Nghị quyết 35: Tác động từ công cuộc cải cách

17:06' - 10/03/2017
BNEWS Việc ban hành, thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 (gọi tắt là Nghị quyết 35) đã có tác động tích cực sau 1 năm triển khai.
 Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 đã có tác động tích cực sau 1 năm triển khai.

Một trong những kết quả rõ nét là số doanh nghiệp thành lập mới trong năm 2016 đạt kỷ lục với trên 110.000 doanh nghiệp và tổng số vốn đăng ký hơn 891.000 tỷ đồng.

Đây là thông tin được cho biết tại hội nghị "Kết quả một năm thực hiện Nghị quyết 35", do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), chi nhánh Tp. Hồ Chí Minh tổ chức ngày 10/3.

Doanh nghiệp cần an toàn pháp lý

Tổng số doanh nghiệp thành lập mới của 7 tỉnh, thành phố phía Nam trong năm 2016 là 47.799 doanh nghiệp với số vốn đăng ký là 371.543 tỷ đồng, chiếm 43,41% về số lượng doanh nghiệp và 41,69% về số vốn đăng ký so với cả nước; trong đó, Tp. Hồ Chí Minh là địa bàn có số doanh nghiệp thành lập mới cao nhất, tiếp theo là các tỉnh như Bình Dương, Đồng Nai...

Từ đó, nâng tổng số doanh nghiệp đang hoạt động của 7 tỉnh, thành phố phía Nam lên khoảng 367.742 doanh nghiệp, chiếm 73,7 % so với cả nước.

Theo ông Trần Ngọc Liêm, Phó Giám đốc VCCI chi nhánh Tp. Hồ Chí Minh, sự khởi sắc này là một trong những dẫn chứng thực tế nhất cho thấy hiệu quả và tác động tích cực của công cuộc cải cách môi trường kinh doanh nói chung, cải cách đăng ký kinh doanh nói riêng đối với sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp theo tinh thần của Nghị quyết 35.

Đồng thời, tình hình hoạt động của doanh nghiệp cả nước nói chung và doanh nghiệp các tỉnh phía Nam nói riêng năm 2016 tương đối ổn định và có những chuyển biến tích cực.

Tuy nhiên, ông Trần Ngọc Liêm, cho rằng, bên cạnh những hiệu quả đạt được thì cho đến nay việc triển khai các giải pháp và hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp theo tinh thần Nghị quyết 35 vẫn còn rất nhiều hạn chế.

Điển hình, chỉ một số địa phương thực hiện tốt chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, còn nhiều địa phương khác chủ yếu giao cho Sở Kế hoạch và Đầu tư, mà thiếu sự phối hợp đồng hỗ từ các sở ban ngành liên quan.
Trong khi đó, vai trò của nhiều hiệp hội vẫn mờ nhạt, chưa đủ năng lực chuyên môn để hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết vướng mắc liên quan đến thủ tục hành chính. Một số bộ ngành vẫn vì lợi ích cục bộ nên vẫn ban hành những chính sách gây bất lợi cho doanh nghiệp hoặc ban hành chậm những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp.

Hiện tại chính sách thuế vẫn còn tồn tại bất cập, tạo điều kiện cho một số cán bộ cơ quan quản lý "nhũng nhiễu" doanh nghiệp.

Bà Mã Thị Thanh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng, cho biết, có nhiều doanh nghiệp thành lập mới nhưng không có điều kiện tiếp cận tư vấn và hướng dẫn về chính sách thuế, hoặc cơ chế hoàn thuế cho doanh nghiệp hiện rất chậm.

Đặc biệt, là doanh nghiệp cũ không được ưu đãi bằng doanh nghiệp mới thành lập nên đã xuất hiện tình trạng một số doanh nghiệp tự giải thể rồi sau đó xin thành lập mới để nhận ưu đãi.

Tương tự, ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp các khu chế xuất - khu công nghiệp - khu công nghệ cao Tp. Hồ Chí Minh cho biết, tình trạng những doanh nghiệp từ 3 đến 5 năm sau mới bị hậu kiểm và bị phát hiện nộp thuế chậm, trong khi đó doanh nghiệp không biết là mình bị vi phạm nên dẫn đến tốn kém thời gian và chi phí nộp phạt.

Bên cạnh đó, việc doanh nghiệp phải xin quá nhiều giấy phép con để phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng đang gây lãng phí tài chính của doanh nghiệp.

Nghị quyết 35 thể hiện quyết tâm cao của Chính phủ, nhưng việc cải cách thủ tục hành chính của hệ thống quản lý của các sở ngành chưa có bước chuyển mình đáng kể hay tinh gọn như kỳ vọng.

Giảm chi phí hoạt động và hỗ trợ vốn

Để đẩy mạnh các giải pháp triển khai Nghị quyết 35, nhiều đại diện doanh nghiệp, hiệp hội cho biết cần có chính sách hỗ trợ thiết thực về vốn, chính sách thuế cho doanh nghiệp vừa và nhỏ; đồng thời sớm thông qua Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, Luật Công nghiệp hỗ trợ…

Nhiều đại diện cho biết cần có chính sách hỗ trợ thiết thực về vốn, chính sách thuế cho doanh nghiệp vừa và nhỏ…  Ảnh minh họa: Hằng Trần/BNEWS/TTXVN.

Từ nay đến năm 2020, Nghị quyết 35 đặt ra mục tiêu đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo lập môi trường pháp lý và môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi... phấn đấu Việt Nam có 1 triệu doanh nghiệp.

TS. Trần Du lịch, chuyên gia kinh tế, đồng thời là trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, cho hay, đây là mục tiêu đầy tham vọng và nếu không có chiến lược phát triển doanh nghiệp nội thì kinh tế Việt Nam chỉ phát triển dựa vào doanh nghiệp FDI.

TS. Trần Du Lịch cũng nhận định, muốn đẩy mạnh phát triển doanh nghiệp, việc trước tiên là các chính sách kinh tế vĩ mô, tỷ giá phải ổn định; quy định pháp luật không ban hành và sửa đổi quá nhanh làm doanh nghiệp không kịp thích nghi. Chính phủ cần tạo ra hành lang an toàn pháp lý để giúp cho doanh nghiệp an tâm phát triển.

Liên quan đến vấn đề hỗ trợ vốn, ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Tp. Hồ Chí Minh cho rằng, trong khi lãi suất vay vốn dao động ở mức từ 7 - 10%, mà doanh nghiệp còn phải gánh thêm các chi phí như vận chuyển quá cao, tình trạng kẹt xe... đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị chứ không thể để doanh nghiệp tự "bơi".

Song song đó, cuộc cách mạng khoa học công nghệ đang chuyển động nhanh, đặt ra yêu cầu cấp thiết về nguồn vốn để đầu tư đổi mới sáng tạo. Các ngân hàng cần thực hiện tốt vai trò thẩm định, tư vấn đầu tư để hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp đầu tư, sản xuất, kinh doanh, chứ không nên chỉ tập trung cho vay thế chấp.

Mặc dù, đánh giá hiện nay đang có rất nhiều chính sách hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp, nhưng ông Trần Đắc Sinh, Tổng Giám đốc Sở Giao dịch Chứng khoán Tp. Hồ Chí Minh (HOSE) cho hay, hầu hết doanh nghiệp đều phải vay vốn với lãi suất bình quân 10%, còn số lượng vay được lãi suất từ 4 - 5% là rất ít.

Do đó, chỉ cần điều chỉnh chính sách điều hành tiền tệ sao cho doanh nghiệp hưởng được lãi suất bằng các nước trong khu vực thì mới nâng cao được hiệu quả sản xuất, kinh doanh và năng lực cạnh tranh.

Cũng theo ông Trần Đắc Sinh, Chính phủ cần thông tin và làm rõ ý nghĩa vì sao cần phát triển doanh nghiệp để toàn hệ thống chính trị ý thức được mục tiêu này, từ đó mới có sự chuyển biến mạnh hơn trong hỗ trợ, phục vụ doanh nghiệp và nhân dân.

Đồng thời, phân tích rõ những lợi ích trong việc phát triển và đóng góp của doanh nghiệp thì mới tạo sức lan tỏa khuyến khích, vận động các thành phần kinh tế như hộ kinh doanh cá thể, cơ sở sản xuất nhỏ lẻ chuyển đổi./.

>>>

Triển vọng kinh tế 2017: Kịch bản “sáng” từ nỗ lực cải cách
Triển vọng kinh tế 2017: Kịch bản “sáng” từ nỗ lực cải cách


Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục