Nâng mức độ giám sát trên UPCoM

16:20' - 02/08/2017
BNEWS Cùng với sự tăng trưởng về quy mô, sự đa dạng công ty niêm yết trên thị trường UPCoM, đòi hỏi sự quản lý, giám sát hiệu quả hơn để bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư.
Cùng với sự tăng trưởng về quy mô, sự đa dạng công ty niêm yết trên thị trường UPCoM, đòi hỏi sự quản lý, giám sát hiệu quả hơn để bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư.Ảnh minh họa: HNX
Thị trường giao dịch cổ phiếu công ty đại chúng chưa niêm yết (UPCoM) chính thức hoạt động từ năm 2009 với mục tiêu thu hẹp dần thị trường giao dịch tự do và mở rộng thị trường có quản lý của Nhà nước.
Sau 8 năm hoạt động, thị trường UPCoM đã có nhiều thay đổi linh hoạt nhằm thu hút doanh nghiệp, tăng tính hấp dẫn của thị trường với nhà đầu tư. Nhiều doanh nghiệp sau thời gian tập dượt tại thị trường UPCoM đã chuyển sang niêm yết, tính minh bạch của thị trường đã được cải thiện bước đầu.
Tuy nhiên cùng với sự tăng trưởng về quy mô, sự đa dạng công ty niêm yết, đòi hỏi sự quản lý, giám sát hiệu quả hơn để bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư.
* Bứt phá
Theo Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), tính đến ngày 21/6/2017, thị trường UPCoM quy tụ 568 công ty đăng ký giao dịch với giá trị vốn hóa thị trường đạt 444 nghìn tỷ đồng, tăng gấp hơn 100 lần so với khởi điểm năm 2009, quy mô vốn hoá thị trường gấp 2,4 lần so với thị trường niêm yết. Cùng với sự bứt phá ngoạn mục về quy mô trong 2 năm trở lại đây, thanh khoản của thị trường hiện đã vượt mức 197,7 tỷ đồng/phiên, bỏ xa mức 4 tỷ đồng/phiên năm 2009.
Quyết định 51/2014/QĐ-TTg về một số nội dung về thoái vốn, bán cổ phần và đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán của doanh nghiệp nhà nước và Thông tư 115/2016/TT-BTC sửa đổi Thông tư 196/2011/TT-BTC về hướng dẫn bán cổ phần lần đầu và quản lý tiền thu từ cổ phần hóa doanh nghiệp chủ trương gắn đấu giá cổ phần hóa với đăng ký giao dịch đã tạo cú hích cho UPCoM và hỗ trợ mạnh mẽ cho sự tăng trưởng về quy mô.
Theo đó, trong vòng chưa đầy 2 năm (từ tháng 12/2015 đến tháng 6/2017), số lượng doanh nghiệp đã tăng hơn 2,2 lần, từ 256 doanh nghiệp lên 571 doanh nghiệp. Vốn hóa thị trường đạt 440 nghìn tỷ đồng, gấp 2,4 lần so với thị trường niêm yết. Thanh khoản của thị trường đã cải thiện rất nhiều, hiện đạt mức 200 tỷ đồng/phiên.
Các doanh nghiệp trên UPCoM có quy mô vốn trải rộng từ vài chục tỷ đồng đến hàng nghìn tỷ đồng; trong đó có thể kể đến như Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam – CTCP, CTCP Nhiệt điện Hải Phòng, Tổng Công ty Thép Việt Nam – CTCP...
Chất lượng doanh nghiệp cũng đa dạng, từ lãi cao cho đến các doanh nghiệp thua lỗ nặng nề. Những điều này đã tạo nên sự khác biệt, tính đa dạng của thị trường UPCoM..
Theo ông Nguyễn Việt Đức, chuyên gia cao cấp chiến lược thị trường Công ty cổ phần Chứng khoán MB- MBS, từ năm 2015 đến nay, sàn UPCoM đã có sự vươn lên mạnh mẽ, khối lượng giao dịch trung bình ngày từ mức khoảng 1 triệu cổ phiếu thì hiện nay đã lên tới mức xấp xỉ 10 triệu cổ phiếu.
Lý giải về sự tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường UPCoM, bà Nguyễn Phương Thảo, giảng viên Học viện Ngân hàng cho rằng, với sự thúc đẩy của các cơ quan quản lý, đặc biệt là Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước và Bộ Tài chính trong việc đưa ra các chính sách phát triển thị trường cũng như làm minh bạch thị trường đã giúp nhà đầu tư yên tâm hơn khi đầu tư vào UPCoM
Bà Thảo cũng cho biết thêm, theo Thông tư 180/2015/TT-BTC hướng dẫn đăng ký giao dịch chứng khoán trên hệ thống giao dịch cho chứng khoán chưa niêm yết, cùng với quy định bắt buộc các công ty đại chúng, doanh nghiệp nhà nước khi cổ phần hóa nếu không đăng ký niêm yết trên sở giao dịch phải đăng ký giao dịch trên sàn UpCoM đã tạo ra một lượng lớn hàng hóa có chất lượng, hấp dẫn.
*Siết chặt quản lý
Theo HNX, đi cùng với sự tăng trưởng về quy mô, sự đa dạng là sự gia tăng về mức độ phức tạp trong quản lý, giám sát thị trường. Để nâng cao tính minh bạch, tăng cường hoạt động giám sát trên thị trường, bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư, HNX đã ban hành Quy chế Tổ chức và Quản lý Thị trường UPCoM mới kèm theo Quyết định số 455/QĐ-SGDHN ngày 20/6/2017.
Với quy chế mới, các biện pháp quản lý, giám sát đối với công ty đăng ký giao dịch được nâng từ 2 mức độ gồm tạm ngừng giao dịch và hạn chế giao dịch lên thành 4 mức độ gồm nhắc nhở vi phạm trên toàn thị trường, tạm dừng giao dịch, hạn chế giao dịch và đình chỉ giao dịch.
Ông Nguyễn Việt Đức, chuyên gia cao cấp chiến lược thị trường Công ty cổ phần Chứng khoán MB- MBS cho rằng, việc mở rộng diện cảnh báo của UPCoM từ 2 mức (tạm ngừng giao dịch và hạn chế giao dịch) lên thành 4 mức độ (nhắc nhở, tạm dừng, hạn chế và đình chỉ giao dịch) là một nỗ lực đúng hướng và rất quan trọng của HNX để nâng cao chất lượng giám sát, cảnh báo.
Theo cơ chế cũ, doanh nghiệp niêm yết trên UPCoM bị hạn chế giao dịch khi xảy ra các lỗi nghiêm trọng như không thực hiện công bố thông tin về báo cáo tài chính năm trong 2 năm liên tục, vốn chủ sở hữu bằng không hoặc âm, tổ chức kiểm toán từ chối đưa ra ý kiến, trụ sở của công ty không xác định được..
Đây đều là những lỗi rất nghiêm trọng và thực tế nếu công ty đã rơi vào diện này thì việc cắt lỗ, rút đầu tư đã là quá chậm. Nhà đầu tư sẽ gặp rất nhiều rủi ro, khả năng cao xảy ra thua lỗ lớn mà không thể khắc phục được.
Với cơ chế mới, HNX sẽ nhắc nhở vi phạm trên toàn thị trường được áp dụng đối với các công ty đăng ký giao dịch chậm công bố thông tin quá 30 ngày đối với báo cáo tài chính năm đã kiểm toán hoặc báo cáo tài chính bán niên đã soát xét.
Đây là một dấu hiệu cảnh báo sớm về độ minh bạch kết quả kinh doanh. Điều này có thể giúp nhà đầu tư đưa ra các quyết định chính xác hơn về việc đầu tư vào các mã chứng khoán tiềm ẩn rủi ro cao.
Thực tế, các vi phạm về chậm công bố thông tin trên có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khách quan và nhà đầu tư vẫn có thể tiếp tục đầu tư nếu việc giải trình của công ty hợp lý.
Ở một mức cao hơn, cổ phiếu sẽ bị tạm dừng giao dịch (không quá 5 phiên) với các lỗi nặng hơn liên quan đến công bố thông tin (Báo cáo tài chính chậm 45 ngày, không công bố thông tin về Đại hội cổ đông hay không công bố thông tin bất thường…). Các vi phạm ở mức độ này là cao hơn và mang tính cảnh báo mạnh mẽ hơn với nhà đầu tư.
Ở mức tiếp theo (hạn chế giao dịch), các rủi ro sẽ liên quan nhiều tới các chỉ tiêu về tài chính chẳng hạn như bị âm vốn chủ sở hữu, kiểm toán từ chối đưa ra ý kiến…
Đây đều là các dấu hiệu cho thấy doanh nghiệp đang gặp những khó khăn rất nghiêm trọng về tài chính và khi đầu tư vào các doanh nghiệp này nhà đầu tư phải xác định xác suất thua lỗ rất cao, thậm chí có thể mất hết vốn.
Tuy nhiên, theo HNX một số doanh nghiệp vẫn có cơ hội tồn tại và phục hồi nếu có những nỗ lực giải cứu rất mạnh mẽ từ một nhà đầu tư, tổ chức khác thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp. Chỉ những nhà đầu tư có độ chấp nhận rủi ro cao (sẵn sàng chấp nhận mất hết vốn đầu tư), có các thông tin sâu về doanh nghiệp mới nên tham gia đầu tư vào các doanh nghiệp diện này.
Ở mức cuối cùng, đình chỉ giao dịch là những vi phạm rất nghiêm trọng như không xác định được trụ sở, giả mạo hồ sơ giấy tờ…
Theo ông Nguyễn Việt Đức, những công ty thuộc mức vi phạm này có dấu hiệu lừa đảo, do vậy độ rủi ro rất lớn, khả năng mất toàn bộ vốn đầu tư gần như 100%. Nhà đầu tư không tham gia đầu tư dưới bất kỳ một hình thức nào với các công ty này.
Với 4 thang bậc mới, sự đi xuống trong độ minh bạch hay những hoạt động kinh doanh của công ty sẽ sớm được cảnh báo tới nhà đầu tư. Qua đó nhà đầu tư sẽ có những quyết định chính xác hơn trong việc tìm hiểu về công ty, lựa chọn về quy mô đầu tư và chấp nhận rủi ro...với những công ty thuộc 4 diện cảnh báo.
“Tôi tin rằng với cơ chế giám sát mới này, một số trường hợp vi phạm nghiêm trọng trong công bố thông tin của doanh nghiệp giao dịch cổ phiếu trên UPCoM sẽ ít cơ hội xảy ra, qua đó giúp cho thị trường UPCoM tiếp tục phát huy vai trò là một sàn niêm yết dành cho tất cả các doanh nghiệp đại chúng phù hợp”, ông Đức nói.
Còn theo giảng viên Học viện Ngân hàng Nguyễn Phương Thảo, việc đưa ra quy chế mới theo hướng siết chặt sẽ làm cho thị trường UPCoM lành mạnh và an toàn hơn, đồng thời tạo niềm tin cũng như thúc đẩy nhà đầu tư tham gia vào thị trường./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục