Nghịch lý “tắc đường” tại các trạm thu phí đường cao tốc

17:44' - 26/02/2016
BNEWS Cần phải nhanh chóng áp dụng công nghệ thu phí tự động không dừng, chứ không thể để đường đẹp rồi mà khi qua các trạm thu phí lại bị tắc.
Cảnh tắc nghẽn tại Trạm thu phí số 1 (Hưng Yên) trên Quốc lộ 5. Ảnh: Quang Toàn/Bnews/TTXVN

Đợt nghỉ Tết Nguyên đán vừa qua và những kỳ nghỉ trước đó, người dân luôn phải khổ sở vì cảnh tắc đường hàng giờ tại các trạm thu phí. Đầu tư hàng nghìn tỷ đồng để nâng cấp, mở rộng đường nhưng tình trạng tắc nghẽn gia tăng nghe có vẻ vô lý nhưng sự thật lại đúng như vậy.

Vì đường càng đẹp thì lưu lượng xe đi và đến trạm thu phí càng nhanh dẫn đến ùn ứ càng lớn tại các điểm này.

Anh Nguyễn Công Tuyến, (trú tại quận Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ: Ngay sau khi tuyến cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ được nâng cấp gia đình anh ai cũng mừng vì đường đẹp về quê sẽ nhanh chóng, thuận lợi nhưng thực sự anh cảm thấy hãi hùng mỗi khi về quê và trở lại quê những dịp lễ, Tết hay ngày cuối tuần.

"Dịp Tết vừa qua khi trở lại Hà Nội làm việc, cả nhà tôi phải chờ cả tiếng đồng hồ tại hai trạm thu phí cuối tuyến của cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ và Cầu Giẽ - Ninh Bình. Thực sự bực mình khi trả tiền phí đi cao tốc mà phải chịu cảnh tắc đường" - anh Tuyến bức xúc.

Còn chị Lê Kiều Tuyết, quê Thanh Hóa cho rằng, việc các trạm thu phí vẫn áp dụng thu phí thủ công vừa làm mất thời gian của lái xe vừa không minh bạch. Trong khi nước ngoài đã áp dụng công nghệ vào thu phí từ rất lâu.

Trạm thu phí BOT Tasco trong ngày đưa vào thử nghiệm công nghệ thu phí không dừng. Ảnh: Quang Toàn/Bnews/TTXVN

Ông Trần Văn Sơn, Cục trưởng Cục Quản lý đường bộ I (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) cho biết, trong đợt cao điểm Tết Nguyên đán vừa qua, lãnh đạo Tổng cục Đường bộ đã chỉ đạo Cục Quản đường bộ 1 huy động lực lượng phối hợp cùng chủ đầu tư tuyến đường BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ để chống ùn tắc tại trạm thu phí. Vì đây là tuyến chính, cửa ngõ Thủ đô đi các tỉnh phía Nam .
"Tuy nhiên, dù áp dụng nhiều biện pháp như mở thêm cửa thu phí, tăng cường nhân lực nhưng tình trạng ùn ứ vẫn diễn ra; người dân vẫn phải mất hàng giờ đồng hồ để đi qua các trạm thu phí, điều này đã gây ức chế cho lái xe. Do đó, cần phải nhanh chóng áp dụng công nghệ thu phí tự động để giải quyết tình trạng này, chứ không thể để đường đẹp rồi mà khi qua các trạm thu phí bị tắc thì quả là vô lý”– ông Trần Văn Sơn cho hay.

Theo đánh giá của các chuyên gia, hình thức thu phí không dừng ngoài việc chống ùn tắc giao thông hiệu quả, còn giúp giảm thời gian thực hiện hành trình, giảm chi phí nhiên liệu do không phải giảm tốc độ và tăng tốc qua trạm thu phí, giảm khí thải và bảo vệ môi trường…

Đây cũng được coi là giải pháp nhằm tiết kiệm chi phí, nhân lực cho khâu thu phí của các nhà đầu tư dự án đường giao thông.

Theo ông Đào Văn Chiến, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) - đơn vị quản lý cao tốc Hà Nội – Hải Phòng và Quốc lộ 5, là hai tuyến đường huyết mạch đầu mối kết nối giữa Thủ đô Hà Nội và thành phố cảng Hải Phòng, vì vậy VIDIFI rất hoan nghênh, ủng hộ Bộ Giao thông Vận tải áp dụng công nghệ thu phí không dừng trên toàn quốc bởi những tiện lợi.

Nhưng, Bộ Giao thông Vận tải cũng cần phải có đánh giá và thực hiện thí điểm trước khi áp dụng đại trà trên toàn quốc. Ngoài ra, vấn đề mà các nhà đầu tư quan tâm đó là số tiền thu phí cần phải chuyển cho nhà đầu tư ngay trong ngày để đảm bảo lợi ích cho các bên.

Chủ trương thu phí không dừng đã được Bộ Giao thông Vận tải đưa ra từ hơn một năm nay, hiện tại, Bộ Giao thông Vận tải đã tổ chức nghiên cứu, tham khảo, so sánh với nhiều công nghệ khác nhau và thống nhất lựa chọn công nghệ thu phí RFID (công nghệ nhận dạng tần số sóng vô tuyến) do Hoa Kỳ phát triển, áp dụng rộng rãi trên thế giới.

Hiện tại, Bộ Giao thông Vận tải đã cho áp dụng thí điểm công nghệ thu phí không dừng trên một số tuyến quốc lộ (Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên).

Ông Nguyễn Quang Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ Giao thông vận tải (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết, là đơn vị được Bộ giao nhiệm vụ đánh giá tính hiệu quả các trạm thu phí thí điểm áp dụng công nghệ thu phí không dừng, đơn vị nhận thấy công nghệ thu phí không dừng tại các trạm thu phí bước đầu cho thấy hiệu quả.

Nhưng nhà cung cấp công nghệ cần chú ý đến tốc độ và dung lượng đường truyền vì khi lưu lượng xe đến một lúc quá lớn có thể xuất hiện bị nhiễu thông tin. Do vậy cần phải xây dựng một hệ thống đường truyền đủ lớn đảm bảo thông tin phương tiện đi và đến trạm được chuyển ngay đến ngân hàng thanh toán.

Trao đổi với phóng viên, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường cho biết, Bộ Giao thông Vận tải đã tiến hành mời thầu rộng rãi để chọn nhà đầu tư thực hiện dự án.

Đến thời điểm này, việc lựa chọn nhà thầu đã cơ bản hoàn thành và Bộ Giao thông Vận tải đặt kế hoạch đến tháng 6/2016, tại mỗi trạm thu phí trên Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên sẽ có ít nhất 2 làn thu phí không dừng.

Theo Bộ Giao thông Vận tải, công nghệ thu phí không dừng có chi phí đầu tư thấp, thao tác đơn giản, tốc độ nhận diện phương tiện nhanh, kết quả thu phí chính xác đến 99,99%, dễ được chủ phương tiện giao thông chấp thuận.

Tính toán của các chuyên gia, cho thấy nếu áp dụng hình thức thu phí không dừng, sẽ giúp tiết kiệm chi phí in vé giấy khoảng 70 tỷ đồng/năm; tiết kiệm nhiên liệu 233 tỷ đồng/năm; giảm thời gian tham gia giao thông 2.800 tỷ đồng/năm; tiết kiệm chi phí quản lý giao thông 360 tỷ đồng/năm.

Ngoài ra, các trạm thu phí tự động cũng sẽ được trang bị cân xe tự động để kiểm soát tải trọng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục