Nga và chiến lược quay trở lại “hòn đảo tự do”

05:30' - 30/12/2017
BNEWS Tuyên bố mang tính lịch sử về bình thường hóa quan hệ giữa Cuba và Mỹ sau gần 6 thập kỷ đối đầu vừa kỷ niệm 3 năm, nhưng là trong một bối cảnh ít sáng sủa.

No Title

Tổng thống Vladimir Putin. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo báo mang Público, nguyên nhân là do quan điểm thù địch của Tổng thống Mỹ Donald Trump đối với La Habana. 

Dường như Nga đang tận dụng tình thế này để trở lại “hòn đảo tự do” một cách mạnh mẽ. Chỉ trong vòng 6 tháng, tiến trình xích lại gần nhau đang tiến triển chậm, nhưng chắc đã bất ngờ chuyển thành thái độ chính trị ngày càng cứng rắn mà các hậu quả của nó đã bắt đầu ghi nhận được, theo như cảnh báo hồi tuần trước của Joséfina Vidal, Vụ trưởng Các vấn đề về Mỹ của Bộ Ngoại giao Cuba và gương mặt nổi bật nhất trong quá trình tan băng quan hệ trước đây giữa La Habana và Washington.

Số lượng khách Mỹ tới Cuba, từng tăng tới 250% kể từ tuyên bố lịch sử ngày 17/12/2014, đã bắt đầu sụt giảm, trong khi đối thoại song phương về các vấn đề như y tế và môi trường bị tê liệt, còn các cuộc gặp cấp cao được dự kiến tại La Habana phải chuyển sang Washington.

Đúng lúc này, những đồng minh cũ người Nga đã đưa ra những tín hiệu không thể nhầm lẫn về một mối quan tâm được làm tươi mới lại đối với quốc đảo được mệnh danh là “chiếc chìa khóa trên biển Caribe”, thể hiện qua những động thái tác động trực tiếp tới những lĩnh vực sống còn nhất với nền kinh tế Cuba như việc gửi một tàu chở dầu hồi tháng 5 vừa qua nhằm xoa dịu tác động của sự sụt giảm lượng dầu thô mà Venezuela gửi định kỳ cho Cuba.

Năm 2014, sáu tháng trước khi Tổng thống Mỹ khi đó Barack Obama và người đồng cấp Cuba Raúl Castro tuyên bố tái thiết lập quan hệ ngoại giao song phương - bước đi từng được đàm phán 18 tháng trong bí mật - Moskva đã xóa tới 90% nợ cho La Habana. Nửa năm sau, Chủ tịch Cuba Raúl Castro đã có chuyến thăm và hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Moskva.

Ngày 16/12 vừa qua, người đứng đầu Nhà nước Cuba đã tiếp Chủ tịch tập đoàn dầu khí lớn nhất của Nga (Rosneft) Igor Sechin. Nhân vật này vốn được coi là "cánh tay phải" của Tổng thống Putin. 

Đáng chú ý rằng tại thời điểm này, Nga - đối tác thương mại lớn thứ 4 của Cuba - đang hỗ trợ quá trình hiện đại hóa đường sắt có thể tiêu tốn tới hàng tỷ USD của Cuba, cùng lúc hãng xe hơi Lada đã nối lại các chuyến hàng gửi sang “hòn đảo tự do”, còn lượng du khách từ “xứ sở Bạch Dương” tới đảo quốc Caribe này cũng tăng 40% hồi tháng 9 vừa qua so với cùng kỳ năm trước.

Ngày 8/11/2016, chỉ ít lâu sau chiến thắng của ông Trump trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào năm ngoái, La Habana và Moskva đã ký một loạt thỏa thuận trong các lĩnh vực quốc phòng, vận tải, điện năng và dược phẩm. 

Trước đó, nhà tài phiệt “tóc vàng hoe” từng hé lộ trong giai đoạn cuối cuộc bầu cử rằng sẽ không tiếp tục các bước đi của Tổng thống Barack Obama trong vấn đề Cuba, thái độ được cho là để tìm kiếm phiếu bầu của giới Cuba phản cách mạng lưu vọng tại Miami và không được tin tưởng mấy. 

Tuy nhiên, 6 tháng sau khi tiếp quản Nhà Trắng, Tổng thống Trump đã thực sự biến những lời nó đó thành hành động với một bản bị vong lục chặt đứt tiến trình cải thiện quan hệ với Cuba bằng một loạt trừng phạt dành cho quan chức quân sự của La Habana và hạn chế các chuyến đi của người Mỹ tới Cuba.

La Habana, theo như bài viết mới đăng trên nhật báo chính thống Juventud Rebelde (Thanh niên quật khởi) gần đây, cho rằng ông Trump “đã biến Cuba thành một quân cờ thí trong cách điều hành chính sách đối nội mờ ám của ông”, trong bối cảnh Thượng nghị sĩ Marco Rubio, hiện là cột trụ chính của giới Cuba lưu vong phản cách mạng tại Mỹ, là thành viên Ủy ban Tình báo của Hạ viện Mỹ, cơ quan đang điều tra sự can thiệp của Nga vào bầu cử Mỹ.

Còn những quy định mới mà các Bộ Tài chính, Thương mại và Ngoại giao Mỹ công bố nhằm bóp nghẹt về kinh tế giới lãnh đạo chóp bu Cuba, đã tạo ra một không khí e ngại và bất trắc trong giới đầu tư Mỹ. 

Ngoài ra La Habana, dù đã rất cẩn thận trong các hành xử ngoại giao, cũng không thoát được những ngôn từ “mạng” của ông Trump, người giữa đám đông những kẻ chống cách mạng cuồng tín hồi tháng 6 tại Miami, đã có những ngôn từ nhắm vào cá nhân Chủ tịch Raúl Castro và trước khi nhậm chức, từng ăn mừng sự ra đi của lãnh tụ cách mạng Fidel Castro. 

Trong tất cả các tình huống đó, Điện Kremlin luôn bày tỏ “tình đoàn kết không thể phá vỡ” với Cuba trước “phong cách trịnh thượng” của Washington.

Thành quả ngoại giao lớn nhất của tiến trình phá băng quan hệ trước đây, việc mở lại các đại sứ quán (tháng 7/2015) vẫn được duy trì, nhưng cả 2 cơ quan này cũng không tránh được những bước thăng trầm trong vài tháng qua và hiện tại cả 2 đang phải hoạt động ở mức tối thiểu. 

Đa số cán bộ nhân viên Đại sứ quán Mỹ tại La Habana đã xách vali về nước sau khi Washington công bố việc hơn 20 nhà ngoại giao của họ bị ảnh hưởng sức khỏe do các cuộc “tấn công sóng âm” - sự việc vẫn đang được điều tra dưới nhiều nghi ngờ về tính xác thực của nó; trong khi Cuba cũng phải buộc phải giảm số nhân viên trong phái đoàn của mình tại Washington theo yêu cầu của Bộ Ngoại giao Mỹ.

Nhìn nhận về sự cố này, Thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ Patrick Leahy, một trong những người thúc đẩy và bảo trợ chính của tiến trình phá băng và cũng là một người rất am hiểu Cuba, từng cảnh báo cách đây 2 tháng rằng tình thế này sẽ có lợi cho Nga trong một bài viết trên tờ The Huffington Post: “mặc dù chúng ta (Mỹ) không biết ai là người chịu trách nhiệm, chúng ta biết rằng những địch thủ của chúng ta ở bên ngoài, bao gồm cả Nga, có động cơ rõ ràng để nới rộng hố ngăn cách giữa Mỹ và Cuba, nhằm đạt được những mục tiêu địa chính trị của họ. 

Và như chúng ta vẫn luôn nhìn thấy trên thế giới, khi chúng ta tách rời, các địch thủ của chúng ta luôn vội vã lấp đầy khoảng trống”./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục