Ngoại trưởng Mỹ: Washington sẽ đòi hỏi một thỏa thuận rất khắt khe với Bình Nhưỡng

11:06' - 16/10/2017
BNEWS Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên không chỉ là mục tiêu chính sách của Washington mà còn của các nước láng giềng trong khu vực.
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson. AFP/ TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại Washington, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson ngày 15/10 cho biết Tổng thống Donald Trump đã lệnh cho ông phải tiếp tục theo đuổi nỗ lực ngoại giao nhằm làm giảm căng thẳng leo thang với Triều Tiên và các nỗ lực ngoại giao này sẽ được duy trì cho đến khi "quả bom đầu tiên bị ném xuống”.

Trả lời phỏng vấn trên kênh truyền hình CNN, Ngoại trưởng Tillerson đã bác bỏ việc Tổng thống Trump đe dọa hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân lịch sử giữa Iran với Nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) có thể làm suy yếu cơ hội của Washington trong việc kiềm chế Triều Tiên thông qua con đường ngoại giao.

Theo ông, những gì Triều Tiên có thể rút ra được sau động thái trên của Tổng thống Trump là việc Washington sẽ đòi hỏi một thỏa thuận rất khắt khe với Bình Nhưỡng.

Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên không chỉ là mục tiêu chính sách của Washington mà còn của các nước láng giềng trong khu vực. Do đó, nếu đạt được điều này, sẽ không bao giờ có chuyện rút khỏi thỏa thuận.

Bên cạnh đó, ông Tillerson cũng giảm nhẹ tầm quan trọng của thông điệp mà Tổng thống Trump từng viết trên mạng xã hội Twitter về việc ông lãng phí thời gian tìm cách đàm phán với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, đồng thời khẳng định Tổng thống Trump đã yêu cầu ông phải tiếp tục các nỗ lực ngoại giao.

Tổng thống Trump từng nhiều lần tuyên bố không muốn đối thoại với Triều Tiên và thậm chí cho rằng ý tưởng đối thoại với Bình Nhưỡng là mất thời gian khi Ngoại trưởng Tillerson nêu đề xuất này.

Cùng ngày, Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc (LHQ) Nikki Haley cho rằng quyết định của Tổng thống Donald Trump không xác nhận Iran tuân thủ thỏa thuận hạt nhân là muốn gửi "thông điệp hoàn hảo" tới Triều Tiên về chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Trả lời phỏng vấn hãng tin ABC, bà Haley nêu rõ: "Quyết định đó gửi thông điệp hoàn hảo tới Triều Tiên, đó là chúng tôi sẽ không tham gia vào một thỏa thuận tồi". Theo bà, sẽ không có bất kỳ đàm phán nào trước khi Triều Tiên ngừng thử hạt nhân.

Trong khi đó, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ H.R. McMaster cho biết Washington vẫn luôn điều chỉnh các phương án quân sự sẽ được sử dụng trong trường hợp nổ ra chiến tranh với Bình Nhưỡng.

Phát biểu trên kênh Fox News, ông McMaster nhấn mạnh Tổng thống Trump vẫn luôn thể hiện rõ ràng về việc này, theo đó, sẽ không cho phép Triều Tiên đe dọa Mỹ bằng vũ khí hạt nhân.

Ông nhấn mạnh đây là những kế hoạch mà Washington hy vọng sẽ không phải dùng đến, song vẫn phải chuẩn bị sẵn sàng. Hiện các lực lượng vũ trang Mỹ đang được đặt trong trạng thái sẵn sàng cao đề phòng trường hợp cần thiết.

Trong một diễn biến khác, cũng trong ngày 15/10, Ngoại trưởng Australia Julie Bishop đã bác bỏ các mối đe dọa mới nhất của Triều Tiên đối với nước này, đồng thời khẳng định Chính phủ Australia sẽ tiếp tục gây sức ép buộc Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình hạt nhân.

Theo bà, Australia không phải là một mục tiêu chính của Triều Tiên và nước này sẽ tiếp tục hợp tác với các đồng minh, bạn bè và đối tác trong một chiến lược tập thể nhằm gây áp lực tối đa về ngoại giao và kinh tế đối với Bình Nhưỡng, buộc nước này thay đổi hành vi và trở lại bàn đàm phán.

Ngoại trưởng Bishop đưa ra tuyên bố trên trong bối cảnh hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA vừa đưa ra một loạt đả kích, cáo buộc Australia tham gia “các hành động khiêu khích chính trị và quân sự của Mỹ” chống Bình Nhưỡng.

Nước này cũng cảnh báo Australia sẽ “không thể tránh được thảm họa” nếu tiếp tục hợp tác với Mỹ, gây sức ép đối với Triều Tiên sau những vụ thử tên lửa và hạt nhân gần đây./.

>> Triều Tiên đang sẵn sàng cho một vụ phóng tên lửa đạn đạo

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục