Ngành tài chính Anh đón đầu cơn gió ngược "Brexit cứng"

05:48' - 06/10/2016
BNEWS Các công ty tài chính của nước Anh sẽ là đối tượng chịu thua thiệt không hề nhỏ khi thiệt hại ước tính có thể lên tới 38 tỷ bảng Anh (48,34 tỷ USD).
Ngành tài chính Anh đón đầu cơn gió ngược "Brexit cứng". Ảnh: EPA

Nếu nước Anh quyết định “đoạn tuyệt” với châu Âu không do dự (còn gọi là "Brexit cứng"), chính các công ty tài chính của nước này sẽ là đối tượng chịu thua thiệt không hề nhỏ khi thiệt hại ước tính có thể lên tới 38 tỷ bảng Anh (48,34 tỷ USD).
Oliver Wyman, công ty tư vấn tài chính toàn cầu (trụ sở tại Mỹ), trong một báo cáo công bố ngày 4/10 nhận định nếu "Brexit cứng" xảy ra, ngành tài chính Anh có khả năng mất đi quyền tiếp cận tự do với thị trường châu Âu, do đó có thể làm thất thu 38 tỷ bảng Anh. Bên cạnh đó, "Brexit cứng" còn sẽ khiến 75.000 người mất việc làm.
Ông Hector Sants, Phó Chủ tịch Oliver Wyman, hy vọng các cuộc đàm phán sắp tới giữa London và EU về Brexit sẽ có kết quả tốt đẹp, mang lại lợi ích chung cho cả hai bên và giảm thiểu tới mức tối đa các tác động đến ngành tài chính cũng như các khách hàng.
Hiện các ngân hàng tại Anh đang thúc giục Chính phủ Anh bảo đảm cho giai đoạn chuyển tiếp của ngành này khi nước Anh đang đứng trước khắc thay đổi quan trọng.

Tương lai của London với tư cách là trung tâm tài chính của châu Âu cũng sẽ là một chủ đề quan trọng được đưa ra thảo luận trong các cuộc đàm phán Brexit bởi đây là nơi xuất khẩu cũng như nguồn thu thuế lớn nhất “xứ sở sương mù”.
Lĩnh vực tài chính Anh mỗi năm thu về khoảng 190-205 tỷ bảng Anh và dành từ 60-67 tỷ bảng để nộp thuế. Hàng năm cũng có khoảng 1,1 triệu việc làm được tạo mới trong ngành này.
Trong những bước đi tiếp theo để chuẩn bị cho việc rút khỏi EU, Chính phủ Anh cùng ngày cho biết sẽ cân nhắc phương án thắt chặt tuyển dụng lao động nước ngoài trong nỗ lực kiểm soát dòng người nhập cư do Bộ trưởng Nội vụ Amber Rudd đề xuất.

Phương án này, nếu được triển khai, một mặt sẽ giúp duy trì sự ổn định trong nước, mặt khác sẽ bảo đảm việc làm cho lao động bản xứ. Bên cạnh đó, London còn đang lên kế hoạch tăng cường đào tạo thêm bác sỹ bản xứ để giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn nhân lực bên ngoài.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục