Ngành điều được dự báo tiếp tục tăng trưởng

18:15' - 16/01/2017
BNEWS Kể từ năm 2006, Việt Nam là nước chế biến xuất khẩu điều lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 28% lượng điều thô chế biến và 42% lượng điều nhân xuất khẩu toàn cầu trong năm 2016.
Sản xuất điều xuất khẩu tại Công ty cổ phần Nhật Huy (Bình Dương). Ảnh: Đình Huệ-TTXVN

Mặc dù, nhu cầu tiêu thụ hạt điều được dự báo vẫn còn tiếp tục tăng, tuy nhiên do phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Hiệp hội điều Việt Nam (VINACAS) vẫn lưu ý các doanh nghiệp cần thận trọng trong kinh doanh, phải thường xuyên theo dõi sát thị trường và không nên thực hiện các hợp đồng giao xa để tránh rủi ro.

Đó là thông tin tại Hội nghị tổng kết hoạt động ngành điều Việt Nam 2016 và phương hướng hoạt động 2017 do VINACAS tổ chức tại Tp.Hồ Chí Minh, ngày 16/1.

Nhập khẩu điều thô tăng kỷ lục

Theo VINACAS, trong năm 2016, khối lượng nhân sơ chế xuất khẩu là 348.000 tấn, đạt giá trị trên 2,8 tỷ đô la Mỹ, cộng với 200 triệu giá trị xuất khẩu sản phẩm chế biến sâu và dầu điều, chiếm gần 10% tổng giá trị.

Nguyên nhân của sự tăng trưởng vượt bậc này, là do sản lượng chế biến điều năm nay của Việt Nam đạt kỉ lục với trên 1,5 triệu tấn hạt điều, cùng với sự ổn định của thị trường và đà tăng của giá xuất khẩu, đưa kim ngạch xuất khẩu điều năm nay tăng 19,1% so với năm 2015.
Như vậy, kể từ năm 2006, liên tiếp trong 11 năm vừa qua, Việt Nam là nước chế biến xuất khẩu điều lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 28% lượng điều thô chế biến và 42% lượng điều nhân xuất khẩu toàn cầu trong năm 2016.

Tuy nhiên, để đạt được kết quả xuất khẩu ấn tượng như trên, trong năm 2016 các doanh nghiệp đã phải nhập khẩu sản lượng điều thô lớn nhất từ trước đến nay là 1,06 triệu tấn, tăng 14% so với năm trước đó, chủ yếu từ khu vực Châu Phi.
Ông Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch VINACAS cho biết, việc nhập khẩu điều thô đã kéo theo những tiềm ẩn rủi ro cho doanh nghiệp trong vấn đề thanh toán quốc tế.

Nhiều hợp đồng đã ký, mở L/C nhưng đối tác không thực hiện hợp đồng, tình trạng trì hoãn giao hàng diễn ra phổ biến.

Một số doanh nghiệp phải hủy hợp đồng xuất khẩu điều nhân do không có nguyên liệu để chế biến.

Điều này ảnh hưởng lớn đến uy tín của các doanh nghiệp xuất khẩu.
Tình trạng này có thể còn tiếp diễn trong thời gian tới khi công nghệ chế biến điều của Việt Nam khá phát triển, nguyên liệu nội địa không đủ đáp ứng cho nhu cầu.

Do vậy, đại diện VINACAS vẫn lưu ý các doanh nghiệp cần thận trọng trong kinh doanh, phải thường xuyên theo dõi sát thị trường và không nên thực hiện các hợp đồng giao xa để tránh rủi ro.
Dự báo của Hội đồng hạt quả khô quốc tế cho thấy, nhu cầu tiêu thụ hạt nói chung và hạt điều trên toàn cầu tiếp tục tăng với tốc độ ổn định, sản lượng gia tăng bình quân 10%/năm, do ngày càng có những báo cáo khoa học chứng minh lợi ích đối với sức khỏe con người của hạt điều và các loại hạt khác.
VINACAS cho rằng, năm 2017 sẽ là năm thuận lợi trong sản xuất kinh doanh điều, nhưng cũng sẽ không ít khó khăn, đặc biệt là sản lượng điều thô có thể bị ảnh hưởng nặng nề của hiện tượng thời tiết bất thường.

Dự kiến trong năm 2017, cả nước sẽ xuất khẩu 360.000 tấn nhân điều, với kim ngạch đạt 3 tỷ USD, tăng khoảng 3,4% về lượng và 5,6% về giá trị so với năm trước đó.

Cạnh tranh ngày càng khó

Hiện Mỹ, Hà Lan và Trung Quốc là những thị trường nhập khẩu nhân điều lớn nhất của Việt Nam.

Mặc dù nhu cầu tiêu thụ dự báo còn tăng, tuy nhiên ở mỗi thị trường có mức độ khó khăn khác nhau.

Tại thị trường Mỹ, thông tin từ các doanh nghiệp cho biết, đến tháng 2/2017, các siêu thị sẽ đồng loạt tăng giá nhân điều.

Điều này đang dấy lên lo ngại việc giá điều tăng sẽ ảnh hưởng đến sức mua của người tiêu dùng tại đây.
Còn tại Trung Quốc, với kinh nghiệm xuất khẩu nhiều năm ở thị trường này, ông Vũ Thái Sơn, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Long Sơn cho rằng, trong tương lai khả năng Chính phủ Trung Quốc sẽ siết mua bán tiểu ngạch và ép các doanh nghiệp mua bán thanh toán qua ngân hàng để kiểm soát thuế nội địa của họ (như Ấn độ mới áp dụng).

Do vậy, tương lai xuất khẩu điều chính ngạch sẽ càng tăng dần.

Đồng thời, sẽ tăng cường an toàn vệ sinh thực phẩm khi mà mức sống của họ cao.
Đáng chú ý, mặc dù là đối tác thương mại lớn của ngành điều Việt Nam, với thị phần nhập khẩu nhân điều chiếm khoảng 14%, tuy nhiên, trong tương lai nhiều khả năng Trung Quốc sẽ là đối thủ lớn của các doanh nghiệp điều Việt Nam.

Bởi tại “vựa điều” lớn nhất của thế giới, Chính phủ Châu Phi đang khuyến khích sản xuất, chế biến ngay ở sở tại, thay vì chỉ xuất khẩu thô như hiện nay.

Trong khi đó, các doanh nghiệp Trung Quốc thường có vốn lớn, lại đông dân đi nước ngoài và thị trường tiêu thụ nhân điều lớn của thế giới.

Do vậy, nếu thị trường Châu Phi mở cửa và phát triển thì nhiều khả năng thương nhân Trung Quốc “đổ bộ” vào ngành này là rất lớn, nguy cơ mất thị phần xuất khẩu nhân điều của Việt Nam
Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Hoàng Giang, Tổng Thư ký VINACAS cho biết, một số thương nhân Trung Quốc bắt đầu quan tâm vào thị trường này và đã có một số nhà máy chế biến điều của Trung Quốc mọc lên ở khu vực biên giới giáp Việt Nam.

Không những vậy, xu hướng mua bán và sáp nhập doanh nghiệp đang diễn ra với tốc độ ngày càng nhanh và mạnh mẽ hơn sẽ là cơ hội cho các thương nhân Trung Quốc muốn đầu tư vào ngành.
Ông Tạ Quang Huyên, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Hoàng Sơn 1 (Bình Phước) kiêm Phó Chủ tịch VINACAS cho rằng, sau nhiều năm liên tục tăng trưởng và tương đối thành công của ngành điều, giá điều đã đạt đỉnh trong giai đoạn cuối năm 2016.

Theo quy luật, giá điều có thể phải dừng lại hoặc đi xuống trong năm 2017.

Do vậy, các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu không nên xây dựng tồn kho nhiều và không nên nhập khẩu ồ ạt khi chưa có hợp đồng đầu ra hoặc nếu có thì nhập khẩu vừa phải để phòng chống rủi ro đó./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục