Ngân hàng điện tử tại Việt Nam vẫn còn nhiều nhược điểm

14:07' - 06/12/2017
BNEWS Theo các chuyên gia tài chính, giải pháp ngân hàng điện tử tại Việt Nam vẫn còn nhiều nhược điểm như: Phí giao dịch cao, lỗi giao diện còn xảy ra khá thường xuyên,...

Hội thảo “Tương lai ngân hàng bán lẻ và dịch vụ thanh toán trong thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ 4” diễn ra ngày 6/12 tại Hà Nội là hoạt động nằm trong chuỗi hội thảo, sự kiện về xây dựng thành phố thông minh (Smart City).

Đây cũng là diễn đàn kết nối các chuyên gia công nghệ thông tin trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng với hệ thống ngân hàng bán lẻ nhằm thảo luận về xu hướng chuyển đổi công nghệ số với nhiều hoạt động, dịch vụ ngân hàng; xu hướng phát triển công nghệ thông tin phục vụ ngành tài chính; đảm bảo an toàn thông tin, bảo mật dữ liệu trong hệ thống ngân hàng trong thời kỳ bùng nổ công nghệ kết nối...

Theo “Báo cáo về dịch vụ ngân hàng: Hành vi sử dụng của người dùng và xu hướng tại Việt Nam” do Công ty CP TNHH IDG Việt Nam (IDG Vietnam) thực hiện năm 2017: Ngân hàng điện tử (e-banking) đang ngày càng được sử dụng phổ biến và được đánh giá cao về tính tiện lợi, tiết kiệm thời gian.

Hiện nay, tại Việt Nam tỷ lệ người dùng sử dụng ngân hàng điện tử đã lên 81% (trong khi năm 2015 tỷ lệ này mới là 21%).

Các giải pháp về tài chính điện tử (Finance Technology – Fintech) cũng ngày càng được ưa chuộng tại Việt Nam bởi tính tiện lợi và các giải pháp bảo mật hiện đại.

Xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt và số hóa trong dịch vụ ngân hàng cá nhân đang đặt các ngân hàng trước cơ hội, thách thức lớn, nhất là trong bối cảnh phát triển của cách mạng công nghiệp 4.0.

Xu hướng này cũng mở ra thị trường cung cấp sản phẩm phần mềm phục vụ ngành tài chính ngân hàng cho các doanh nghiệp công nghệ thông tin tại Việt Nam.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia Việt Nam Hà Huy Tuấn nhận định, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với sự xuất hiện của một loạt các công nghệ mới đột phá như internet kết nối vạn vật (IoT), công nghệ robotic, trí tuệ nhân tạo (AI), tự động hóa, điện toán đám mây (icloud), dữ liệu lớn (big data)... đang làm thay đổi mạnh mẽ nhiều ngành và lĩnh vực.

Trong lĩnh vực dịch vụ có sự xuất hiện mô hình kinh doanh mới mẻ và tiện dụng như Uber, Grab (giao thông), Traveloka, Airbnb (du lịch, đặt phòng khách sạn), Alibaba, Amazon (thương mại điện tử), Atombank, Fidor bank (ngân hàng số không có chi nhánh)...

Các công nghệ này sẽ góp phần làm thay đổi nhanh chóng nền kinh tế nói chung và lĩnh vực tài chính, ngân hàng nói riêng.

Khách hàng hiện nay cũng có xu hướng sử dụng ngày càng nhiều công nghệ số hóa mới và đặt ra yêu cầu ngày càng cao với dịch vụ ngân hàng.

Sự phát triển công nghệ hiện nay không chỉ là sáng kiến nhỏ lẻ, mà đã trở thành trào lưu, làn sóng mạnh mẽ khắp nơi trên thế giới.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia tài chính, giải pháp ngân hàng điện tử tại Việt Nam vẫn còn nhiều nhược điểm như: Phí giao dịch cao, lỗi giao diện còn xảy ra khá thường xuyên, dịch vụ chăm sóc khách hàng giao dịch trực tuyến vẫn chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu...

Tại hội thảo, các diễn giả tập trung trao đổi, chia sẻ thông tin về mô hình mới trong các hoạt động tài chính, giải pháp mới về nghiệp vụ ngân hàng, xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật số hiện đại về khách hàng, hệ thống tài chính.

Những vấn đề về quản lý dữ liệu khách hàng, tài chính trong điều kiện sử dụng dữ liệu lớn, áp dụng trí tuệ nhân tạo để tính toán các gói sản phẩm ngân hàng, phân khúc khách hàng, nâng cao độ an toàn bảo mật thông tin cá nhân; phát triển và hoàn thiện các dịch vụ ngân hàng bán lẻ, nhằm đáp ứng nhu cầu, kỳ vọng và nâng cao sự hài lòng của khách hàng cũng được đại diện các đơn vị trao đổi một cách cởi mở.

Những ý tưởng mới được gợi mở tại hội thảo đều hướng tới mục tiêu tiếp tục phát triển dịch vụ ngân hàng bán lẻ nói chung, dịch vụ thanh toán nói riêng trong bối cảnh nhiều quốc gia bao gồm Việt Nam đang nỗ lực chuyển đổi kinh tế truyền thống sang kinh tế số./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục