Ngành bán lẻ Saudi Arabia lên kế hoạch giảm bớt phụ thuộc vào dầu mỏ

14:36' - 07/07/2016
BNEWS Ngành bán lẻ Saudi Arabia đã có những bước đi cụ thể nhằm đạt được một trong những mục tiêu của “Tầm nhìn đến năm 2030” là tạo ra 1,3 triệu việc làm mới vào năm 2020.
Ngành bán lẻ Saudi Arabia lên kế hoạch giảm bớt phụ thuộc vào dầu mỏ. Ảnh: argaam.com

Fahad bin Saiban Al-Sulami, thành viên Hội đồng điều hành của Phòng Thương mại và Công nghiệp thành phố Jeddah và đồng thời là thành viên của Ủy ban tư vấn vì sự phát triển xã hội và giáo dục, phát biểu ngày 6/7 cho hay lĩnh vực bán lẻ sẽ giữ một vai trò rất quan trọng để đạt được tầm nhìn 2030 và các nhà bán lẻ sẽ giữ vị trí trung tâm trong việc thực hiện chính sách đầy tham vọng của Saudi Arabia nhằm chuyển đổi nền kinh tế bớt phụ thuộc vào dầu mỏ.

Hoạt động bán lẻ đang có nhịp độ phát triển nhanh tại vương quốc Trung Đông giàu tài nguyên dầu mỏ này, tạo ra nhiều cơ hội làm việc cho giới trẻ trong các cửa hàng thương mại, siêu thị rau quả, cửa hàng viễn thông và một số hoạt động kinh doanh khác.

Lĩnh vực bán lẻ đang thu hút đầu tư hàng năm hơn 370 tỷ rial (tương đương 100 tỷ USD) tại Saudi Arabia, trong đó sử dụng 70% là lao động nước ngoài, sẽ là một trong những mục tiêu chiến lược của chương trình quốc hữu hoá và sẽ giúp giảm bớt tình trạng thất nghiệp tại quốc gia này.

Bộ Lao động và Phát triển xã hội Saudi Arabia vừa đệ trình một kế hoạch năm năm với mục tiêu tạo ra hơn 1,3 triệu việc làm cho thị trường lao động trong nước bằng chương trình quốc hữu hóa lĩnh vực bán lẻ, viễn thông, taxi, du lịch, bất động sản, vàng và đồ trang sức, và thị trường rau quả.

Ông Al-Sulami nói thêm lĩnh vực bán lẻ sẽ giúp giảm tỷ lệ thất nghiệp từ 11,6% xuống còn 7% theo mục tiêu của “Tầm nhìn đến năm 2030”, trong đó phụ nữ sẽ tham gia nhiều hơn vào thị trường lao động với tốc độ tăng trên 10%.

Quan chức Phòng thương mại và Công nghiệp thành phố Jeddah cũng nêu ra những thách thức mà ngành bán lẻ Saudi Arabia đang phải đối mặt như thiếu cơ sở hạ tầng, giá thuê các không gian thương mại sẵn có còn đắt, đội ngũ nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu do đầu tư hạn chế, thiếu hụt lao động trong lĩnh vực dịch vụ.

Ông Al-Sulami cho hay "nhiều doanh nghiệp nhỏ đã quay sang sử dụng lao động người nước ngoài, vì có chi phí rẻ hơn. Điều này khiến tỷ lệ người nước ngoài tham gia làm việc trong lĩnh vực bán lẻ chiếm tới hơn hai phần ba và tạo ra áp lực kinh tế đáng kể đối với Saudi Arabia”./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục