Nền kinh tế phục hồi rõ nét trong quý III/2015

15:07' - 23/10/2015
BNEWS Tại Hội thảo Báo cáo kinh tế vĩ mô quý III/2015 do CIEM tổ chức, nhiều đại biểu cho rằng các nhân tố thúc đẩy tăng trưởng chủ yếu là khai thác tài nguyên và khối doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.

Tại Hội thảo, ông Nguyễn Anh Dương, Phó Trưởng ban Ban Kinh tế vĩ mô, CIEM đã giới thiệu những nội dung chính trong Báo cáo kinh tế vĩ mô Quý III/2015 trên các lĩnh vực tăng trưởng, công nghiệp xây dựng, lạm phát, tín dụng, tỷ giá, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), xuất nhập khẩu.

Ông Nguyễn Anh Dương tóm tắt nội dung báo cáo. Ảnh: Quang Toàn/BNEWS.

Báo cáo đã chỉ ra các điểm tích cực của quý này đó là, tăng trưởng kinh tế phục hồi rõ nét hơn cả ở đầu tư và chi tiêu tiêu dùng; trong đó, công nghiệp – xây dựng tiếp tục tăng nhanh; lạm phát ổn định ở mức thấp; lãi suất ổn định, thu hút FDI là điểm sáng khi vốn thực hiện tăng, vốn đăng ký tăng (tập trung ở một số dự án lớn).

Tuy nhiên, tình hình tín dụng tăng chậm lại so với hai quý đầu năm; tình hình xuất khẩu cũng tăng trưởng chậm trong quý III mặc dù lượng hàng xuất khẩu tăng.

TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM cho biết, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong quý III rất cao so với kỳ vọng ban đầu với mức tăng trưởng GDP ở mức 6,8% và dự báo quý sau có thể tăng trưởng hơn.

TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Quang Toàn/BNEWS.

Tuy nhiên, TS. Trần Đình Cung đặt ra vấn đề, liệu sự tăng trưởng này có bền vững không và yếu tố nào giúp có được sự tăng trưởng này. Việc tăng trưởng này có phải là nhờ việc nâng cao năng suất, hiệu quả sử dụng nguồn lực hay là nâng cao năng suất lao động, năng lực canh tranh hay không ?

Nhìn vào bức tranh tăng trưởng nhiều đại biểu cho rằng, các nhân tố giúp tăng trưởng kinh tế quý III cũng như 9 tháng chủ yếu do khai thác tài nguyên và dựa vào doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.

Vì vậy, các đại biểu khuyến nghị, trong thời gian tới các đơn vị chức năng tiếp tục tạo thuận lợi hóa cho môi trường kinh doanh và cải thiện năng lực cạnh tranh, ưu tiên cao nhất cho tái cơ cấu các ngân hàng thương mại, tập trung vào xử lý nợ xấu.

Bình luận về các kết quả trong báo cáo, đại diện chuyên gia đến từ Dự án hỗ trợ tái cơ cấu kinh tế nâng cao năng lực cạnh tranh Việt Nam cho biết, hiện tại tỷ lệ chi tiêu của Việt Nam đang ở mức cao nên vấn đề quan tâm là giới hạn chi tiêu và lấy nguồn để chi tiêu cần phải tính tới.

Mặt khác, trên thực tế Việt Nam cũng tăng trưởng thấp hơn so với các nước thành công trong khu vực. Do đó, cần làm rõ vấn đề tăng trưởng của Việt Nam đến từ đâu và cũng cần xác định rõ vai trò của khu vực nhà nước và khu vực tư nhân để qua đó giúp Việt Nam xác định phải làm gì để tiếp tục đi lên./.

Quang Toàn

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục