Nga “chật vật” với bài toán ngân sách

19:15' - 16/01/2016
BNEWS Thủ tướng Dmitry Medvedev cho rằng sự biến động mạnh trên thị trường dầu mỏ đang gây ra những rủi ro nghiêm trọng trong việc “dự thảo” ngân sách trong cuộc họp chính phủ bàn về vấn đề kinh tế.
Thủ tướng Dmitry Medvedev cho rằng sự biến động mạnh trên thị trường dầu mỏ đang gây ra những rủi ro nghiêm trọng trong việc “dự thảo” ngân sách trong cuộc họp chính phủ bàn về vấn đề kinh tế. Ảnh: Reuters

Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev mới đây lên tiếng thừa nhận có "những rủi ro nghiêm trọng" đối với ngân sách nước này trong bối cảnh nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào dầu mỏ đang chịu tác động mạnh từ việc giá dầu mỏ lao dốc, đồng nội tệ ruble (rúp) rơi xuống gần mức thấp kỷ lục và cổ phiếu tại thị trường chứng khoán Moskva sụt giảm hơn 6% trong phiên ngày 15/1.

Cụ thể, chỉ số RTS (được giao dịch bằng đồng USD) giảm 6,25%, trong khi chỉ số Micex (được giao dịch bằng đồng ruble) giảm 4,73%. Tuy nhiên, kết thúc phiên giao dịch, cả hai chỉ số này đã hồi phục chút ít với RTS chỉ còn giảm 5,77% và Micex giảm 4,27%.

Đồng nội tệ của Nga trong phiên ngày 15/1 được giao dịch ở mức 77,73 ruble/USD, vượt mốc 77 ruble/USD lần đầu tiên kể từ tháng 12/2014, thời điểm đồng ruble rơi xuống mức thấp kỷ lục 80 ruble/USD. Trong khi đó, tỷ giá đồng ruble so với đồng euro cũng giảm.

Vào thời điểm cuối ngày, đồng ruble được giao dịch ở mức 85,12 ruble/euro. Kể từ đầu năm 2016 đến nay, đồng ruble của Nga đã mất hơn 5% giá trị.

Trong cuộc họp chính phủ bàn về vấn đề kinh tế, Thủ tướng Medvedev cho rằng sự biến động mạnh trên thị trường dầu mỏ đang gây ra những rủi ro nghiêm trọng trong việc “dự thảo” ngân sách.

Theo ông, nền kinh tế Nga đang chịu tác động mạnh từ các biện pháp trừng phạt của phương Tây và sự mất giá của đồng ruble, do đó Nga cần phải "chuẩn bị sẵn sàng cho bất kỳ biến động nào" trên thị trường dầu mỏ.

Trước đó, hãng thông tấn TASS dẫn lời Bộ trưởng Tài chính Anton Siluanov cho biết nhiệm vụ hiện nay là điều chỉnh ngân sách phù hợp với những thực tế mới, nếu chúng ta không làm được điều đó, kịch bản sẽ tái diễn như năm 1998 và 1999.

Vào thời điểm đó, đồng nội tệ của Nga mất giá mạnh và nước này không có khả năng thanh toán nợ, dẫn tới lạm phát nhảy vọt lên mức 85%.

Giá dầu rơi xuống mức thấp mới trong vòng 12 năm qua trong phiên 15/1, xuống dưới 30 USD/thùng, trong bối cảnh các biện pháp trừng phạt chống Iran, quốc gia sản xuất dầu mỏ hàng đầu thế giới, đang dần được nới lỏng và những quan ngại về tốc độ tăng trưởng chậm của Trung Quốc.

Trong khi đó, hồi tháng 12/2015, Chính phủ Nga dự tính ngân sách 2015 dựa trên giá dầu ở mức 50 USD/thùng.

Thủ tướng Mevedev cho hay chính phủ sẽ tìm cách duy trì các gói phúc lợi xã hội, do vậy các khoản khi tiêu khác sẽ cần phải “cắt giảm đáng kể” và một số dự án sẽ bị “tạm hoãn hoặc hủy”.

Theo Ngân hàng Thế giới (WB), kinh tế Nga ước tính đã suy giảm 4,3% trong năm 2015 và tiếp tục rơi vào suy thoái trong năm nay./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục