Nâng chất cho xuất khẩu Việt Nam (phần 2)

07:52' - 20/11/2015
BNEWS Mục tiêu đặt ra giảm dần thâm hụt thương mại và tiến tới cân bằng thương mại vào năm 2020.
Gạo là một trong những mặt hàng có thế mạnh trong xuất khẩu của Việt Nam. Ảnh: TTXVN

Vượt trên mục tiêu đề ra của Bộ Công Thương trong Chiến lược phát triển xuất khẩu giai đoạn 2011-2020 là đến năm 2015, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt khoảng 133 tỷ USD, năm nay, kim ngạch xuất khẩu dự kiến sẽ đạt 165 tỷ USD (tăng hơn so với mục tiêu hơn 30 tỷ USD). Điều này cho thấy, xuất khẩu Việt Nam đang có nhiều triển vọng.

Bên cạnh đó, việc tham gia vào khá nhiều FTA, trở thành điểm giao thoa của nhiều liên minh thương mại. Các FTA, đặc biệt là FTA với Hàn Quốc, EU và Hiệp định TPP, không chỉ giúp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu mà còn có ý nghĩa quan trọng trong việc đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu của Việt Nam, tránh sự phụ thuộc quá mức của Việt Nam vào một vài thị trường. 

Mặc dù, triển vọng các Hiệp định thương mại tự do cũng dần dần dỡ bỏ và giảm bớt các rào cản thuế quan nhưng Việt Nam chủ yếu xuất khẩu nguyên liệu thô, hàng gia công lắp ráp với giá nhân công và giá thành thấp nên xét cho cùng, rào cản lớn nhất đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam vẫn là các rào cản phi thuế quan. 

Theo đó, đầu tiên là các rào cản về xuất xứ hàng hóa (CO). Các ngành hàng như dệt may, da giày, lắp ráp... của Việt Nam đều phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, đặc biệt là nhập từ Trung Quốc. Do vậy, khi tham gia các hiệp định thương mại, chẳng hạn như TPP, Việt Nam có thể sẽ vấp phải nhiều khó khăn trong việc đảm bảo các quy định về xuất xứ hàng hóa. 

Tiếp theo là các quy định về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm. Đại đa số các đơn vị xúc tiến thương mại đều cho biết, một trong những khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu sang các thị trường đó là khả năng đảm bảo các tiêu chuẩn, yêu cầu về chất lượng.

Chế biến nông sản xuất khẩu. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Vấn đề này đặc biệt quan trọng đối với các mặt hàng nông sản thực phẩm và thủy hải sản. Việc nuôi trồng của Việt Nam phần lớn vẫn ở dạng các hộ nông dân nhỏ lẻ. Mô hình trang trại quy mô lớn, áp dụng công nghệ và kỹ thuật hiện đại vẫn còn rất ít.

Các vùng nguyên liệu vẫn có tính manh mún hoặc phân hóa và thiếu ổn định. Do vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu hoặc chế biến hàng xuất khẩu vẫn phải thu mua đại trà và khó kiểm soát cũng như đảm bảo được về quy trình nuôi trồng của sản phẩm thu mua. 

Liên quan đến quy định về chống bán phá giá, do có lợi thế cạnh tranh về giá thành rẻ nên Việt Nam thường phải đối mặt với các vụ kiện và thuế chống bán phá giá. Điển hình như các vụ kiện về cá basa của Việt Nam ở Hoa Kỳ. 

Năm 2014, mặt hàng cao su và máy chế biến nhựa của Việt Nam cũng bị phía Ấn Độ xem xét điều tra chống bán phá giá và đây là vụ kiện thứ năm về nội dung này của Ấn Độ đối với hàng hóa Việt Nam. 

Để nâng “chất” cho xuất khẩu trước thách thức trên, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1233/QĐ-TTg phê duyệt Đề án quản lý nhập khẩu đến năm 2020 phù hợp với cam kết quốc tế; trong đó đặt mục tiêu đạt cân bằng thương mại vào năm 2020.

Sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty TNHH Partron Vina (vốn đầu tư của Hàn Quốc) thuộc Khu công nghiệp Khai Quang (Vĩnh Phúc). Ảnh: Danh Lam/ TTXVN

Đề án này đặt mục tiêu xây dựng một hệ thống các biện pháp quản lý nhập khẩu hàng hóa phù hợp với cam kết quốc tế và tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, nhằm thực hiện thành công các mục tiêu của Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011-2020 định hướng đến năm 2030.

Theo đó, bộ công cụ các biện pháp quản lý nhập khẩu phù hợp với các cam kết quốc tế sẽ được xây dựng với mục đích tạo dựng môi trường pháp lý công khai, minh bạch, ổn định, có thể dự báo được cho doanh nghiệp, góp phần kiểm soát nhập khẩu và đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Mục tiêu cụ thể là giảm dần thâm hụt thương mại và tiến tới cân bằng thương mại vào năm 2020 với xuất khẩu hàng hóa tăng bình quân 11%/năm và nhập khẩu hàng hóa tăng bình quân dưới 10%/năm trong giai đoạn 2016-2020.

Để đạt được mục tiêu trên, định hướng trong việc quản lý nhập khẩu bao gồm việc duy trì, tận dụng các biện pháp thuế quan và phi thuế quan được phép áp dụng theo các cam kết với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và tại các Hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương, cùng với việc tăng cường sử dụng các biện pháp phi thuế quan, các quy định về hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT), kiểm dịch động thực vật (SPS) và các biện pháp phòng vệ thương mại.

Luật Quản lý ngoại thương cũng sẽ được xây dựng và ban hành nhằm đảm bảo tính ổn định, thống nhất về mặt chính sách cũng như các quy định có tính thực tiễn, khả thi để tạo thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp.

Đặc biệt, đối với việc sử dụng biện pháp phòng vệ thương mại sẽ được hoàn thiện, sửa đổi các văn bản quy phạm phát luật điểu chỉnh đề phù hợp với các quy định của WTO. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về các biện pháp phòng vệ thương mại và hỗ trợ các hiệp hội ngành hàng trong công tác tập hợp thông tin, khởi xướng điều tra các vụ việc về phòng vệ thương mại.

Thảo Nguyên/BNEWS - TTXVN

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục