Ngành da giầy cần làm gì để tận dụng lợi thế mà các FTA đem lại?

20:34' - 14/07/2016
BNEWS Để tận dụng các ưu đãi từ các FTA mang lại, doanh nghiệp phải chủ động nguồn nguyên liệu, có nhân lực chất lượng, đáp ứng được các vấn đề về môi trường, lao động... và có những sản phẩm đặc trưng.

Da giày, túi xách là một trong những ngành kinh tế xuất khẩu mũi nhọn, hàng năm mang về hàng chục tỷ USD cho Việt Nam. Tuy nhiên, trước bối cảnh nền kinh tế suy thoái ở một số thị trường nhập khẩu chính đã ảnh hưởng lớn đến vấn đề xuất khẩu của ngành đồng thời đặt ra những thách thức mới.

Đó là nội dung chính được bàn thảo tại Hội nghị xúc tiến xuất khẩu da giày 2016, do Bộ Công thương phối hợp với Hiệp hội Da, Giày và Túi xách Việt Nam (Lefaso) tổ chức tại Tp.Hồ Chí Minh, ngày 14/7.

Khó cả “ngoại” lẫn “nội” 

Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang EU không khỏi bị ảnh hưởng, trong đó có da giày, túi xách. Ảnh: TTXVN

Theo đánh giá của Vụ Công nghiệp nhẹ, Bộ Công Thương, ngành da giày hiện là một trong những ngành kinh tế xuất khẩu mũi nhọn, hiện chiếm 8-10% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng năm cả nước.

Trong năm 2015, xuất khẩu da giày của cả nước đạt 14,88 tỷ USD, tăng 15,8% so với năm 2014. Việt Nam nằm trong top 4 nước sản xuất giày dép lớn nhất thế giới và là nước xuất khẩu lớn thứ 3 trên thế giới về trị giá, chỉ sau Trung Quốc và Italia.

Tuy nhiên, bước sang năm 2016, tình hình thế giới và trong khu vực dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, việc Anh rời khỏi Liên minh Châu Âu (Brexit) có khả năng gây thiệt hại tới kinh tế khu vực EU và nền kinh tế toàn cầu do biến động thị trường tài chính, tác động đến đầu tư.

Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang thị trường này cũng không khỏi bị ảnh hưởng, trong đó có da giày, túi xách.

Ông Diệp Thành Kiệt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da, giày, Túi xách Việt Nam, hàng năm, Việt Nam sản xuất khoảng 900 triệu đôi giày các loại, trong đó có tới 90% sản phẩm là dành cho xuất khẩu. Thị phần xuất khẩu lớn nhất của ngành da giày, túi xách là EU, do đó việc suy thoái ở thị trường này ảnh hưởng lớn đến ngành.

Điều này thể hiện rất rõ qua số liệu thống kê tốc độ phát triển của ngành da giày, túi xách trong 6 tháng đầu năm 2016 chỉ đạt trên 7%, trong khi con số này trong năm 2015 là 16%. Kim ngạch xuất khẩu ngành da giày, túi xách trong năm 2016 theo đó cũng phải điều chỉnh giảm xuống còn 16,5 tỷ USD, thay vì 17,4 tỷ USD như đã dự báo đầu năm.

Không chỉ gặp khó khăn ở một số thị trường chính, tình hình tiêu thụ nội địa cũng gặp nhiều khó khăn. Số liệu do Vụ Công nghiệp nhẹ cung cấp cho thấy, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm giày dép trong nước khoảng 150 triệu đôi/năm, nhưng sản xuất trong nước mới đáp ứng được 40% nhu cầu.

“Sản phẩm giày dép "Made in Vietnam" tiêu thụ trên thị trường chủ yếu thuộc phân khúc thấp và trung cấp, phải chịu sự cạnh tranh quyết liệt từ mặt hàng cùng loại nhập khẩu từ Trung Quốc, các sản phẩm nhập ngoại chiếm tới 50-60% thị phần.

Sản phẩm thuộc phân khúc cao cấp có nhưng ít và hiện vẫn bị lép vế trước các thương hiệu lớn trên thế giới”, bà Trương Thị Thu Hà, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ, Bộ Công Thương cho biết.

Mặt khác, sản phẩm của các doanh nghiệp ngay khi rời xưởng ra thị trường "nội" đã phải đối mặt với nạn hàng giả, hàng kém chất lượng. Vì vậy, những doanh nghiệp có quy mô lớn thường chọn giải pháp an toàn tập trung sản xuất hàng xuất khẩu, còn sản xuất hàng tiêu thụ nội địa chỉ dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Khắc phục điểm yếu

Theo ông Diệp Thành Kiệt, trong bối cảnh hiện nay, để ngành da giày tăng trưởng chỉ có 2 giải pháp chính. Trước hết, thông qua TPP, các FTA với các nước mà Việt Nam đã ký kết, đặc biệt là với EU, để tăng thị phần xuất khẩu của Việt Nam.

Việc tăng trưởng này không dựa vào tăng trưởng kinh tế toàn cầu mà “ăn” vào thị phần của các nước khác không có điều kiện xuất khẩu như Việt Nam.

“Mặc dù các hiệp định được dự báo có hiệu lực chậm trễ so với dự kiến, tuy nhiên cũng chỉ còn thời gian vài năm để các doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị để tăng hàm lượng giá trị nội vùng.

Để tận dụng các ưu đãi từ các FTA mang lại, doanh nghiệp phải chủ động được nguồn nguyên liệu, có đội ngũ nguồn nhân lực chất lượng, đáp ứng được các vấn đề về môi trường, lao động, nâng cao tự động hóa trong sản xuất và có những sản phẩm đặc trưng chỉ riêng Việt Nam có”, ông Kiệt cho biết.

Ngành da giầy cần làm gì để tận dụng lợi thế mà các FTA đem lại? Ảnh minh họa: TTXVN

Tiếp đó, đại diện lãnh đạo Lefaso cho rằng, để tránh sự bị động, sản xuất theo chỉ định của đối tác khi tham gia chuỗi sản xuất toàn cầu, Việt Nam hoàn toàn có thể chủ động trong chuỗi liên kết nội địa, giúp doanh nghiệp phát triển thị trường trong nước.

Một số doanh nghiệp Việt Nam hiện cũng đã manh nha hình thành chuỗi liên kết nội địa, mua nguyên liệu từ các nhà cung ứng nội địa và bán hàng trong các chuỗi phân phối nội địa đang được Lefaso khuyến khích, tạo điều kiện.

Lâu nay, nhiều doanh nghiệp trong ngành đã quan tâm đầu tư nguyên phụ liệu nhưng manh mún, nhỏ lẻ do chưa có chính sách hỗ trợ, ưu đãi thiết thực. Nghị định 111/2015/NĐ-CP về phát triển công nghiệp hỗ trợ đã ra đời, song để hiện thực hoá cần thông tư hướng dẫn và có những điều chỉnh phù hợp với yêu cầu của doanh nghiệp.

Theo ông Phạm Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng, Bộ Công Thương, hiện tại, một số chính sách của Nghị định 111 về phát triển công nghiệp hỗ trợ vẫn còn chưa thuyết phục được các doanh nghiệp đầu tư mạnh mẽ hơn nữa vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ như chính sách về vay vốn tín dụng hay chính sách về đất đai.

Để khắc phục những tồn tại và hạn chế này, Chính phủ giao Bộ Công Thương chủ trì nghiên cứu, soạn thảo Luật phát triển công nghiệp hỗ trợ, nhằm nâng cao tính pháp lý cho lĩnh vực này.

Về phía Hiệp hội, Lefaso đã làm việc với Bộ Công Thương và Bộ Khoa học và Công nghệ đầu tư vào một số dự án khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất sản phẩm mới, nâng dần giá trị sản phẩm da giày, túi xách Việt Nam.

Sắp tới đây, Hiệp hội cũng khai trương một trung tâm cho ngành da giày, túi xách Việt Nam với 3 chức năng chính: Trưng bày các nguyên phụ liệu trong nước; đào tạo nguồn nhân lực và trung tâm nghiên cứu về môi trường.

Trung tâm này được xây dựng nhằm kết nối các doanh nghiệp trong ngành giải quyết những “mắt xích” quan trọng để tận dụng tối đa những ưu đãi mà các FTA mang lại cho ngành da giày, túi xách./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục