Ngành điện giảm thiểu tối đa thời gian mất điện của khách hàng

17:35' - 04/10/2017
BNEWS Thực hiện chủ trương hiện đại hóa ngành điện, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp điện lực thuộc Tổng Công ty Điện lực miền Bắc đã không ngừng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin.
Ngành điện giảm thiểu tối đa thời gian mất điện của khách hàng. Ảnh minh họa: TTXVN

Thực hiện chủ trương hiện đại hóa ngành điện, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp điện lực thuộc Tổng Công ty Điện lực miền Bắc đã không ngừng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng, giảm thời gian mất điện của khách hàng.

Điện lực Thái Nguyên (PC Thái Nguyên) là một trong số những doanh nghiệp đã mạnh dạn đẩy mạnh đầu tư xây dựng hạ tầng và áp dụng nhiều giải pháp khoa học công nghệ để hoàn thành tốt các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh và nâng cao chất lượng khách hàng, giảm thiểu tối đa thời gian mất điện của khách hàng.

Ông Đinh Hoàng Dương, Giám đốc PC Thái Nguyên cho biết, từ năm 2016, Công ty đã ứng dụng công nghệ 3G để kết nối 12 thiết bị đóng cắt trên lưới (recloser) về điều khiển tại phòng Điều độ Công ty. Trong tình huống mất điện, thời gian xử lý sự cố có thể rút ngắn từ 30 - 45 phút so với việc công nhân quản lý phải đến tận nơi như trước đây.

Năm nay, PC Thái Nguyên tiếp tục triển khai lưới điện thông minh với việc sử dụng mạng cáp quang nội bộ và thiết kế phần mềm chung (phần mềm HMI@SCADA) để kết nối thêm 15 recloser. Việc này giúp giảm thời gian mất điện khách hàng bình quân (SAIDI) từ 30 - 35% so với năm trước.

Ông Đỗ Mạnh Quân, Phó Trưởng phòng Điều độ PC Thái Nguyên cho biết, Công ty đã thực hiện chuẩn hóa tính toán các điểm nút ngắn mạch sau các recloser, để triển khai tìm phân đoạn, xử lý sự cố trong khoảng thời gian ngắn nhất. “Công ty cũng lắp đặt 80 bộ cảnh báo sự cố có cổng kết nối truyền gửi tín hiệu và các thông tin vận hành về trung tâm điều khiển để theo dõi online tại Phòng Điều độ. Nhờ đó, thời gian phân đoạn đi tìm sự cố đã giảm đáng kể”.

Bên cạnh đó, các TBA 110 kV như Lưu Xá, Phú Lương, Gang Thép, Giang Sơn, các trạm Yên Bình 1, 2,3… đều có thể điều khiển xa từ Công ty Điện lực Thái Nguyên trên phần mềm SCADA DMS. Ứng dụng này giúp việc điều chỉnh điện áp trong các giờ cao điểm được chính xác, kịp thời và chủ động hơn, mà không cần phải chờ sự phản hồi của khách hàng về chất lượng điện áp, đồng thời còn góp phần giảm tổn thất điện năng trên lưới điện trung thế.

Theo báo cáo của PC Thái Nguyên, hiện đơn vị này đang quản lý bán điện cho hơn 343.000 khách hàng. PC Thái Nguyên đã triển khai cấp thẻ khách hàng tích hợp 4 thông tin trong thẻ (mã từ, mã QR code, mã khách hàng, tên khách hàng) tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng trong việc nộp tiền điện ở bất kể quầy thu nào của Công ty, cũng như cung cấp các thông tin để phục vụ sửa chữa khi có sự cố tại địa điểm dùng điện của khách hàng.

Hệ thống thông tin quản lý khách hàng CMIS 2.0 của công ty đã tin học hoá hầu hết các khâu quản lý trong quy trình kinh doanh điện năng và tích hợp thêm các tiện ích hỗ trợ khác như: điện nông thôn, web chăm sóc khách hàng, web hỗ trợ điều hành, cấp điện dịch vụ và hóa đơn điện tử, đáp ứng nhanh các thay đổi trong cơ chế chính sách của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng như của nhà nước, nhất là giá bán điện.

Ông Đinh Hoàng Dương, Giám đốc PC Thái Nguyên cho hay, cùng với nhiều giải pháp đồng bộ khác, việc ứng dụng khoa học công nghệ vào quản lý, vận hành và dinh doanh điện đã góp phần bảo đảm cung cấp đủ điện, an toàn cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nâng cao năng suất lao động của đơn vị.

Đặc biệt, trong lĩnh vực dịch vụ khách hàng, các chỉ tiêu về thời gian mất điện, tần suất mất điện, thời gian giải quyết cấp điện mới… đã giảm đáng kể.

Cũng như PC Thái Nguyên, Công ty Điện lực Vĩnh Phúc đã tập trung thay thế công tơ điện tử tại khu vực thành phố, thị xã. Đến nay đã có 61.000 công tơ khách hàng của 273 trạm biến áp công cộng tại Tp. Vĩnh Yên và thị xã Phúc Yên được thay thế bằng công tơ điện tử RF và thực hiện ghi chỉ số qua hệ thống đo xa tự động.

Theo ông Lê Đức Thuận, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Vĩnh Phúc, năm 2016, Công ty nghiệm thu đưa vào vận hành chính thức hệ thống đo xa tại 750 điểm đo của các khách hàng có trạm biến áp chuyên dùng bán điện 3 giá, được ghi chỉ số tự động bằng công nghệ GPRS/3G.

Đến tháng 7/2017, Công ty tiếp tục hoàn thành thay thế, lắp đặt mới 1.243 công tơ điện tử 3 giá có chức năng đo xa bằng công nghệ GPGS/3G cho các TBA công cộng và chuyên dùng bán điện 1 giá trên địa bàn.

Theo đánh giá của khách hàng, việc ứng dụng công tơ điện tử vào đo đếm điện năng giúp ích cho cả bên mua và bán điện. Với các tính năng tiên tiến, công tơ điện tử RF và hệ thống đo xa tự động đã mang lại nhiều lợi ích cho phía khách hàng dùng điện như biết được phụ tải thực tế đang sử dụng qua các thông số điện áp và dòng điện để điều chỉnh hành vi sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả; dễ phát hiện xảy ra rò điện tại các thiết bị sử dụng lâu năm, chất lượng cách điện bị suy giảm; qua đo, ngăn ngừa tai nạn điện trong nhà khách hàng; dễ dàng giám sát được chỉ số và điện năng, hoàn toàn đảm bảo tính chính xác và minh bạch…

Còn đối với đơn vị kinh doanh điện năng, công tơ điện tử đo xa giúp đảm bảo an toàn cho người lao động; thu thập được dữ liệu sử dụng điện của khách hàng, từ đó có kế hoạch đầu tư phù hợp hiệu quả trong cung cấp điện; tránh được sai sót trong công tác ghi chỉ số và nhập chỉ số.

Công ty Điện lực Vĩnh Phúc là một trong những đơn vị dẫn đầu Tổng Công ty Điện lực miền Bắc bước đầu xây dựng thành công hệ thống mini SCADA điều khiển từ xa lưới điện trung áp nhằm theo kịp xu thế vận hành lưới điện theo hướng tự động hóa và hiện đại, phục vụ cho công tác quản lý kỹ thuật – vận hành, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện.

Chia sẻ về ứng dụng của hệ thống mini SCADA, ông Thuận cho hay, trước kia, khi sự cố lưới điện chỉ khi khách hàng báo mất điện hoặc trực trạm 110kV, trạm biến áp trung gian báo về điều độ thì mới biết được thông tin và tiến hành xử lý sự cố. Nhưng từ khi đưa hệ thống mini SCADA vào vận hành, các thông số lưới điện được tự động truyền về phòng điều độ để phục vụ chỉ huy vận hành lưới điện theo thời gian thực.

Khi sự cố lưới điện xảy ra, người vận hành biết được ngay và thao tác đóng, cắt thiết bị từ xa kể cả trong mưa bão, ban đêm; khai thác thông tin sự cố, cài đặt chỉnh định rơ le từ xa; khoanh vùng sự cố bằng phầ mềm thông minh; từ đó giảm được thời gian mất điện của khách hàng, giảm được chi phí sản xuất, nâng cao chỉ số độ tin cậy cung cấp điện…/.

>> Tiếp tục triển khai 2 dự án Trạm biến áp 220 kV Quảng Ngãi và Kon Tum

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục