Ngành trồng trọt còn nhiều điểm yếu cần cơ cấu

17:34' - 07/01/2016
BNEWS Việc tổ chức sản xuất còn chưa chặt chẽ, nhiều nơi vẫn mang tính bùng phát, thiếu liên kết trong chuỗi; hệ thống của Cục chưa thông suốt từ Trung ương tới cơ sở... là những điểm yếu còn đang tồn tại

Tại lễ kỷ niệm 10 năm ngày thành lập Cục Trồng trọt ngày 7/1, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cho rằng, để nông nghiệp nước ta tiến lên phải thay đổi tư duy từ cách tiếp cận, từ hành lang pháp lý, nguồn lực.

“Đó chính là tái cơ cấu, không phải chuyển dịch cơ cấu cây trồng, nhường cây nọ, bớt cây kia. Phải tái cấu trúc trồng trọt và làm thay đổi những điều cốt lõi, nền tảng của ngành”. - Bộ trưởng Cao Đức Phát chỉ ra.

Bộ trưởng NN và PTNT Cao Đức Phát phát biểu tại Lễ kỷ niệm. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN.

Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, ngành trồng trọt có vị trí đặc biệt quan trọng trong sản xuất nông nghiệp. Cục Trồng trọt đã bám sát thực tiễn chỉ đạo sát sao, kịp thời có hiệu quả, tác động tích cực vào quá trình phát triển của ngành. Bên cạnh việc đề xuất kịp thời chủ trương, hành lang pháp lý, Cục đã có những định hướng rõ cơ cấu cây trồng chủ lực, mùa vụ và các gói kỹ thuật cho hầu hết các loại cây trồng, tập trung vào phát huy lợi thế vùng, địa phương.

Chính vì vậy ngành đã tạo sản phẩm có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường thế giới.
Trong số 10 mặt hàng của nông nghiệp có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, ngành trồng trọt có 7 mặt hàng; trong đó, hồ tiêu, điều đứng đầu trên thế giới; cà phê, lúa gạo thứ hai thế giới…

Chất lượng một số nông sản cải thiện đáng kể như lúa gạo, thanh long, vải, nhãn, bưởi, chè đã thâm nhập được các thị trường khó tính như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc, Liên minh châu Âu…

Theo ông Ma Quang Trung, Cục trưởng Cục Trồng trọt, hiện tỷ trọng lĩnh vực trồng trọt chiếm 73% GDP cơ cấu trong nông nghiệp; kim ngạch nông sản xuất khẩu chiếm tỷ trọng lớn, trên 50% giá trị xuất khẩu nông nghiệp. Đã hình thành nhiều vùng sản xuất cây công nghiệp, cây ăn quả hàng hóa như cao su, điều, cà phê, chè, hồ tiêu, thanh long, vải, hoa… tập trung quy mô lớn. Bởi vậy, tăng trưởng của ngành luôn giữ mức bình quân 3%/năm.

Giá trị sản phẩm thu được bình quân tăng 6 triệu đồng/ha/năm. Ngành trồng trọt đã góp phần đảm bảo an ninh lương thực, xóa đói giảm nghèo và xuất khẩu nông sản thuộc tốp hàng đầu thế giới.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng, ngành vẫn dễ bị tổn thương bởi thiên tai và thị trường. Độ nhạy cảm, tổn thương này vẫn có thể gia tăng vì tác động của biến đổi khí hậu và những biến động bất lợi trên thị trường thế giới.

Bên cạnh đó, vấn đề an toàn thực phẩm vẫn còn nhiều bức xúc trong người dân, nhất là đối với sản phẩm rau, trái cây. Việc tổ chức sản xuất còn chưa chặt chẽ, nhiều nơi vẫn mang tính bùng phát, thiếu liên kết trong chuỗi; hệ thống của Cục chưa thông suốt từ Trung ương tới cơ sở... là những điểm yếu của ngành trồng trọt còn đang tồn tại./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục