Ngành nông nghiệp Mỹ “lao đao” vì vấn đề tranh chấp thương mại

12:46' - 08/06/2018
BNEWS Ngành nông nghiệp Mỹ đang đối mặt với tương lai không mấy “tươi sáng” khi bất đồng thương mại chưa có dấu hiệu lắng dịu giữa Washington và nhiều quốc gia, gồm cả những “bạn hàng” lớn của Mỹ.
Ngành nông nghiệp Mỹ “lao đao” vì vấn đề tranh chấp thương mại. Ảnh minh hoạ: AFP

Giới chức Mỹ mới đây cho biết hơn 14% trong tổng nông sản xuất khẩu trị giá 140 tỷ USD mỗi năm của nước này đã hoặc sẽ bị ảnh hưởng bởi các biện pháp trả đũa về thuế quan khi Washington đang vướng vào vụ tranh chấp thương mại với các thị trường lớn như Trung Quốc và Mexico.
Trước đó vào ngày 5/6, Mexico đã áp thuế đối với các sản phẩm và hàng hóa của Mỹ, trong đó thịt lợn và rượu ngô, như một sự đáp trả động thái áp thuế nhập khẩu mới đối với thép và nhôm nhập khẩu do Tổng thống Mỹ Donald Trump đề xuất.
Ông Gregg Doud, trưởng nhóm đàm phán nông nghiệp của Văn phòng Đại diện thương mại Mỹ, cho biết Mexico là thị trường xuất khẩu lớn nhất đối với sản phẩm thịt lợn của Mỹ. Điều đó đồng nghĩa với việc các sản phẩm này có khả năng sẽ trở thành mục tiêu sẽ bị áp mức thuế trả đũa nhiều hơn bất kỳ hàng hóa nào khác.
Trung Quốc - thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của thịt lợn Mỹ trong năm ngoái - cũng áp đặt thuế đối với sản phầm trên cùng các mặt hàng khác nhập từ Mỹ.
Hoạt động xuất khẩu đậu tương của Mỹ cũng bị ảnh hưởng bởi những căng thẳng thương mại đang diễn ra. Trên sàn giao dịch hàng hóa Chicago (CBOT, Mỹ), giá đậu tương giao kỳ hạn tháng 7/2018 đã giảm 20 xu, tương đương 2,01% trong phiên 7/6 xuống còn 9.7425 USD/bushel, đánh dấu phiên giảm thứ tư liên tiếp.

Theo các chuyên gia, sự không ổn định trong chính sách thương mại của Mỹ, cùng với nhu cầu sụt giảm của Trung Quốc đối với đậu tương Mỹ là hai nguyên nhân chính khiến giá đậu nành giao tháng Bảy giảm.
Bên cạnh đó, Bắc Kinh đang tích cực đặt mua đậu tương từ Brazil trong bối cảnh vẫn còn những bất ổn xung quanh kế hoạch thuế quan của Mỹ.
Thêm nữa hồi năm ngoái, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đã rút nước này khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), trong bối cảnh Nhật Bản là một bên ký kết và là trong những quốc gia nhập khẩu thịt bò lớn của Mỹ.
Bên cạnh đó, khoảng 46% sản phẩm rượu mạnh xuất khẩu của Mỹ cũng đối mặt với nguy cơ thua thiệt vì các biện pháp trả đũa.

Theo ước tính, lượng rượu mạnh xuất khẩu trị giá 759 triệu USD của nước này sẽ là mục tiêu đánh thuế của các đối tác thương mại chủ chốt - điều sẽ gây tổn hại cho các nhà sản xuất, người nông dân và các ngành công nghiệp liên quan./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục