĩnh vực đường sắt, ngành nghiên cứu các phương án khả thi đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam để có kế hoạch đầu tư xây dựng phù hợp; đồng thời tập trung ưu tiên nâng cấp, hiện đại hóa tuyến đường sắt Bắc - Nam hiện có.

Lĩnh vực đường thủy nội địa cũng tập trung cải tạo, nâng cấp các tuyến đường thủy nội địa chính; ưu tiên hoàn thành nâng cấp các tuyến kết nối vùng.

Công trường thi công cao tốc Tp. HCM - Long Thành - Dầu Giây. Ảnh: Quang Toàn/BNews

Mặt khác, tiếp tục đầu tư phát triển hệ thống cảng biển quốc gia, cảng cửa ngõ quốc tế tại các vùng kinh tế trọng điểm có khả năng tiếp nhận các tàu container thế hệ mới.

Ngoài ra, ngành cũng tập trung đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành, đồng thời khai thác hiệu quả các cảng hàng không, sân bay hiện có; trong đó ưu tiên đầu tư nâng cấp đồng bộ, hiện đại các cảng hàng không quốc tế.

Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng, 5 năm tới, Bộ Giao thông Vận tải sẽ tạo động lực khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải thông qua việc tăng cường vai trò quản lý nhà nước, đổi mới thể chế chính sách, tạo khung pháp lý minh bạch, thông thoáng.

Đồng thời, sử dụng nguồn lực hợp lý để đầu tư phát triển, ưu tiên các công trình có tính lan tỏa, đảm bảo kết nối các phương thức vận tải, các trung tâm kinh tế lớn.

Ngoài ra, ngành giao thông vận tải ứng sẽ ứng dụng mạnh mẽ công nghệ hiện đại trong xây dựng phát triển và quản lý.

Bên cạnh đó, tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; chú trọng nâng cao năng lực hoạch định chính sách, dự báo, tư vấn, tổ chức quản lý đầu tư, khai thác kết cấu hạ tầng giao thông và quản lý vận tải./.

Quang Toàn

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục